Mãng cầu xiêm có nguồn gốc từ châu Mỹ Latinh, được trồng ở các nước nhiệt đới và cận nhiệt đới không có sương. Mãng cầu xiêm là thực phẩm qúi nhờ giàu chất khoáng như lân, canxi và rất nhiều Vitamin B 1, B2,P,C có vị chua ngọt rất ngon khi làm nước sinh tố.
Trái mãng cầu xiêm nặng trung bình từ 1-2 kg có khi lớn hơn nữa, vỏ ngoài nhẵn chỉ phân biệt múi nọ với múi kia nhờ mỗi múi có một cái gai cong, mềm vì vậy còn có tên là mãng cầu gai.
Hiện nay, ở Nam Bộ có hai thứ mãng cầu: mãng cầu xiêm ngọt và chua. Thứ ngọt lá và quả thường nhỏ hơn thứ chua, giá cao hơn. Nhưng thứ chua có năng suất cao, dễ bán và làm mứt hay kẹo dễ hơn. Do đó mãng cầu chua cũng được khá nhiều người nông dân áp dụng kỹ thuật trồng.
Cây mãng cầu xiêm chịu lạnh và hạn rất kém so với mãng cầu ta. Do đó điều kiện thích hợp nhất trồng loại cây này phải là thời tiết ấm áp.
Kỹ thuật trồng mãng cầu xiêm có thể theo nhiều cách như gieo hạt, giâm, chiết cành đều được. Tuy nhiên tùy vào điều kiện đất đai cụ thể từng vùng mà chúng ta có thể lựa chọn kỹ thuật trồng mãng cầu xiêm khác nhau.
Trước khi tiến hành trồng mãng cầu xiêm nên đào hố rộng 30 - 50cm, sâu 30 - 50cm, tùy cây lớn nhỏ. Nếu trồng luôn bầu cây thì hố phải rộng hơn nhiều so với kích thước của bầu để không ép rễ cây con. Sau khi đã đặt bầu cây xuống hố cần lấp lớp đất mặt và tưới nước ẩm ngay. Khoảng cách giữa các cây nên trồng là 3 - 4m theo hàng.
Thời gian đầu mới trồng mãng cầu xiêm phải lưu ý thường xuyên tưới nước giữ ẩm cho cây mãng cầu xiêm. Sau đó, vào mùa khô chỉ cần 1 tuần tưới nước khoảng 1 - 2 lần cho cây.
Mỗi tháng, nên bón khoảng 50g phân NPK cho cây mãng cầu. Mỗi lần bón phân xong cần tưới nước cho tan phân hoặc có thể pha loãng với nước sau đó tưới vào quanh gốc cây.
Thời điểm cây mãng cầu xiêm ra trái nên bổ sung thêm kali, bình quân 30 - 50g cho mỗi cây. Nếu quan sát thấy cành, lá có biểu hiện già cỗi, nhánh nhỏ nên tỉa bỏ. Để giúp cây thông thoáng và phát triển tốt hơn cũng nên làm cỏ, vun gốc cho cây thường xuyên. Nếu đất xấu hoặc trên đất cát cần bổ sung thêm 10-20 kg phân chuồng /cây/năm. Chia làm 2-3 lần bón, sau thu hoạch và khi cây nuôi quả.
Để giúp cây ra trái nhiều thì việc thụ phấn cũng khá quan trọng. Nhìn chung hoa mãng cầu có nhụy cái trưởng thành trước nên đòi hỏi thụ phấn chéo, hoa không có mùi thơm nên ít côn trùng. Do đó, thường côn trùng thụ phấn không đủ nên cần thụ phấn bổ sung bằng tay để tăng sự đậu quả.
Việc thụ phấn được thực hiện như sau: Lấy hoa có cánh đã hé, phần nhị đực có màu kem là tốt, thu hoa vào buổi chiều, để hoa vào một cái hộp nhỏ đậy kín cho khỏi mất nước, sáng hôm sau dùng một que nhỏ đầu cuốn bông gòn chấm vào hột phấn có màu vàng nhạt, tay phải cầm que có chấm hột phấn, tay trái kẹp hoa muốn thụ vào kẽ ngón tay, đầu ngón cái banh cánh hoa rộng ra, quét hột phấn lên nướm nhụy cái lúc này có màu trắng và ướt dính, quét đều và nhẹ nhàng.
Hoa cần thụ nên chọn hoa chọn mọc ở thân hoặc những cành to, có cánh đang hé nở ra. Quả phát triển từ hoa được thụ thường to và nở đều. Cây sẽ sai quả hơn.
Trồng mãng cầu xiêm thường bắt gặp các loại sâu phổ biến như rệp sáp, rầy chích hút. Tác hại của các loại sâu này sẽ làm cho giảm chất lượng và sản lượng. Ngoài ra bệnh rệp và rầy ngoài việc chích hút nhựa làm hại trái, còn tạo điều kiện thuận lợi cho một số bệnh xâm nhập, nhất là bệnh thán thư gây những vết hoặc đen.
Để phòng và diệt cần trồng thưa, giữ vệ sinh trong vườn không để cành lá bị bệnh vương vãi kể cả các loại trái cây khác cũng bị thán thư phá hại như ổi, xoài. Hãy mua một số thuốc xịt benlat C, Kasuran BTN, Aliette 80 BTN,…có bán tại các cửa hàng thuốc bảo vệ thực vật. Tuy nhiên cần lưu ý khi sử dụng các loại thuốc này cần theo hướng dẫn để đảm bảo an toàn.
Sau một năm trồng mãng cầu xiêm sẽ cho thu hoạch. Nếu chăm sóc tốt cây sẽ cho trái sớm hơn, quả thơm ngon và năng suất cao.
An Dương/ VietQ
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn