Một hôm, mặt trời chưa ló dạng, trời vẫn mờ tối, giọt sương còn đọng trên hàng cây, ngọn cỏ, tôi lúi húi thức dậy, cầm đèn pin, đội nón lá phấn khích chạy ào ra vườn. Mùa nấm mối đã về.
Đầu xóm, cuối làng, ra chợ, đâu đâu cũng rôm rả câu chuyện nấm mối. Vườn nhà anh chị nấm mối nhiều không? Bán được bao nhiêu một ký?...
Có người còn ví nấm mối như là vua của loài nấm. Tôi thấy cũng đúng vì nấm mối vừa ngon khó cưỡng, vừa làm được nhiều món, vừa đem lại giá trị kinh tế cao, và “sang chảnh” ở chỗ không trồng được mà chỉ mọc tự nhiên vào đúng mùa.T
Mùa mưa là mùa của nấm mối, nhưng mưa ít, đất còn cứng, nấm không chịu, mưa nhiều, đất nhão, nấm cũng không ưng, nấm mối chỉ mọc với lượng mưa vừa đủ, trời khi mưa khi nắng lại càng hay - người quê tôi hay gọi nôm na đó là “mưa nấm mối”. Muốn nấm mối mọc nhiều, khi “móc mương, bồi sình” hằng năm, ba mẹ tôi cứ để y nguyên như lúc móc phù sa quăng lên hai bờ, không khỏa bùn đắp đất cho bằng phẳng đẹp mắt.
Bí kíp này do kinh nghiệm ba mẹ tôi đúc kết được, không phải người nông dân nào cũng biết. Chưa hết, hái nấm cũng phải có bí quyết. Hái nấm nên nhẹ nhàng, nâng niu, chỉ dùng tay hái trên mặt đất, không dùng dao, không đào bới hái luôn chân nấm. Mục đích là không để ổ mối bên dưới bị động mà dời tổ đi chỗ khác, nhằm tạo môi trường tối ưu cho mùa nấm sau - nấm nẻ lên từ tổ mối mà.
Nấm mối có thể chế biến rất nhiều món, phổ biến có thể kể đến canh nấm mối lá lốt, canh rau tập tàng nấu nấm mối, nấm mối um lá cách nước cốt dừa, nấm mối nướng lá cách, nấm mối xào mướp hương, nấm mối xào ớt, nấm mối xào tỏi, nấm mối xào bầu, nấm mối xào mỡ, cháo nấm mối, nấm mối nấu lẩu, bánh xèo nấm mối, nấm mối nướng giấy bạc...
Món ruột mẹ tôi hay nấu là canh thuần nấm mối, nấm mối kho và nấm mối chưng hột gà. Canh thuần nấm mối, nấm mối kho nấu như các loại canh, kho thông thường, không cần thịt, chỉ cần nấm mối và nêm ít tiêu, gia vị, hành ngò là đủ ngon rồi.
Mẹ tôi dặn, nấu canh thuần nấm hay nấm mối chưng hột gà, nêm chút muối ớt mới ngon đúng điệu. Bữa nào có món nấm mối là bữa đó nhà tôi hao cơm. Vị ngọt thanh, mùi thơm đặc trưng của nấm mối thật đặc biệt, không lẫn vào đâu được.
Để rồi... bây giờ, lấy chồng xa xứ, cứ mỗi mùa mưa, tôi lại xốn xang nhớ mẹ, nhớ nấm mối quê mình.
Huỳnh Kỳ Thái An/ Thanh niên