Đó là quan điểm của Chuyên gia kinh tế, PGS - TS Phạm Tất Thắng khi trao đổi với phóng viên NTNN xung quanh trách nhiệm của các bộ ngành địa phương trước việc nông sản ứ đọng, khó tiêu thụ hiện nay.
Ông có thể phân tích rõ hơn nhận định này của mình?
Nhiệm vụ và trách nhiệm đi liền với nhau là điều không phải bàn cãi. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, quy trách nhiệm của chúng ta lại đang không rõ ràng. Tôi chỉ ví dụ, một con lợn mà có đến mấy bộ cùng quản lý, mỗi bộ chỉ nắm một chân con lợn. Rồi sản xuất, tiêu thụ con gà, hạt thóc cũng vậy... Điều này tất yếu xảy ra việc nếu có thành tích gì đó thì bộ, ngành, địa phương nào cũng nhận là của mình, nhưng đến khi xảy ra chuyện, như chuyện nông sản ách tắc, bí đầu ra như hiện nay thì chả thấy bộ, ngành, địa phương nào đứng ra nhận cả. Thế mới có việc ngành công thương thì kêu thiếu thông tin về sản lượng các mặt hàng xuất khẩu để nhẹ trách nhiệm trong việc ùn ứ nông sản, trong khi ngành nông nghiệp, doanh nghiệp lại than quá thiếu thông tin về thị trường để tránh trách nhiệm trong việc hướng dẫn sản xuất, thu mua nông sản cho nông dân…
Các bộ ngành địa phương “kêu” như vậy xem ra đều... đúng cả. Chỉ có người nông dân là chịu khổ, mất của vì nông sản làm ra rớt giá, đổ bỏ mà không biết kêu ai, thưa ông?
- Thế mới nói, trách nhiệm của các bộ ngành địa phương đã đến lúc phải được quy rõ ràng. Tôi chỉ ví dụ vai trò tiêu thụ hàng hóa của Bộ Công Thương là rất lớn. Bộ này không thể phủ nhận việc yếu kém trong việc dự báo thị trường cho hàng hóa nông sản trong nước dẫn đến bế tắc trong sản xuất cũng như tiêu thụ. Các thông tin như dung lượng hàng hóa như thế nào, chất lượng hàng hóa phải ra sao để đáp ứng được yêu cầu của thị trường phải được bộ này thông tin tới người nông dân, doanh nghiệp.
Một ví dụ điển hình nhất là mặt hàng gạo, đã nhiều năm chúng ta khuyến cáo người dân dừng sản xuất gạo chất lượng thấp nhưng nông dân vẫn làm vì không trồng gạo ấy thì biết trồng gạo gì? Nông dân không có câu trả lời. Hay nhiều sản phẩm nông sản khác, nông dân cứ ồ ạt trồng dù đã có không ít khuyến cáo khó khăn về thị trường tiêu thụ… Chúng ta không thể đổ lỗi cho nông dân vì họ yếu thế, thiệt thòi trước tiên. Vấn đề là vai trò, trách nhiệm quản lý nhà nước của các bộ ngành địa phương quá yếu kém và có phần chối bỏ trách nhiệm.
Các bộ ngành địa phương cũng thừa nhận “đang có sự đứt đoạn thông tin” mà muốn sản xuất và tiêu thụ nông sản bền vững thì phải “nối lại đoạn đứt này”. Để rõ ràng được trách nhiệm và khắc phục những yếu kém trong sản xuất và tiêu thụ nông sản hiện nay thì phải như thế nào?
- Chúng ta đang có tình trạng cái gì khó thì đẩy hết lên cho Thủ tướng chỉ đạo, giải quyết. Đương nhiên Chính phủ phải chịu trách nhiệm cao nhất nên thiết nghĩ Chính phủ cần phân định rõ trách nhiệm quản lý nhà nước của từng bộ, ngành, địa phương để ai, bộ, ngành, địa phương nào không hoàn thành thì có cơ chế để xử lý, nơi nào năng lực điều hành kém thì người đứng đầu phải từ chức.
Tôi được biết, Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành xây dựng đề án đổi mới phương thức kinh doanh nông sản với trọng tâm là 4 nhóm nông sản gồm gạo, rau quả, chăn nuôi, thủy sản. Bộ Công Thương sẽ phải đưa ra kết quả nghiên cứu những yêu cầu cơ bản từ thị trường, qua đó xác định những yêu cầu, đòi hỏi đối với các doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước. Bộ NNPTNT cũng đang đưa ra hàng chục đề án để cải tổ sản xuất của các mặt hàng nông sản chủ lực…
Chúng ta đang hội nhập ngày càng sâu rộng với cơ hội lớn và thách thức nhiều nên thị trường đầu ra cho nông sản phải được gắn bó mật thiết với công cuộc tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Do vậy nếu các bộ cứ “đá bóng trách nhiệm” như hiện nay thì nông sản Việt sẽ thất bại cả trên sân nhà và sân người.
Xin cảm ơn ông!
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn