Ngày 23/11, tại TP Đà Nẵng tổ chức Diễn đàn Logistics Việt Nam lần thứ 7 với chủ đề “Logistics nâng cao giá trị nông sản”.
Mỗi năm, Việt Nam xuất ra thế giới khoảng 40 triệu tấn nông sản. |
Logistics là vòng tròn bao gồm các hoạt động như: lưu trữ hàng hóa, bao bì, đóng gói, kho bãi, luân chuyển hàng hóa, làm thủ tục hải quan… nhằm đạt được mục đích sau cùng là chuyển sản phẩm, hàng hóa từ nhà cung cấp đến tay người tiêu dùng một cách tối ưu nhất.
Tại Việt Nam, ngành nông nghiệp tạo việc làm và thu nhập cho khoảng 70% dân số; khoảng 15% GDP và 30% giá trị xuất khẩu. Trong năm 2018, tổng giá trị xuất khẩu nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 798.000 tỷ đồng, tăng 3,86% so với năm 2017.
Đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế của cả nước nhưng logistics nông sản - nông nghiệp Việt Nam vẫn còn phát triển chưa tương xứng. Trong đó phải kể đến những yếu tố căn bản là hệ thống kho bãi, cơ sở chế biến nông sản còn thiếu, quy mô nhỏ; doanh nghiệp logistics còn nhỏ, chưa quan tâm đến lĩnh vực nông nghiệp; đội ngũ nhân lực logistics thiếu kinh nghiệm, hiểu biết về đặc tính nông sản…
Điển hình nhất là vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), tuy là vùng nông nghiệp trọng điểm quốc gia, động lực chính của ngành nông nghiệp nhưng các chỉ số kinh doanh lại kém hiệu quả đặc biệt là khâu dự trữ, bảo quản, vận chuyển.
Tại đây, việc kết nối vẫn chưa hiệu quả giữa các phương thức vận tải trong nội vùng và với các vùng khác; thiếu trung tâm logistics lạnh làm gián đoạn chuỗi giá trị nông sản.
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, nông sản Việt Nam hiện nay đã xuất đi 185 nước trên thế giới nhưng bản chất của vấn đề là nông sản xuất khẩu của nước ta chủ yếu vẫn là hàng thô, nặng nề. Mỗi năm có 40 triệu tấn hàng nông sản chở ra thế giới nhưng do sản phẩm thô nên giá trị thấp.
Việt Nam trong năm tới chủ trương không tăng sản lượng nông sản xuất khẩu mà đi sâu vào chuỗi giá trị. Do đó vai trò của logistics rất quan trọng để đáp ứng được mục tiêu này.
Trước thực trạng này, Đại diện Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho rằng, trong năm tới Việt Nam cần phải đầu tư hạ tầng cho logistics nông sản như đầu tư vào chuỗi lạnh (kho lạnh, xe lạnh, container lạnh); cải thiện kết nối đường thủy, đường bộ, tận dụng tốt đường sắt, phát triển đường hàng không; xây dựng trung tâm chiếu xạ, kiểm định tại các vùng nông nghiệp trọng điểm (Cần Thơ, Đắk Lắk).
Bên cạnh đó, chúng ta cần thay đổi tư duy làm chợ đầu mối bằng Trung tâm logistisc nông sản là nơi để tập trung nguồn hàng, đầu tư thị trường và đảm bảo được chất lượng, vệ sinh. Trong đó, với vùng ĐBSCL phải tận dụng tối đa năng lực của các tuyến đường thủy, đưa hàng ra cảng Hiệp Phước, Long An.
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT nhấn mạnh, logistics sẽ giúp cho nông sản Việt Nam nâng cao được giá trị |
Cục Xuất nhập khẩu đề xuất đẩy nhanh xây dựng trung tâm logistics hàng không tại Cần Thơ, đầu tư thêm các trung tâm logistics lạnh ở khu vực Cà Mau, Bến Tre, An Giang, Cần Thơ và quy hoạch tốt công nghiệp chế biến tại khu vực để gắn với logistics.
Đối với biên giới phía Bắc phải xây dựng các trung tâm logistics nông sản tại Lạng Sơn và Lào Cai. Các tỉnh vùng này cũng cần phổ biến quy định về kiểm tra chất lượng, đóng gói, truy xuất của Trung Quốc cho người trồng. Riêng các tỉnh miền Trung cũng xây dựng các trung tâm logistics nông - lâm nghiệp, khai thác nguồn nông sản từ Tây Nguyên và Hạ Lào…
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng nói thêm, ngoài chủ trương chính sách của Nhà nước thì đặc biệt là các doanh nghiệp ở Việt Nam đầu tư nhiều hơn nữa để cùng với bà con nông dân hình thành nên hệ sinh thái từ khâu tổ chức sản xuất, khâu chế biến, khâu thương mại mà trong đó điểm nhấn mạnh nhất - một công cụ, một phương tiện sáng tạo chính là logistics ngày càng đầy đủ, khép kín.
“Bộ NN-PTNT cũng cam kết sẽ thực hiện ý chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ban, ngành, đặc biệt đồng hành cùng với các doanh nghiệp và bà con nông dân hoàn thành tiếp công việc tổ chức sáng tạo đó”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu các cá nhân, tổ chức có liên quan tập trung nghiên cứu, tham mưu cho Chính phủ một số nhiệm vụ: Tiếp tục rà soát, hoàn thiện khung pháp lý, tạo lập môi trường kinh doanh thông thoáng lành mạnh cho hoạt động logistics ở Việt Nam; tập trung xây dựng và phát triển các loại hình doanh nghiệp logistics có năng lực cạnh tranh cao, ứng dụng công nghệ hiện đại nhằm phát triển bền vững thị trường logistics ở cả trong nước và khu vực. Ngoài ra, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu phải tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác về logistics có đủ bản lĩnh chính trị, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ giỏi, phẩm chất đạo đức đáp ứng với yêu cầu và nhiệm vụ mới trong thời gian tới có thể nói là điều quan trọng quyết định nhất… |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn