Chị Nguyễn Thị Giang ở thôn 4, xã Cẩm Sơn cho biết, những năm trước, cây mướp được trồng ở 2 vụ chính trong năm là vụ xuân hè và thu đông; khi vào vụ thu hoạch rất khó khăn trong việc tiêu thụ. Khi nhận thấy mướp có giá trị kinh tế cao hơn hẳn các loại cây rau màu khác, hơn nữa thời gian sinh trưởng ngắn, chỉ 45 ngày nên vụ hè thu năm nay nhà chị đầu tư trồng trái vụ trên diện tích 4 sào. Hiện tại, mướp đang vào vụ thu hoạch chính, mỗi ngày hái được 8 - 9 yến, lúc cao điểm hái được 2 tạ quả.
Do mướp vụ này hiếm, nguồn cung rau xanh trên địa bàn thiếu nên giá bán cao; sau khi thu hoạch có thương lái đến đặt tận vườn thu mua; giá thu mua hiện từ 8.000 - 10.000 đồng/kg. Chỉ mới thu hoạch được 4 ngày gia đình chị Giang đã có gần 5 triệu đồng. Đến hết vụ, trừ chi phí mỗi sào thu nhập khoảng 10 - 12 triệu đồng.
Những ngày này, gia đình bà Lê Thị Hòa ở thôn 4, xã Cẩm Sơn cũng tập trung thu hoạch mướp hương trái vụ. Bà Hòa chia sẻ: Đây là năm đầu tiên bà trồng mướp lệch thời vụ chính. Bắt đầu từ tháng 7 bà xuống giống trên đất đồng màu. Mặc dù ở đầu vụ thời tiết không thuận lợi cho mướp phát triển, nhưng nhờ chăm sóc tốt nên năng suất đạt khá cao. Với diện tích 2 sào mỗi ngày bà đều cắt bán khoảng 80 - 100 kg mướp. Đặc biệt sau mưa lũ rau xanh khan hiếm nên mướp được giá, dễ tiêu thụ. Đến ngày thu hoạch, thương lái vào tận ruộng thu mua, cân đếm ngay tại ruộng, bà con không phải đi chợ bán như vụ chính.
Hiện cây mướp đang giúp người dân có thêm thu nhập, góp phần giảm bớt khó khăn khi một số cây trồng bị mất trắng sau mưa lũ. Với giá trị cây mướp hương mang lại, huyện Anh Sơn khuyến khích người dân mở rộng diện tích trên các diện tích đất màu, đất đồi vệ, đất ruộng.
Tác giả bài viết: Thái Hiền
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn