Đến thăm vườn mía và được nghe anh Yên chia sẻ, gia đình anh trồng mía từ năm 1993 đến năm 2007, duy trì khoảng 4 sào mỗi năm. Từ năm 2014, nhận thấy thị trường tiêu thụ rộng lớn, sản phẩm không đủ cung cấp cho khách hàng nên anh quyết định đấu thầu khu đất gần nhà để mở rộng diện tích. Đến nay, gia đình anh có gần chục ha mía trồng gối vụ, quanh năm cho sản phẩm cung cấp cho khách hàng.
Theo tính toán của anh Yên, mỗi sào mía đạt sản lượng 3,5- 4 tấn mía thương phẩm, tương đương mỗi héc ta đạt khoảng 95 tấn. Với giá bán ổn định 4.500 đồng/kg đem lại doanh thu 427 triệu đồng/ha/vụ, trừ chi phí phân bón, nhân công, cây cắm, anh còn lãi trên 330 triệu đồng/ha.
Trồng mía 11 tháng được thu hoạch, trồng một năm thu hoạch đến vụ thứ 3 thì trồng lại. Năm thứ hai trở đi mầm khỏe hơn nên cho thu hoạch sớm hơn vụ đầu khoảng 1-2 tháng và năng suất vụ thứ hai cao hơn vụ đầu. Sản lượng mía năm đầu đạt gần 95 tấn/ha, năm hai có thể đạt gần 100 tấn/ha.
Anh Yên cho biết, hiện 100% diện tích mía của gia đình trồng là giống mía Quế Đường. Đây là giống mía chuyên dùng để ép nước, có ưu điểm nổi bật, ngoài cho năng suất cao thì nước ép có màu đẹp, rất ngọt và đặc biệt bảo quản được lâu hơn nên được khách hàng ưa chuộng.
Khi được hỏi bí quyết, anh Yên chia sử, để có những cây mía to, thẳng và đều nhau là cả quá trình chăm sóc lâu dài mới rút ra được kinh nghiệm. Khi chăm sóc mía cần tưới đủ nước, bón phân cân đối, bón từng vế một để cho cây mía có chất dinh dưỡng đều. Tránh tập trung bón một lúc gây lãng phí phân dẫn đến lúc thì nhiều chất dinh dưỡng quá, khi lại không có chất để cây phát triển không đồng đều, cây to, cây nhỏ. Bên cạnh chăm sóc thì việc quản lý sâu bệnh cũng rất quan trọng. Cây mía thường mắc nấm bệnh và sâu đục thân. Vì vậy, người trồng cần chú ý giai đoạn cây mía có 3- 4 lá thật thì tiến hành phun trừ sâu đục thân lần đầu, tránh sâu ăn mất thân mía; giai đoạn cây mía được 3- 4 đốt cần phun trừ sâu đục thân lần hai. Khi cây mía đã lớn chỉ cần hòa vôi loãng phun lên toàn bộ thân cây giúp tránh muội rệp, đồng thời khi lớp vôi bong ra làm cho thân mía sạch hơn nhìn bắt mắt.
Anh Yên tâm sự, bán mía thích nhất vào dịp đầu xuân và cuối năm, hàng xuất đều từng ngày. Những đó thời tiết mát mẻ không tốn sức lao động, còn vào mùa hè mặc dù sản lượng được cao nhưng khách hàng hối thúc không có thời gian nghỉ ngơi nên thu hoạch rất vất vả. Mía Đông Sơn trồng gối vụ cho thu hoạch quanh năm nên bất cứ lúc nào khách gọi là sẵn sàng phục vụ, có khi cả năm chỉ được nghỉ hai ngày, mồng 2 Tết đã bắt đầu bán mía.
Tiếp xúc với anh chúng tôi được biết, anh Phạm Văn Yên không chỉ làm kinh tế giỏi mà còn luôn giúp đỡ, dạy tiếng Hàn Quốc miễn phí cho người dân trong vùng. Với lối sống giản dị, trung thực, thẳng thắn, được nhiều người quý mến nên từ năm 2017 đến nay anh được bầu là Chi hội trưởng Chi Hội nông dân thôn Đồi Lánh, xã Đông Sơn. Bên cạnh đó, anh Yên là một trong những gương điển hình tiêu biểu được Huyện ủy Yên Thế, Tỉnh ủy Bắc Giang khen thưởng về “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.
Hương Giang - Trung tâm Khuyến nông Bắc Giang
Nguồn tin: http://www.khuyennongvn.gov.vn/
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn