Vợ chồng ông Thanh luôn đồng thuận duy trì làm ăn hiệu quả
Những năm mới lập gia đình, vợ chồng ông Thanh có cuộc sống khá vất vả. Họ đi khắp nơi trong vùng để thu mua phế liệu kiếm tiền trang trải cuộc sống hàng ngày. Nhận thấy công việc này nếu duy trì lâu năm sẽ không hiệu quả, vợ chồng ông chuyển qua bán hàng tạp hóa. Đời sống của người dân Gio Hòa lúc bấy giờ còn rất khó khăn nên việc buôn bán của họ cũng ế ẩm. Thời gian này, cây cao su ở trong vùng và các xã lân cận vừa đưa vào khai thác, vợ chồng ông Thanh quyết định chuyển qua làm nghề thu mua mủ cao su về bán lại cho các đại lý. Từ đó, ngày nào cũng vậy, từ sáng sớm đến tối mịt, ông Thanh và bà Hiệp mỗi người một chiếc xe đạp tỏa đi các hướng trong xã để thu mua mủ cao su.
Việc thu mua và bán lại mủ cao su khá vất vả nhưng bù lại giúp thu nhập của gia đình họ ổn định. Nhờ vậy, ông bà có điều kiện mua xe máy để làm phương tiện thu mua mủ cao su thuận lợi hơn. Khoảng gần 10 năm nay, nhờ nguồn tiết kiệm được từ việc thu mua mủ cao su, vợ chồng ông Thanh đầu tư hơn 300 triệu đồng xây dựng hệ thống sơ chế mủ cao su tại nhà, giúp cho việc cất trữ mủ lâu hơn, nhất là khi cao su rớt giá thì đợi lúc nào giá ổn định mới xuất hàng. Bên cạnh đó, họ mua 1 chiếc xe bán tải loại 1,4 tấn để mở rộng địa bàn thu mua mủ cao su tại các xã Gio Sơn, Gio Bình (Gio Linh), Cam Thủy (Cam Lộ). Cao điểm những lúc cao su được giá, bình quân mỗi ngày ông bà thu mua từ 3 - 5 tấn mủ, trừ mọi chi phí lãi từ 300 - 500 nghìn đồng.
Bên cạnh đó vợ chồng ông Thanh còn trồng 100 gốc tiêu, hàng năm sau khi thu hoạch, trừ chi phí ông bà lãi hơn 25 triệu đồng, trong chuồng trại của họ thường xuyên có 60 con lợn thịt, 8 lợn nái. Bình quân mỗi năm ông bà chăn nuôi lợn 3-4 lứa, trừ chi phí lãi gần 30 triệu đồng/ năm. Ngoài ra, ông bà còn nhận làm đại lý cấp 2 cung cấp thức ăn gia súc cho người dân địa phương với thu nhập bình quân mỗi tháng từ 3 - 4 triệu đồng; trồng 4 ha rừng tràm đã được 3 năm tuổi.
Nhờ thu nhập từ các khoản nói trên, ông bà có điều kiện đầu tư cho các con học hành. Có thể nói, nhiều năm nay, việc làm ăn của ông Thanh và bà Hiệp chưa lúc nào ngưng trệ vì với họ, đầu tư vào sản xuất, kinh doanh không chỉ với mục đích chính là kiếm tiền mà vì đam mê lao động, đây là yếu tố quyết định thành công trong mọi việc. “Với vợ chồng tôi, một ngày trôi qua rất có ý nghĩa khi ai cũng tích cực hỗ trợ nhau để việc gì cũng hoàn thành nhanh, hiệu quả hơn. Ví dụ, trong thu mua mủ cao su, thời gian gần đây tôi là người trực ở nhà để thu mua mủ cho người dân trong vùng thì chồng tôi lái xe ô tô đi xa hơn thu mua mủ cao su. Về đến nhà, chồng tôi giúp tôi kiểm tra, kiểm đếm, vận chuyển các khối mủ cao su vào kho cho gọn gàng.
Đối với chăn nuôi lợn, chúng tôi cùng chăm sóc, cho lợn ăn, vệ sinh chuồng trại. Trong trồng tiêu, hễ ai rảnh rỗi thì thay phiên nhau làm cỏ, vun luống, chăm sóc cho cây, thu hoạch... Đặc biệt, đối với chăm sóc, nuôi dạy con cái chúng tôi luôn có sự thống nhất theo hướng phải giúp các con có sự tự giác trong rèn luyện, luôn nỗ lực, phấn đấu học tập tốt để trở thành người có ích trong xã hội”, bà Hiệp chia sẻ. Đi lên từ đôi bàn tay trắng, trải qua một quá trình phấn đấu không mệt mỏi, giờ đây vợ chồng ông Thanh và bà Hiệp đã có được số tài sản mà nhiều người trong xã mơ ước, nhất là các con của họ rất hiếu thảo và chăm ngoan học tập.
Ông Lê Thanh Quý, Chủ tịch UBND xã Gio Hòa cho biết: “Gia đình ông Ngô Thanh và bà Nguyễn Thị Hiệp là một trong những gia đình gương mẫu đi đầu trong kinh doanh, sản xuất giỏi của địa phương. Không chỉ làm giàu cho riêng mình, họ sẵn sàng truyền đạt kinh nghiệm làm ăn với những ai quan tâm. Bên cạnh đó, họ rất tích cực trong việc tham gia các hoạt động, phong trào thi đua của xã; góp phần xây dựng Gio Hòa ngày càng phát triển toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, nhất là trong xây dựng nông thôn mới”.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn