Nằm ở phía Bắc huyện Bình Xuyên, Thiện Kế là một trong các xã được tỉnh và huyện chọn để đầu tư phát triển công nghiệp, do vậy diện tích đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp. Theo ông Đào Trọng Thành, Phó Bí thư Đảng ủy xã, xã Thiện Kế triển khai đồng bộ các quy hoạch, đề án, chính sách thúc đẩy phát triển SX nông nghiệp, hình thành các vùng SX hàng hoá tập trung; đồng thời, vận động người dân chuyển đổi SX và phát triển các loại hình dịch vụ.
Hiện xã có trên 100 hộ kinh doanh cá thể, trên 150 hộ kinh doanh nhà trọ với trên 800 phòng trọ, đem lại thu nhập ổn định khoảng 600 triệu đồng/tháng. Xã đã quy hoạch 15 mô hình chăn nuôi lợn tập trung tại thôn Hiệp Thuận với quy mô khoảng 1.500 con; 35 mô hình chăn nuôi gà đẻ trứng tại thôn Tam Hà, với khoảng 55.000 con, cho thu nhập ổn định từ 700-800 triệu đồng/tháng.
Mô hình sản xuất rau nhà kính của Công ty VinEco Tam Đảo |
Nhờ chuyển đổi hiệu quả, tổng thu nhập từ ngành nghề, dịch vụ, lao động việc làm của người dân trong xã đạt khoảng 220 tỷ đồng/năm; hết năm 2017 tỷ lệ hộ nghèo toàn xã giảm còn 0,93%.
Được sự giới thiệu của lãnh đạo xã, chúng tôi đến thăm mô hình chăn nuôi gà của gia đình ông Nguyễn Chí Hiệp, tại thôn Tam Hà. Vừa nhanh tay nhặt trứng ông Hiệp vừa tâm sự: “Gia đình tôi chuyển từ trồng lúa và cây lâu năm sang nuôi gà, hiện đang nuôi trên 2.000 gà giống, 5.000 gà Ai Cập và trên 18.000 gà siêu trứng, mỗi ngày cho thu trên 12.000 quả”.
Ông Hiệp phân tích, nếu trồng lúa mỗi năm thu nhập chỉ từ 30-50 triệu đồng lại còn phụ thuộc vào thời tiết, mùa vụ. Chăn nuôi quy mô lớn, mỗi ngày ông thu về khoảng 25 triệu, trừ các chi phí 1 tháng thu nhập khoảng trên 300 triệu đồng, còn tạo việc làm cho 7 lao động thường xuyên, 5 lao động mùa vụ với thu nhập trên 5,5 triệu đồng/tháng.
Với sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành trong thực hiện các giải pháp, chính sách nâng cao thu nhập và giảm nghèo, sự nỗ lực của mỗi người dân, đời sống vật chất, tinh thần của cư dân nông thôn, nhất là hộ nghèo được cải thiện rõ rệt. Năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo của Vĩnh Phúc giảm còn 3,93%; tỉnh đã xoá nhà tạm cho hộ nghèo, toàn tỉnh không còn xã nghèo; thu nhập bình quân đầu người ở nông thôn đạt 31 triệu đồng/người, tăng 2,6 lần so với 10 năm trước đây.
Cùng với đó, mạng lưới y tế được củng cố, hoàn thiện phục vụ tốt hơn công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân nhất là ở khu vực nông thôn. Từ năm 2008 đến nay, tỉnh đã đầu tư xây mới 1 trung tâm y tế tuyến huyện, cải tạo, xây mới 108 trạm y tế cấp xã, đầu tư mua sắm trang thiết bị cho trạm y tế để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh ban đầu. Thực hiện khám bệnh, cấp thuốc miễn phí, phẫu thuật mắt miễn phí cho người nghèo ở vùng nông thôn, vùng khó khăn.
Nâng cao đời sống tinh thần cho người dân nông thôn, bài trừ các hủ tục, thực hiện nếp sống mới, các địa phương triển khai hiệu quả công tác xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hoá và thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội.
Nhiều xã đã tổ chức đám cưới theo nếp sống mới gọn nhẹ, tiết kiệm trong phạm vi gia đình, dòng họ, không hút thuốc lá. Dần xoá bỏ một số hủ tục mê tín dị đoan, cúng bái rườm rà, không ăn uống trong tang lễ đảm bảo vệ sinh môi trường, giảm chi phí cho người dân.
Các cấp, các ngành phối hợp chặt chẽ với Ủy ban MTTQ, các đoàn thể, tổ chức xã hội quản lý, tổ chức hàng trăm lễ hội đảm bảo đúng nghi lễ, hình thức phù hợp, phát huy được các giá trị đạo lý văn hoá truyền thống, khôi phục phát triển nhiều trò diễn dân gian kết hợp các hoạt động văn hoá - văn nghệ truyền thống.
Hàng năm, tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị liên quan tổ chức các liên hoan, hội diễn văn hóa - văn nghệ; tổ chức chiếu phim, biểu diễn văn nghệ theo định kỳ tại các xã nông thôn; tổ chức tuyên truyền, vận động sáng tác thơ ca, tranh cổ động về đề tài xây dựng nông thôn mới, SX nông nghiệp, nông dân, nông thôn, góp phần làm phong phú đời sống văn hóa, tinh thần người dân.
Phong trào “Xây dựng gia đình văn hóa, làng xã văn hóa” phát triển rộng khắp ở các địa phương trong tỉnh với số lượng và chất lượng ngày càng cao; tỷ lệ gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa tăng qua từng năm, năm 2008 tỷ lệ này là 78,9%, năm 2017 tăng lên 88,1%; năm 2008 có 57% làng, tổ dân phố đạt tiêu chuẩn làng văn hóa, năm 2017 tỷ lệ này đạt 86,41%.
Với cách làm sáng tạo, đi đầu, tạo đột phá từ nhận thức đến hành động, Vĩnh Phúc là một trong số tỉnh thành tiêu biểu trong cả nước đạt được những thành tựu to lớn, toàn diện trong phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Đồng chí Hoàng Thị Thúy Lan, Ủy viên TƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh giao nhiệm vụ cho ngành NN- PTNT tỉnh, yêu cầu ngành phối hợp với các cấp, các ngành rà soát lại cơ chế, chính sách SX nông nghiệp, đề xuất cơ chế chính sách mới nhằm tạo ra sự đột phá mạnh mẽ. Đẩy nhanh áp dụng tiến bộ KHKT công nghệ vào SX nhằm tăng năng suất, chất lượng. Tập trung xây dựng mô hình nông nghiệp theo chuỗi giá trị, đăng ký và bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm tập thể, nhãn hiệu chứng nhận chỉ dẫn địa lý; khuyến khích thu hút DN lớn, DN vừa và nhỏ đầu tư vào SX nông nghiệp, nông thôn. Tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng NTM; gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ, phát triển nông thôn với đô thị theo quy hoạch; xây dựng nông thôn Vĩnh Phúc có kết cấu hạ tầng KT- XH phát triển theo hướng hiện đại, cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức Sx hợp lý. Xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, trật tự an toàn xã hội ổn định, an sinh xã hội đảm bảo; đời sống vật chất, văn hoá, tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện, nâng cao, góp phần xây dựng tỉnh trở thành TP Vĩnh Phúc trong tương lai gần. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn