Hướng đến mở thêm nhiều kênh tiêu thụ thanh long thì đẩy mạnh thị trường nội địa cũng là một trong những giải pháp cần được chú trọng.
Dọc Quốc lộ 1 qua tỉnh Bình Thuận có rất nhiều cơ sở tương tự như của chị Hà. Họ chuyên thuê xe khách vận chuyển thanh long giao mối cho bạn hàng ở các tỉnh miền Trung, miền Bắc, Tây Nguyên cũng như các tỉnh Đông Nam Bộ. Mặc dù lượng tiêu thụ chỉ khoảng vài tấn/ngày, nhưng cộng dồn lại, số lượng thanh long tiêu thụ nội địa bằng phương thức này cũng không phải là nhỏ.
Cơ sở đóng hàng tiêu thụ nội địa của chị Nguyễn Thị Hà gần ngã tư Phú Hội, TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận. |
Một số vựa thanh long chuyên xuất khẩu qua Trung Quốc bằng đường tiểu ngạch cũng đang tìm các đầu mối tiêu thụ ở các tỉnh miền Bắc. Theo họ, thị trường này còn tiềm năng rất lớn.
Ông Võ Dũng, chủ vựa thu mua thanh long ở xã Hàm Mỹ, huyện Hàm Thuận Nam nói: “Chúng tôi cũng muốn tìm cách tiêu thụ thanh long tại thị trường trong nước. Qua khảo sát vẫn thấy ở nhiều chợ của miền Bắc vẫn chưa có trái thanh long nên đây là thị trường tiềm năng, quan trọng là phải tính lại cước vận chuyển làm sao cho hợp lý”.
Chợ đầu mối nông sản Thủ Đức là một trong 3 đầu mối lớn tập kết và phân phối nông sản ở TP HCM và các tỉnh lân cận. Ở đây có một khu dành riêng để giao dịch mặt hàng thanh long. Các thương nhân tự thỏa thuận giá cả mua bán dựa trên chất lượng thực tế tại điểm giao dịch.
Ông Nguyễn Nhu, Phó Giám đốc Công ty TNHH Chợ đầu mối nông sản Thủ Đức cho biết, hiện nay thanh long Bình Thuận được tiêu thụ khá mạnh ở TP HCM và vùng phụ cận, nhất là trong dịp ngày rằm và mùng 1 Âm lịch. Trong 2 năm trở lại đây, lượng hàng thanh long về chợ đầu mối Thủ Đức khá ổn định.
“Chợ đầu mối Thủ Đức hiện có 40 điểm kinh doanh thanh long. Hằng đêm các tiểu thương trong chợ nhập về khoảng 45 tấn. Nếu tính trung bình mỗi năm, lượng tiêu thụ thanh long của chợ cỡ vào khoảng 18.000 tấn”, ông Nhu nói.
Tại hội nghị xúc tiến tiêu thụ thanh long được tổ chức mới đây ở Bình Thuận, Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa cho biết, trong bối cảnh phần lớn sản lượng thanh long phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, việc đa dang hóa các hướng xuất khẩu và tăng cường kích cầu nội địa là hết sức cần thiết.
“Thị trường hơn 90 triệu dân trong nước không phải là nhỏ. Nếu quan tâm đúng mức đến thị trường nội địa, các doanh nghiệp sẽ góp phần giảm áp lực tiêu thụ thanh long của địa phương”, Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa khẳng định.
Hiện nay, tỉnh Bình Thuận có 27.000 ha thanh long, sản lượng 520.000 tấn/năm, đứng đầu cả nước về diện tích và sản lượng. Trong đó 85% xuất khẩu, phần lớn qua đường biên mậu với Trung Quốc, một số ít qua châu Âu và các nước khó tính, còn lại chỉ có khoảng 15% thanh long dành cho tiêu thụ nội địa.
Nhận định thị trường nội địa vẫn chưa khai thác hết tiềm năng, ông Trần Ngọc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Thanh long Bình Thuận cho rằng, đây là thị trường rất lớn với 90 triệu dân.
“Nếu đẩy mạnh được tiêu thụ thanh long tại thị trường nội địa sẽ giảm áp lực đầu ra cho sản phẩm thanh long rất lớn. Nếu nhà nước, doanh nghiệp cùng với người nông dân cùng hợp tác tiêu thụ thanh long tại thị trường nội địa, thanh long sẽ tiêu thụ nhanh, giá bán có thể còn tăng cao hơn nhiều so với hiện nay”, ông Hiệp khẳng định.
Ngành Công Thương và doanh nghiệp các địa phương hiện đang tích cực mở rộng thị trường nội địa cho trái thanh long Bình Thuận, thông qua các kênh phân phối trong nước. Dù sản lượng tiêu thụ còn khiêm tốn, nhưng đó cũng là một trong những giải pháp nhằm góp phần đa dạng hóa đầu ra cho trái thanh long, loại nông sản đặc trưng của vùng đất Bình Thuận.
Theo VOV