Đó là chỉ đạo của Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội, Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình 02 Ngô Thị Thanh Hằng tại buổi làm việc với lãnh đạo huyện Đông Anh về việc thực hiện Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về "Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới (NTM), nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016-2020 vừa qua.
Thu nhập tốp đầu Thủ đô
Trồng quất cảnh - nghề đang mang lại thu nhập cao cho người dân xã Tàm Xá, huyện Đông Anh (Hà Nội). Ảnh: Trần Quang
Từ năm 2016 đến nay, huyện Đông Anh đã huy động 1.284 tỷ đồng cho xây dựng NTM, trong đó có 47,2 tỷ đồng huyện huy động được từ các doanh nghiệp và 25 tỷ đồng từ phía người dân. |
Là lãnh đạo 1 trong 2 huyện về đích NTM của Hà Nội, ông Phạm Văn Châm - Chủ tịch UBND huyện Đông Anh cho biết, cùng với việc xây dựng các tiêu chí NTM, thời gian qua, huyện Đông Anh đã thực hiện có hiệu quả nhiều chương trình hỗ trợ, giúp nông dân giảm bớt khó khăn, thúc đẩy sản xuất, qua đó ngành nông nghiệp địa phương đã có những bước tiến bền vững.
Trong 6 tháng đầu năm 2017, giá trị sản xuất nông nghiệp của huyện đạt 1.311 tỷ đồng (tăng 0,5% so với cùng kỳ năm 2016). Cơ cấu kinh tế ngành nông nghiệp chuyển dịch đúng hướng, ngành trồng trọt chiếm 54,9%, chăn nuôi 45,1%. Năm 2016, huyện đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng được 125ha, riêng 6 tháng đầu năm 2017 đã chuyển đổi được 70ha. Theo kế hoạch, cả giai đoạn 2016-2020 sẽ chuyển đổi thêm 800ha.
Hiện nay, huyện đang chỉ đạo rà soát lại quy hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở 23 xã cho phù hợp kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch phân khu đô thị, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và xây dựng 4 đề án. Trong đó, có đề án chuyển đổi cơ cấu giống, ứng dụng khoa học kỹ thuật mới để thay đổi cơ cấu vụ mùa, tăng vụ, sản xuất trái vụ giai đoạn 2018-2020...
Trong lĩnh vực chăn nuôi, huyện Đông Anh có tổng đàn gia súc, gia cầm lớn nhất thành phố, với tổng đàn tính đến tháng 6.2017 đạt 81.677 con, trong đó đàn trâu bò 10.126 con; riêng chăn nuôi gia cầm, toàn huyện có 156 hộ nuôi với quy mô trên 2.000 con/hộ...
"Trong lĩnh vực chăn nuôi có 5 trang trại VietGAP chăn nuôi lợn, gà công nghệ cao. Với những hướng đi mang tính đột phá trong sản xuất, thu nhập bình quân đầu người của huyện đã đạt trên 41 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện còn 1,67%, vươn lên nằm trong tốp đầu của thành phố về tiêu chí thu nhập" - ông Châm nói.
Hướng đến xây dựng đô thị hiện đại
Đến thời điểm này, Đông Anh đã có 22/23 xã được UBND TP.Hà Nội công nhận xã đạt chuẩn xây dựng NTM. Theo ông Châm, hết năm 2017, huyện sẽ phấn đấu đưa xã còn lại là Dục Tú về đích NTM.
"Để tạo dựng vùng nông thôn phát triển đồng bộ, năm 2017 huyện đã tiến hành rà soát lại quy hoạch ở 23/23 xã, các xã đã điều chỉnh, bổ sung đề án xây dựng NTM theo bộ tiêu chí quốc gia về NTM giai đoạn 2016-2020. Có 4 xã cần điều chỉnh, bổ sung quy hoạch NTM và 1 xã đã lập quy hoạch xây dựng mô hình điển hình tiên tiến"- ông Châm khẳng định.
Phát biểu tại buổi làm việc với huyện Đông Anh, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng cho biết, những kết quả trong xây dựng NTM mà Đông Anh đã đạt được là rất đáng phấn khởi và tự hào, nhưng huyện không được chủ quan mà cần làm quyết liệt hơn nữa, nhất là những hạn chế mà huyện đang gặp phải như thực hiện các tiêu chí về cơ sở vật chất văn hóa, giáo dục.
"Hiện nay, Đông Anh mới chỉ có 13/23 xã có nhà văn hóa đạt chuẩn và số lượng trường đạt chuẩn quốc gia không tăng nhiều trong nhiệm kỳ này là điều rất đáng lo ngại. Ngoài ra, việc lập quy hoạch chi tiết tại các thôn xã cũng cần triển khai nhanh hơn. Đến nay, huyện mới có 14/155 thôn và 5/23 xã được lập quy hoạch chi tiết là rất chậm”- bà Hằng nói.
Theo bà Hằng, trong giai đoạn 2 (2016-2020), các tiêu chí NTM được nâng cao hơn rất nhiều, đòi hỏi khắt khe hơn nên Đông Anh cần phải rất quyết liệt, tập trung nguồn lực toàn dân để nâng cao các tiêu chí NTM, tiếp tục giữ vững thành tích huyện đạt chuẩn NTM. "Không những thế, Đông Anh cần chú trọng xây dựng NTM bền vững gắn với phát triển đô thị bởi theo quy hoạch của TP.Hà Nội, Đông Anh sẽ phát triển thành đô thị mới, hiện đại và sôi động của Thủ đô trong những năm tới. Đồng thời, huyện cần tập trung phát triển các doanh nghiệp nông thôn ở các xã không còn đất nông nghiệp; quan tâm đến việc làm của người lao động sau chuyển đổi mục đích sử dụng đất…” - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng nhấn mạnh.
Theo Trần Quang/ Dân Việt
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn