Những "đứa con tinh thần" của anh gồm máy đóng đất vô chậu, máy đóng đất vô vỉ, máy xay đất mùn, máy gieo hạt chân không. Các sản phẩm không chỉ cung cấp cho thị trường nội địa mà còn xuất đi nước ngoài. Những sáng chế của anh giúp người nông dân giảm thiểu ngày công lao động và tăng thu nhập, góp phần thay đổi cách nghĩ, cách làm, từ SX truyền thống sang SX nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC).
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Minh Tâm, Phó Giám đốc Sở KH-CN Lâm Đồng cho biết: Lâm Đồng là một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước về ứng dụng NNCNC. Anh Nguyễn Hồng Chương là một trong những nông dân trẻ của tỉnh đã nghiên cứu, SX ra nhiều loại máy móc hữu ích phục cho nông nghiệp dù không được đào tạo qua một trường lớp nào.
Những người như anh Chương đều có những ý tưởng sáng chế khác nhau, nhưng họ có điểm chung là các sản phẩm máy móc được chế tạo rất đơn giản, giá thành rẻ hơn nhiều so với các loại máy tương tự nhập từ nước ngoài.
Nông dân sáng chế Nguyễn Hồng Chương trong xưởng SX
Vào những ngày cuối năm 2013, Nguyễn Hồng Chương rất bận rộn, tất bật để chuẩn bị trình làng những chiếc máy, những đứa con tinh thần thật tươm tất đi tham dự “Hội chợ Công nghệ và thiết bị các tỉnh Nam Trung bộ và Tây Nguyên” do Bộ KH-CN tổ chức tại tỉnh Đăk Nông.
Dù vậy anh vẫn dành ít thời gian quý báu để tiếp chúng tôi. Qua trò chuyện được biết, Hồng Chương là con út trong một gia đình có tới 10 anh em, chuyên làm rau màu ở xã Lạc Lâm, huyện Đơn Dương. Học hết lớp 8, anh đã phải nghỉ học để phụ giúp cho gia đình. Tuổi thơ của Chương cũng đầy gian nan vất vả, với chuỗi ngày đi lượm ve chai, làm thuê cuốc mướn…
Đầu năm 2003 anh cưới vợ, cuối năm sinh con đầu lòng, lúc đó nghèo khó, tiền bạc cháy túi, phải chạy ngược chạy xuôi mới vay mượn trả tiền viện phí cho vợ con. “Đưa vợ tới viện, tôi phải nhờ một người chị trông nom giúp, tức tốc quay về nhà kiếm việc làm lấy tiền trả nợ và nuôi vợ đẻ. Rất may, vừa về tới nhà đã có chủ vườn rau tới thuê bơm thuốc sâu, mừng quá tôi nhận lời và đeo bình đi làm ngay.
Lúc đầu mới ra ruộng làm hăng lắm, càng về trưa, trời càng nắng, nhìn vườn rau hình như càng rộng thêm. Tay đã thấy mỏi nhừ, diện tích đã xịt thuốc thì chẳng được bao nhiêu, tôi nghĩ nếu cứ làm như thế này thì bao giờ mới xong để có tiền gửi lên cho vợ. Tại sao mình không tìm cách gì để làm nhanh hơn, để cải tiến cái vòi phun sao cho vừa lợi công lao động, vừa không ảnh hưởng tới sức khỏe?
Ngay trưa hôm đó, tôi nảy sinh ra ý tưởng cải tiến cái vòi phun. Sau hai đêm thức trắng, vắt óc suy nghĩ, tính toán, đo vẽ, lắp vào rồi lại tháo ra, khoan, hàn… Ngày thứ 3 chiếc “vòi phun thuốc trừ sâu” đứa con tinh thần của tôi được ra đời”, Chương kể.
Vừa bưng một ly chè xanh đặc sản của Lâm Đồng còn nóng hổi, thơm lừng mời khách, anh Chương kể tiếp: Thật bất ngờ sản phẩm “nông cụ” đầu tay ấy đã thành công ngoài mong đợi. Sáng hôm sau, tôi mang bình xịt thuốc trừ sâu ra đồng với cái vòi tự chế dài dằng dặc, có gắn 6 cái béc (bình bơm thuốc sâu cũ chỉ có 1 béc) khiến nhiều người nông dân đang làm rau ở quanh đó ngỡ ngàng. Vì cánh đồng rau, bình thường (1 lao động) cần từ 10 - 12 tiếng đồng hồ thì mới phun thuốc xong, nhưng Chương chỉ làm trong khoảng thời gian 2 tiếng đồng hồ (tiết kiệm được 10 giờ).
Anh Hồng Chương (bên phải) giới thiệu máy gieo hạt chân không tại hội chợ
Trong khoảng thời gian ngắn, Chương đã kiếm được tiền trả nợ và nuôi vợ đẻ. Lúc đầu hàng xóm hiếu kỳ, sang mượn bình thuốc sâu về xịt thử, thấy hiệu quả, tiết kiệm được nhiều công lao động, họ năn nỉ đòi mua luôn, thế là Chương lại phải làm cái khác.
Cứ thế, tiếng lành đồn xa, nông dân tới đặt làm bình xịt thuốc sâu ngày càng nhiều, và Chương trở thành “nhà sáng chế bất đắc dĩ”. Cuối cùng, sản phẩm bình xịt thuốc trừ sâu thương hiệu Hồng Chương được ra đời và được nông dân cả trong và ngoài tỉnh hào hứng đón nhận.
Chương tâm sự, trong những lần đi làm thuê cho một số vườn ươm ở các huyện Đơn Dương, Đức Trọng, anh thấy người dân ở nơi đây chủ yếu SX thủ công, từ khâu đóng đất vào bịch nilon, đến gieo hạt, tưới nước... Thấu hiểu sự vất vả, nhọc nhằn của người lao động, anh liền bắt tay vào nghiên cứu và lần lượt cho ra đời những chiếc máy hữu ích như: Máy đóng đất vô chậu, máy đóng đất vô bịch nilon, máy đóng đất vào vỉ xốp, máy xay đất mùn, máy gieo hạt chân không…
Trong tất cả các loại máy do Chương tự chế, chúng tôi ấn tượng nhất với chiếc máy gieo hạt chân không, bởi chiếc máy này ra đời có ý nghĩa rất lớn, có thể nói nó đã thay đổi cả cuộc đời của Chương. Nó đã thay đổi được cách nghĩ, cách làm mới cho người dân, cụ thể giảm được 12 lao động so với làm thủ công trước đây.
Năm 2008, sản phẩm máy nông nghiệp gieo hạt chân không gặt hái được rất nhiều thành công, Liên hiệp các Hội KHKT Việt Nam cấp giấy chứng nhận “Điển hình sáng tạo trẻ Việt Nam”. Trung ương Đoàn TNCS HCM tặng bằng chứng nhận đạt giải thưởng Lương Định Của và trở thành đề tài nóng của giới truyền thông trong nước và quốc tế.
Từ đây, qua mạng viễn thông toàn cầu, đại diện một công ty phân phối các loại máy móc nông nghiệp tại Malaysia trực tiếp sang tham quan và ký kết hợp đồng mua bán. Năm 2010 Chương đã chính thức bán được 2 chiếc máy gieo hạt đầu tiên với giá là 7.600 USD.
Sau khi mua 2 chiếc máy gieo hạt về dùng thử, các chuyên gia Malaysia đánh giá chất lượng tốt, giá cả hợp lý. Họ lại chuyển tiền sang đặt mua 10 chiếc nữa gồm 5 chiếc máy gieo hạt giá 3.800 USD/máy và 5 chiếc máy đóng đất vô vỉ xốp giá 1.900 USD/máy. Từ năm 2010 đến nay, sản phẩm máy nông nghiệp của Hồng Chương đã có mặt ở một số nước trên thế giới, chủ yếu các nước Đông Nam Á, hàng năm xuất 1 - 2 lô hàng đi nước ngoài, mỗi lô từ 8 - 12 máy.
Qua việc mở xưởng cơ khí, nghiên cứu sáng chế, SX các loại máy móc nông nghiệp cung cấp cho thị trường trong nước và nước ngoài, hằng năm Chương thu về hàng tỷ đồng, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 10 lao động với mức lương từ 4 - 6 triệu đồng/người/tháng. Những cố gắng nỗ lực không mệt mỏi, anh đã được bầu là nông dân điển hình tiên tiến cấp tỉnh. Đặc biệt, tháng 11/2013 anh đã vinh dự đón nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Dự kiến sang năm 2014, anh sẽ mở rộng diện tích xưởng SX, phát triển thị trường xuất khẩu máy nông nghiệp sang thị trường Campuchia và Lào. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn