Dự kiến, dự án này thực hiện trên diện tích 22.300 ha thuộc địa bàn các huyện: Hồng Ngự, Tam Nông, Thanh Bình và thị xã Hồng Ngự.
Mục tiêu của dự án là tạo ra vùng ngập lũ, trữ lũ đầu nguồn ở vùng Đồng Tháp Mười để tránh việc thay đổi ngập lũ và ảnh hưởng đến các vùng khác; tạo điều kiện sản xuất, lựa chọn được các loại hình sinh kế trong mùa lũ, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo đảm ổn định và an sinh xã hội trong mùa lũ.
Để thực hiện dự án, đơn vị tư vấn đưa ra các giải pháp công trình như: nạo vét các tuyến kênh trục chính để tăng khả năng dẫn lũ và thoát lũ, nạo vét kênh kết hợp lên đê bao, xây dựng cống, trạm bơm điện. Cùng với đó là các hoạt động phi công trình nhằm tuyên truyền đến người dân về dự án, tạo cảnh quan và vệ sinh môi trường nông thôn, nghiên cứu và thử nghiệm các giống cây trồng, vật nuôi mới đáp ứng yêu cầu dự án v.v..
Dự án sử dụng phần lớn vốn ODA, do đó Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Nguyễn Thanh Hùng yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đơn vị tư vấn, các địa phương trong vùng dự án phải tính toán kỹ lưỡng việc đầu tư các công trình sao cho hạ tầng vừa đồng bộ, sử dụng được lâu dài, đảm bảo đúng các chức năng; việc đầu tư các công trình không nhằm mục tiêu phát triển 03 vụ lúa trong năm mà ưu tiên gắn với phát triển sinh kế cho người dân.
Dự án Nâng cao khả năng thoát lũ và phát triển sinh kế bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu cho vùng Đồng Tháp Mười thuộc Dự án tổng thể Chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững đồng bằng sông Cửu Long – MD-ICRSL đã được Chính phủ phê duyệt và Ngân hàng Thế giới tài trợ.
Một số mô hình sinh kế của Dự án thành phần đó là: 02 vụ lúa – 01 vụ cá tự nhiên; 02 vụ lúa - 01 vụ tôm càng xanh; 01 vụ lúa – 01 vụ màu – 01 vụ cá tự nhiên; 02 vụ lúa, vịt, cá tự nhiên; 01 vụ lúa - -1 vụ cá tự nhiên, cây thuỷ sinh; 02 vụ lúa – 01 vụ tôm, cá tự nhiên; trồng sen - nuôi cá đồng, kết hợp du lịch.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn