Mặc những cái nắng đổ lửa đang dội xuống như thiêu đốt mảnh đất Hà Tĩnh, vườn dưa lưới của HTX Nga Hải, xã Xuân Mỹ, Nghi Xuân vẫn xanh mướt mắt. Đây cũng là mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng đầu tiên và duy nhất của Hà Tĩnh được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP.
Thời tiết Hà Tĩnh khắc nghiệt, để làm ra sản phẩm đạt tiêu chuẩn được thị trường chấp nhận không phải điều dễ dàng. Thế nhưng bằng ý chí, quyết tâm của mình ông Lê Văn Bình, Giám đốc HTX Nga Hải đã quyết tâm học hỏi, theo đuổi và mở ra một hướng đi sản xuất ra những sản phẩm sạch, chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm.
Bắt đầu từ năm 2018, mô hình chính thức đưa vào sản xuất với 3 nhà màng có tổng diện tích hơn 3.000m2, trồng 2.600 - 2.800 gốc dưa lưới.
Mỗi cây dưa có vòng đời 75 ngày, từ lúc gieo hạt đến khi thu hoạch quả. Một năm dưa lưới cho 3 vụ thu hoạch
Để cây đảm bảo ra quả đạt chất lượng tốt nhất, các kỹ sư, công nhân tại nhà vườn thực hiện kỹ thuật bấm ngọn không để cây cao quá 2,5m. Đồng thời lựa chọn quả tốt nhất để lại, đảm bảo mỗi cây chỉ nuôi 1 quả.
Đặc biệt, việc sản xuất dưa tại đây tuyệt đối tuân thủ quy trình nghiêm ngặt đúng tiêu chuẩn VietGAP từ việc xử lý môi trường nhà màng, ươm hạt giống, tưới nước đến việc dùng ong để thụ phấn cho hoa.
Trong đó, tưới nước được áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt theo công nghệ Israel. Với hệ thống này, cứ 30 phút cây sẽ được “cho ăn” một lần, mỗi lần kéo dài 3 phút.
Thay vì trồng trong đất, dưa được trồng trong các bầu chứa giá thể từ 100% xơ dừa, xay nhỏ qua các bước xử lý chặt chẽ. Hạt giống cũng được chọn lựa kỹ càng, đảm bảo tính phù hợp của giống
Với quy trình nghiêm ngặt như vậy, cuối tháng 7/2018, HTX Nga Hải với sản phẩm dưa lưới trong nhà màng được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. Mỗi một mùa vụ, cán bộ kỹ thuật từ Bộ NN&PT NT lại về kiểm tra từ quy trình mẫu nước, vào giống, cây con, sinh trưởng, ra quả và thu hoạch... tại HTX
Mùa dưa năm nay, dự kiến sẽ cho thu hoạch gần 10 tấn dưa. Còn 2 tuần nữa mới tới ngày thu hoạch nhưng tất cả dưa đều đã có đơn đặt hàng.
Sản phẩm dưa lưới của HTX Nga Hải trước khi ra thị trường được dán tem truy xuất nguồn gốc do Bộ Công an cấp. Việc đạt tiêu chuẩn VietGAP giúp sản phẩm làm ra được tiêu thụ nhanh và bán được với giá cao
Từ thành công của mô hình, năm 2019, HTX đang tiếp tục mở rộng 3 nhà màng với tổng diện tích 6.500m2 . Nhà màng này được xây dựng với nền xi măng, thay vì sử dụng nền trải bạt như trước.
Mô hình trồng dưa lưới công nghệ cao đang khẳng định tính đúng đắn trong phát triển nông nghiệp sạch. Với những nỗ lực không ngừng trong thay đổi công nghệ, mở rộng quy mô, tin rằng HTX Nga Hải sẽ là điểm sáng để Hà Tĩnh nhân lên nhiều mô hình hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới.
Sau khi gia nhập WTO, ngành xuất khẩu Việt Nam đã có nhiều thay đổi tích cực. Tuy nhiên, lượng hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam ra nước ngoài chưa được như kỳ vọng. Một phần nguyên nhân chính là hàng hóa của chúng ta vấp phải các quy định về tiêu chuẩn hàng hóa rất khắt khe của các nước nhập khẩu. Hiện nay, thị trường xuất nhập khẩu nông sản - thủy sản - thực phẩm trên thế giới đang được kiểm soát bởi những tiêu chuẩn rất cao về chất lượng sản phẩm cũng như vệ sinh an toàn thực phẩm. Nắm bắt được những khó khăn trên, từ năm 2006, ASEAN đã công bố bản quy trình GAP (Good Agricultural Practices: Thực hành nông nghiệp tốt) chung cho các nước thành viên. Và ngày 28/1/2008, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành tiêu chuẩn riêng của Việt Nam có tên viết tắt là VietGAP.
VietGAP (là cụm từ viết tắt của: Vietnamese Good Agricultural Practices) có nghĩa là Thực hành sản xuất nông nghiệp tốt ở Việt Nam, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành đối với từng sản phẩm, nhóm sản phẩm thủy sản, trồng trọt, chăn nuôi.
VietGAP là những nguyên tắc, trình tự, thủ tục hướng dẫn tổ chức, cá nhân sản xuất, thu hoạch, xử lý sau thu hoạch nhằm đảm bảo an toàn, nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo phúc lợi xã hội, sức khỏe người sản xuất và người tiêu dùng; đồng thời bảo vệ môi trường và truy nguyên nguồn gốc sản xuất.
Thu Hà/https://baohatinh.vn