Theo thông tin từ Sở KH&CN Nam Định cho biết, từ 2 năm nay được sự hỗ trợ của Viện Lúa quốc tế(IRRI), Trạm Khuyến nông huyện Vụ Bản đã hướng dẫn kỹ thuật cho 12 hộ dân của xã Hợp Hưng thực hiện dự án “Ứng dụng CNTT trong quản lý dinh dưỡng cho cây lúa” trên giao diện phần mềm Quản lý dinh dưỡng cho cây lúa.
Theo đó phần mềm “Quản lý dinh dưỡng cho cây lúa” là phần mềm tiên tiến nhất trên thế giới được thiết kế cho cán bộ khuyến nông thu thập thông tin từ nông dân về giống, đặc điểm thổ nhưỡng, đất đai, hiện trạng đồng đất, cây lúa, sâu bệnh. Sau đó cán bộ khuyến nông khuyến cáo, hướng dẫn nông dân các phương thức, kỹ thuật chăm bón lúa khoa học nhất ngay tại đồng ruộng.
Việc ứng dụng phần mềm này giúp thay đổi từ phương thức cán bộ khuyến nông phải trực tiếp hướng dẫn quản lý dinh dưỡng cho cây lúa theo vùng chuyên biệt sang hướng dẫn bón phân theo nhu cầu của từng nông hộ thông qua các thiết bị như điện thoại, máy tính cá nhân.
Ứng dụng phần mềm này, chỉ cần cán bộ khuyến nông và nông dân sử dụng điện thoại di động thông minh là có thể trao đổi qua lại các thông tin về kỹ thuật gieo cấy, chăm bón và các sản phẩm dịch vụ sản xuất nông nghiệp giúp người dân áp dụng chính xác cho ô thửa canh tác lúa của mình.
Sau khi áp dụng phần mềm vào thực tế canh tác lúa ở Hợp Hưng trên diện tích 1,2ha, 12 hộ dân được cán bộ khuyến nông huyện hướng dẫn cụ thể cách điều tra đồng ruộng; cách sử dụng giao diện phần mềm cũng như cách gửi thông tin qua giao diện internet và tin nhắn SMS để trực tiếp liên hệ, thông báo kết quả điều tra và đặt câu hỏi liên quan đến kỹ thuật chăm bón thông qua hệ thống. Trên cơ sở dữ liệu được cung cấp, cán bộ khuyến nông điều chỉnh lượng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV)cũng như quyết định thời điểm xuống giống, cấy lúa, chăm bón và thu hoạch sao cho hiệu quả nhất đối với từng hộ gia đình.
Với cách làm này, sau 2 vụ lúa của năm 2015 và vụ xuân 2016, kết quả cho thấy hiệu quả canh tác lúa cao hơn hẳn cả về năng suất, chất lượng lúa; giảm được ngày công lao động và lượng phân bón, thuốc BVTV phải sử dụng so sánh với diện tích cấy đối chứng.
Kết quả đạt được đã tạo bước đột phá, khẳng định CNTT hữu ích với từng người dân, với từng phần việc nhỏ nhất trong quá trình sản xuất nông nghiệp. Điều quan trọng hơn với cách làm này đã “kéo” người nông dân và CNTT gần gũi với nhau hơn, xóa bỏ tư duy cố hữu của hầu hết người nông dân là ứng dụng CNTT rất khó khăn, phức tạp, chỉ thích hợp với công tác quản lý, sản xuất lớn, không thể áp dụng với sản xuất nông hộ và từng khâu nhỏ nhất trong quá trình canh tác.
Người dân nơi đây cho biết, thực sự ứng dụng CNTT đã nâng cao hiệu quả sản xuất. Chỉ một thao tác người dân có thể trò chuyện trực tuyến với cán bộ kỹ thuật ngay tại ruộng, thậm chí chụp ảnh, quay camera diễn tiến sâu bệnh để cán bộ kỹ thuật xem, hướng dẫn cách chăm bón lúa trực tiếp như hiện nay. Mọi thông tin nông dân cung cấp sẽ được các chuyên gia phân tích, đánh giá ưu, khuyết điểm sau vụ sản xuất ở cả yếu tố kỹ thuật chăm bón, tư liệu sản xuất và thị trường để người dân lưu lại tự rút kinh nghiệm cho mùa vụ sản xuất sau.
Với thành công của ứng dụng này đã mở ra cơ hội thiết lập các hệ thống thông tin tự động điều hành tính toán nhu cầu nước, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và các loại vật tư một cách chính xác thông qua các thiết bị tự động để nâng cao hiệu quả nuôi trồng. Đồng thời với những thông tin thu thập được có thể làm cơ sở để nhà quản lý, các hộ dân đưa ra các quyết định điều chỉnh sản xuất phù hợp.
Tác giả: Lê Huy
Nguồn: VietQ
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn