Bài 1: Sáng tạo, năng động để vượt khó
Vượt qua khó khăn, cùng với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Đảng, Nhà nước, sự phối hợp tích cực của các cấp, các ngành và sự nỗ lực của bà con nông dân trong việc triển khai quyết liệt cơ cấu lại nông nghiệp, những thách thức đã dần được tháo gỡ. Trong sáu tháng đầu năm 2017, ngành nông nghiệp đã đạt 2,65% so với chỉ tiêu 3,05% và kim ngạch xuất khẩu đạt 17,1 tỷ USD, trong đó hầu hết các ngành hàng lớn bảo đảm chỉ tiêu đề ra.
Xuất khẩu khởi sắc
Nửa đầu năm 2017, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản tăng 13,1% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, giá trị các mặt hàng nông sản chính ước đạt 9,1 tỷ USD, thủy sản ước đạt 3,5 tỷ USD, các mặt hàng lâm sản chính ước đạt 3,8 tỷ USD.
Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực như gạo, cao-su và chè đều tăng về lượng và giá trị. Mặt hàng cao-su sáu tháng đầu năm 2017 ước đạt 462 nghìn tấn và 867 triệu USD, tăng 5% về khối lượng, tăng 58,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016. Xuất khẩu chè đạt 63 nghìn tấn và 98 triệu USD, tăng 17% về khối lượng, tăng 15% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016. Hai mặt hàng là cà-phê và hạt điều tuy có giảm về khối lượng nhưng lại tăng về giá trị. Cụ thể, xuất khẩu cà-phê sáu tháng đầu năm 2017 ước đạt 817 nghìn tấn và 1,86 tỷ USD, giảm 16,7% về khối lượng nhưng tăng 9,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016. Đối với hạt điều, sáu tháng xuất khẩu ước đạt 149 nghìn tấn và 1,5 tỷ USD, giảm 4,4% về khối lượng nhưng tăng 20,8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016.
Đáng chú ý, giá trị xuất khẩu hàng rau quả sáu tháng đầu năm 2017 ước đạt 1,7 tỷ USD, tăng tới 44,6% so với cùng kỳ năm 2016. Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản và Hàn Quốc là bốn thị trường nhập khẩu hàng đầu của hàng rau quả Việt Nam, chiếm 84,7% tổng giá trị xuất khẩu. Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong số chín mặt hàng nông lâm thủy sản xuất khẩu chủ lực, năm mặt hàng có giá trị xuất khẩu hơn 1 tỷ USD.
Thời gian qua, với sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, nhiều ngân hàng, tổ chức tín dụng như Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) đã triển khai cho vay vốn hỗ trợ khu vực sản xuất, xuất khẩu nông sản. Trao đổi với lãnh đạo Agribank, chúng tôi được biết, trong sáu tháng đầu năm 2017, tổng dư nợ của Agribank đạt 788 nghìn 588 tỷ đồng, trong đó cho vay nông nghiệp, nông thôn đạt 578 nghìn 652 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 73,4%/tổng dư nợ. Riêng đầu tư cho xuất khẩu nông sản chiếm 7.700 tỷ đồng, với khoảng 484 khách hàng.
Trong đó, chủ yếu đầu tư tín dụng cho xuất khẩu gạo, đường, thủy sản, cà-phê, cao-su, chè, hạt điều, hồ tiêu, cá tra, tôm, cây ăn quả, lương thực khác. Bên cạnh đó, Agribank cũng như một số ngân hàng lớn cam kết ưu tiên cho vay phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao. Đồng thời, Agribank sẽ tích cực phối hợp các bộ, ban, ngành để cùng người dân khắc phục những khó khăn, đẩy mạnh đầu tư tín dụng trong ngành nông nghiệp, nông thôn nói chung và hoạt động xuất khẩu nông sản nói riêng.
Ngành ngành cùng tiến
Qua tìm hiểu thực tế tại một số địa phương, điều đáng ghi nhận là trong bối cảnh khó khăn chung, nhiều ngành hàng, nhiều địa phương đã nhanh nhạy tìm ra những giải pháp, cách thức mới, thậm chí dám thay đổi chiến lược xuất khẩu hàng hóa để vượt khó.
Tại khu vực miền bắc, theo tìm hiểu của phóng viên, một số mặt hàng chủ lực xuất qua các cửa khẩu ở Lạng Sơn là: Dưa hấu, thanh long, chuối, hạt điều, tinh bột sắn... kim ngạch xuất nhập khẩu trong sáu tháng đầu năm có giảm so cùng kỳ. Tuy nhiên, một số mặt hàng địa phương của Lạng Sơn được xuất khẩu sang Trung Quốc gồm: hoa hồi, chè, thạch đen, nhựa thông, sản phẩm gỗ rừng trồng… kim ngạch xuất khẩu lại tăng đều. Thời gian qua, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã chủ động hơn trong việc thúc đẩy xuất khẩu những mặt hàng địa phương, trong đó kim ngạch xuất khẩu lớn nhất là sản phẩm hoa hồi. Theo thống kê của ngành công thương tỉnh trong sáu tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu hoa hồi đạt khoảng 15 triệu USD, tăng khoảng 12% so với cùng kỳ.
Theo Giám đốc Công ty TNHH Chế biến và Xuất khẩu nông sản Lạng Sơn Phạm Thu Giang: Thời gian qua, công ty đã chủ động xuất khẩu hoa hồi, các sản phẩm chế biến từ hoa hồi sang thị trường Trung Quốc và một số thị trường khác. Công ty đã đăng ký thương hiệu bảo hộ sản phẩm hoa hồi, cùng đó sản phẩm hoa hồi đã được cấp chỉ dẫn địa lý và được Nhà nước bảo hộ. Không chỉ sản phẩm hoa hồi, kim ngạch xuất khẩu nông lâm sản địa phương như: chè, thạch đen, sản phẩm gỗ từ rừng trồng… cũng tăng trưởng ấn tượng. Phó Giám đốc Sở Công thương Nguyễn Quốc Hải cho biết: Nhờ những thuận lợi từ ưu đãi thuế trong Hiệp định thương mại Trung Quốc - ASEAN, cho nên lượng hàng nông sản địa phương được các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu hơn. Cụ thể, trong sáu tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu hàng địa phương đạt 44 triệu USD, tăng 23,9% so với cùng kỳ năm 2016.
Tại Long An, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Lê Minh Đức cho biết: Từ đầu năm 2017 đến nay, tình hình tiêu thụ các mặt hàng nông sản trên địa bàn tỉnh tương đối ổn định, do nông dân đã có ý thức sản xuất hàng hóa theo hướng an toàn thực phẩm. Đáng chú ý, những mặt hàng xuất khẩu chủ lực trong các năm trước như thanh long, gạo vẫn duy trì khá ổn định, địa phương này còn tìm hướng đột phá xuất khẩu: chanh không hạt và đưa mặt hàng này thành một trong ba sản phẩm nông sản xuất khẩu chủ lực. Đến thời điểm này, nông dân đã trồng hơn 9.000 ha, trong đó diện tích đang cho trái khoảng 6.000 ha, năng suất bình quân khoảng 182 tấn/ha/năm, sản lượng ước đạt hơn 110.000 tấn/năm. Đầu ra của trái chanh không hạt được 35 cơ sở và hai hợp tác xã tổ chức sản xuất, thu mua tiêu thụ; được các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh thu mua xuất khẩu sang Thái-lan, Ma-lai-xi-a, Xin-ga-po, châu Âu, Trung Quốc và các nước Trung Đông. Sản lượng chanh không hạt xuất khẩu khoảng 53.500 tấn/năm, kim ngạch xuất khẩu khoảng 45 triệu USD/năm. Để mở rộng thị trường cho chanh không hạt xuất khẩu sang nhiều nước, ngành nông nghiệp Long An đã tổ chức lại sản xuất theo các tiêu chuẩn GAP. Hiện, toàn tỉnh có 100 ha chanh không hạt sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và đã được cấp giấy chứng nhận.
Còn đối với ngành chăn nuôi, lĩnh vực đang “nóng” thời gian qua, chúng tôi đã có những ghi nhận tại "thủ phủ" chăn nuôi là Đồng Nai, với tổng đàn lợn hơn 1,6 triệu con, gia cầm gần 18 triệu con; địa phương này đã có nhiều chính sách hỗ trợ nhân rộng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, không ngừng tìm kiếm mở rộng thị trường tiêu thụ. Trong bối cảnh đầu ra sản phẩm chăn nuôi đang bế tắc, thông tin Công ty TNHH Koyu & Unitek (Khu công nghiệp Loteco, TP Biên Hòa) sắp tới xuất khẩu lô sản phẩm chế biến từ ức gà đầu tiên sang Nhật Bản là tín hiệu tốt lành, mở ra hướng đi mới cho ngành chăn nuôi cả nước. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Huỳnh Thành Vinh cho biết: “Đến nay, mọi thủ tục đã hoàn tất. Hai bên đã ký các văn bản và Công ty TNHH Koyu & Unitek đã chuẩn bị sẵn sàng để xuất khẩu lô hàng đầu tiên sang Nhật Bản”. Đây là tiền đề quan trọng để mở rộng thị trường xuất khẩu, hướng đến phát triển chăn nuôi bền vững.
(Còn nữa)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn