Mô hình mới dựa trên việc hình thành các đội sản xuất, mỗi đội sản xuất sẽ quản lý từ 40 đến 50 ha chè. Trong đó, đội trưởng là người của công ty, chịu trách nhiệm điều hành chung kiêm giao nhận sản phẩm. Đội phó do các hộ dân có liên kết với công ty bầu ra, chịu trách nhiệm giám sát sâu bệnh, kỹ thuật nông nghiệp, cấp phát vật tư và ghi chép sản lượng. Trong đội, có các tổ dịch vụ về bảo vệ thực vật, tổ đốn và thu hái chè, tổ bón phân. Thành viên của các tổ dịch vụ được công ty trả lương. Đây là mô hình đang mang lại hiệu quả kinh tế cao cho các hộ trồng chè ở huyện Yên Sơn. Trước đây, công ty và người trồng chè liên kết với nhau thông qua hợp đồng khoán sản phẩm, tức là công ty sẽ thu mua chè búp tươi cho người dân. Tuy nhiên, mô hình này bộc lộ những hạn chế như: người dân chỉ chú trọng đến việc nâng cao sản lượng để bán cho công ty mà ít quan tâm đến chất lượng sản phẩm. Người dân tự sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, cho nên việc áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất gặp khó khăn. Việc mua vật tư nông nghiệp cũng chịu giá cao hơn trong khi người dân cũng không tự thẩm định được chất lượng... Điều này dẫn đến tình trạng chất lượng chè thấp còn yêu cầu của thị trường ngày càng khắt khe hơn. Từ khi thực hiện mô hình liên kết sản xuất mới, sản phẩm chè thu về vượt trội về cả mẫu mã và chất lượng (tăng 30% về chất lượng mẫu mã và cả sản lượng so với chè sản xuất theo mô hình cũ); bảo đảm an toàn thực phẩm theo cam kết của công ty với đối tác (chủ yếu theo tiêu chuẩn EU). Với hiệu quả thiết thực do mô hình sản xuất mới mang lại, từ 90 hộ nhận khoán ban đầu, hiện nay công ty đã áp dụng mô hình mới này với 250 hộ nhận khoán trên diện tích 200 ha chè. Dự kiến hết năm 2018, mô hình này sẽ được áp dụng trên toàn bộ diện tích đất của các hộ nhận khoán với công ty trước đây. Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Tuyên Quang Nguyễn Mạnh Tú cho biết, thực hiện mô hình liên doanh, liên kết mới nêu cao vai trò và trách nhiệm của người dân không chỉ với sản phẩm chè búp tươi mà còn với chính tuổi thọ của cây chè từ đó nâng cao giá trị vườn chè. Bên cạnh đó, thu nhập của người trồng chè cũng tăng từ 140 đến 150% so với trước đây, đạt 60 triệu đồng/ha. Mô hình liên kết sản xuất mới giữa Công ty cổ phần chè Mỹ Lâm và các hộ dân ở huyện Yên Sơn đã nâng cao giá trị bền vững của cây chè, tăng thu nhập cho người dân, phù hợp với xu hướng dịch chuyển lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp. Người nông dân trở thành những người công nhân nông nghiệp trên chính đồng đất của mình.
|
Bài và ảnh: HẢI CHUNG/ http://nhandan.com.vn/ |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn