Năm 2019 : Gần 10.000 cuộc thanh tra, kiểm tra
Tại Hội nghị, Chánh thanh tra Trần Văn Vượng cho biết, năm 2019, Thanh tra Bộ và các đơn vị có chức năng thanh tra chuyên ngành thuộc Bộ đã thực hiện 99.900 cuộc thanh tra, kiểm tra; tiến hành kiểm tra 506.382 hồ sơ kê khai tại trụ sở cơ quan và qua điều tra chống buôn lậu bắt giữ 17.321 vụ; kiến nghị xử lý tài chính 71.674.039 triệu đồng, trong đó, số nộp ngân sách nhà nước (NSNN) 25.141.954 triệu đồng (trong đó: số thuế truy thu, truy hoàn 19.761.096 triệu đồng; Số tiền phạt qua thanh tra, kiểm tra 5.380.858 triệu đồng), giảm khấu trừ 2.610.493 triệu đồng, giảm lỗ 42.545.588 triệu đồng, xử lý tài chính khác 1.376.004 triệu đồng. Số tiền đã thu nộp NSNN 17.234.488 triệu đồng.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị
Năm 2019, Thanh tra Bộ đã chủ động triển khai 38 cuộc thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch, đạt 100% kế hoạch được phê duyệt. Nội dung thanh tra, kiểm tra công tác quản lý, điều hành ngân sách địa phương, quản lý vốn đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý tài chính tại đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp, thanh tra hành chính nội ngành... được lồng ghép một cách khoa học, góp phần rút ngắn được thời gian thanh tra, kiểm tra.
Tổng hợp kết quả của 36 Kết luận thanh tra, báo cáo kết quả kiểm tra (bao gồm cả các cuộc thanh tra, kiểm tra năm 2018 chuyển sang); Kiến nghị xử lý tài chính 2.834.615 triệu đồng và đưa ra các kiến nghị chấn chỉnh công tác quản lý tài chính ngân sách, tiền, tài sản nhà nước và kiến nghị với các cấp có thẩm quyền xây dựng, sửa đổi, bổ sung nhiều cơ chế chính sách liên quan đến công tác quản lý, điều hành tài chính ngân sách và cơ chế chính sách đặc thù của các ngành, lĩnh vực. Các đơn vị được thanh tra đã thu nộp NSNN 1.110.204 triệu đồng.
Nhìn chung, công tác thanh tra, kiểm tra năm 2019 đã đáp ứng kịp thời, hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành của Lãnh đạo Bộ Tài chính và Chính phủ đối với các vấn đề mà dư luận xã hội quan tâm như: Thanh tra chống thất thu NSNN; Thanh tra công tác quản lý tài chính ngân sách tại Trung ương và địa phương; Thanh tra công tác quản lý tài chính doanh nghiệp; Thanh tra quản lý vốn đầu tư xây dựng… Việc chấp hành các quy định của pháp luật về thanh tra; quy trình, quy chế đoàn thanh tra cũng như kỷ cương, kỷ luật trong ngành được tăng cường; 100% các đoàn thanh tra đều có người giám sát đoàn thanh tra. Cán bộ, công chức khi tiến hành thanh tra đều tuân thủ các quy định của pháp luật và chịu trách nhiệm trước pháp luật về thực hiện nhiệm vụ được giao; không lợi dụng chức vụ, quyền hạn thanh tra để thực hiện hành vi trái pháp luật, sách nhiễu, gây khó khăn, phiền hà cho đối tượng thanh tra, bao che cho đối tượng thanh tra.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn đánh giá cao và biểu dương những kết quả đạt được trong công tác thanh tra, kiểm tra của thanh tra toàn ngành Tài chính.
Thứ trưởng nhấn mạnh, năm 2019, thanh tra toàn ngành Tài chính đã thực hiện tốt công tác tham mưu giúp Bộ Tài chính trong rà soát, kiến nghị sửa đổi nhiều chính sách quan trọng liên quan đến lĩnh vực thanh tra, kiểm tra; thực hiện tốt công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại; bước đầu chuyển cơ quan điều tra các vụ có dấu hiệu lớn, nghiêm trọng…
Chánh Thanh tra Bộ Tài chính Trần Văn Vượng báo cáo kết quả thực hiện năm 2019
Định hướng năm 2020
Chia sẻ về kế hoạch năm 2020, Chánh Thanh tra Trần Văn Vượng cho biết, ngay trong Quý I/2020, Thanh tra Bộ sẽ triển khai kịp thời các đoàn thanh tra, kiểm tra. Bố trí lực lượng dự phòng trong trường hợp thanh tra, kiểm tra đột xuất theo chỉ đạo của Chính phủ, của Bộ. Thực hiện tốt cơ chế giám sát Đoàn thanh tra để đảm bảo phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp gây phiền hà, sách nhiễu, tiêu cực trong quá trình thanh tra, kiểm tra.
Thanh tra Bộ sẽ chủ động thông báo kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm 2020 cho các đối tượng thanh tra, kiểm tra; Xây dựng kế hoạch chi tiết, phân khai kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm 2020 đã được phê duyệt; tiến hành khảo sát, nắm tình hình ngay đầu năm 2020. Bên cạnh đó, sẽ tiếp tục tăng cường công tác chỉ đạo, phối hợp với các đơn vị có chức năng thanh tra chuyên ngành thuộc Bộ trong việc triển khai các cuộc thanh tra theo chuyên đề, thanh tra diện rộng nhằm phát hiện, xử lý kịp thời các sai phạm và kiến nghị sửa đổi, bổ sung kịp thời các cơ chế, chính sách chưa phù hợp nhằm tăng cường công tác quản lý tài chính, đảm bảo kỷ cương, kỷ luật.
Tăng cường công tác giám sát đối tượng, thông qua hệ thống phân tích rủi ro, phối hợp với các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ để chủ động cung cấp các thông tin phục vụ cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành; Kịp thời điều chỉnh, bổ sung kế hoạch thanh tra, kiểm tra tài chính cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn nhằm năng cao chất lượng, hiệu quả các cuộc thanh tra, kiểm tra, cũng như phục vụ cho việc xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra, giám sát tài chính năm sau được kịp thời và đúng đối tượng.
Tổ chức thực hiện tốt các quy định pháp luật về hoạt động thanh tra, kiểm tra; hạn chế tình trạng kéo dài thời gian lưu hành kết luận thanh tra do những nguyên nhân chủ quan; Tăng cường theo dõi, đôn đốc thực hiện kiến nghị, quyết định xử lý sau thanh tra; Làm rõ nguyên nhân việc thực hiện chậm hoặc thực hiện thiếu triệt để những kiến nghị, đề xuất biện pháp khắc phục. Cải tiến phương pháp tổng hợp báo cáo kết quả thanh tra đảm bảo kịp thời theo quy định; Góp phần tích cực trong việc cung cấp thông tin phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, của Bộ ban ngành và địa phương.
Toàn cảnh Hội nghị
Chia sẻ tại Hội nghị, đại diện các đơn vị Tổng cục (Thuế, Hải quan, Kho bạc, Dự trữ, Chứng khoán) trong Bộ Tài chính đều mong muốn sẽ tiếp tục được Thanh tra Bộ hỗ trợ tập huấn, chia sẻ các kinh nghiệm trong nghề để các đơn vị ngày càng có thêm kiến thức cũng như kinh nghiệm về công tác thanh tra, kiểm tra nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, nhà đầu tư, người dân hiểu, thực hiện đúng theo quy định của pháp luật.
Về triển khai nhiệm vụ trong năm 2020, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn đề nghị, Thanh tra Bộ Tài chính tiếp tục thực hiện thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch đặt ra; tuân thủ pháp luật, lấy mục tiêu thanh tra, kiểm tra để đảm bảo sự tuân thủ pháp luật của cộng đồng doanh nghiệp và những người có nghĩa vụ với ngân sách nhà nước, từ đó tăng thu đúng, thu đủ cho ngân sách ngân sách nhà nước, đồng thời giảm các cuộc khiếu nại, tố cáo.
Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng và góp ý của đại diện các đơn vị, Chánh Thanh tra Bộ Tài chính Trần Văn Vượng cam kết sẽ quyết tâm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức thanh tra, kiểm tra tài chính trong sạch, vững mạnh, ngày càng có tâm, có tầm, có khả năng hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ trong giai đoạn mới thông qua việc tăng cường đào tạo, tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn và kỹ năng thanh tra góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức thanh tra tài chính. Đồng thời, Thanh tra Bộ sẽ liên tục phối hợp, chia sẻ kinh nghiệm với các đơn vị trong ngành để triển khai công tác thanh tra, kiểm tra ngày càng đạt kết quả chính xác, hiệu quả cao khiến cho các đối tượng “tâm phục, khẩu phục”./.
Kim Chung/https://mof.gov.vn/
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn