Tham dự, có 29/31 tỉnh, lãnh đạo Vụ KHCN-MT (Bộ NN-PTNT). Nhiều vấn đề đặt ra, trong đó nhấn mạnh làm thế nào để nâng cao vai trò và vị thế của hệ thống khuyến nông từ Trung ương tới cơ sở trong giai đoạn mới…
Mở đầu hội nghị, TS Lê Quốc Thanh - GĐ Trung tâm Khuyến nông Quốc gia khẳng định: Khuyến nông là thương hiệu quốc gia được cha ông ta xây dựng từ hàng ngàn năm nay mà trách nhiệm của những người làm khuyến nông chúng ta phải bảo vệ. Trong giai đoạn mới, cần phải nâng cao vai trò và vị thế của khuyến nông…
Hội nghị giao ban công tác khuyến nông các tỉnh phía Bắc. |
Khuyến nông ra đời từ thời các Vua Hùng dựng nước, nhà vua đã sai người dạy cho nông dân trồng lúa, trồng dâu nuôi tằm dệt vải. Các triều đại phong kiến sau này đều có những chính sách khuyến khích người nông dân phát triển nông nghiệp. Lễ hội Tịch điền được tổ chức lần đầu tiên vào năm 987 do vua Lê Đại Hành đích thân cày ruộng ở Đọi Sơn, mở đầu cho một năm SX nông nghiệp. Năm 1065, Lý Thánh Tông hạ Chiếu Khuyến nông, năm 1226 triều Trần thành lập Khuyến nông sứ, vua Lê Nhân Tông, Lê Thánh Tông đã 17 lần ban Chiếu Khuyến nông…
Kể từ khi giành được chính quyền, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều nghị quyết, chính sách phát triển nông nghiệp, Chỉ thị khoán 100 ra đời năm 1981 và Nghị quyết 10 ra đời năm 1988 đã tạo ra bước ngoặt vĩ đại cho SX nông nghiệp.
Trung tâm Khuyến nông Thái Nguyên được thành lập ngày 13/12/1991 do UBND tỉnh quyết định thành lập. Đây là tổ chức khuyến nông đầu tiên của cả nước trước khi Chính phủ ban hành Nghị định 13/NĐ-CP về khuyến nông. Kể từ khi ra đời tổ chức khuyến nông đầu tiên, đến nay đã gần 30 năm với hơn 30 ngàn người có mặt từ Trung ương tới từng thôn bản đều có người làm công tác khuyến nông, hầu hết các sản phẩm nông nghiệp có công sức của khuyến nông.
Cán bộ khuyến nông cùng lội ruộng với nông dân. |
Đặc biệt ngày 2/3/1993, Thủ tướng Võ Văn Kiệt ký Nghị định 13/CP, chính thức thành lập hệ thống khuyến nông từ Trung ương đến cơ sở. Đội ngũ những người làm công tác khuyến nông đông đảo nhất ngành nông nghiệp, họ có mặt ở khắp mọi nơi. Họ là những người gần gũi với bà con nông dân, nắm vững từng thửa ruộng, vuông tôm…, họ là gạch nối giữa các nhà khoa học với nông dân.
Không ai hiểu người nông dân bằng cán bộ khuyến nông và được nông dân tin cậy, coi cán bộ khuyến nông như người bạn tri ân, tri kỷ. Ngày 2/3/1993 phải được coi là “Ngày truyền thống” của những người làm công tác khuyến nông và cần được tổ chức để vinh danh những cán bộ khuyến nông, những “chiến sĩ” vô danh trên đồng ruộng.
Kể từ khi hệ thống khuyến nông ra đời, nhiều tiến bộ khoa học trong nước và thế giới được áp dụng trong SX nông nghiệp, năng suất cây trồng, vật nuôi không ngừng tăng, chất lượng sản phẩm ngày một nâng cao… Hàng chục ngàn mô hình được xây dựng khắp các địa phương, đó là “trường đại học” vĩ đại nhất được hàng chục triệu nông dân tham gia. Những sản phẩm nổi tiếng của các địa phương và của quốc gia được người tiêu dùng trong và ngoài nước biết đến đều có dấu ấn của khuyến nông.
Lãnh đạo tỉnh Yên Bái, ngành nông nghiệp cùng làm vụ đông với nông dân. |
Việt Nam một đất nước nông nghiệp, suốt mấy ngàn năm qua không một triều đại nào coi nhẹ phát triển nông nghiệp, nhất là từ khi có Đảng lãnh đạo thì công tác khuyến nông càng được coi trọng. Khuyến nông là một thương hiệu bền vững nhất trong lịch sử phát triển nông nghiệp.
Năm 2019 do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu toàn cầu, nắng gió, giá rét và hạn hán bất thường xảy ra ở khắp nơi đã tác động mạnh mẽ tới SX nông nghiệp. Ở cấp Trung ương triển khai 77 dự án khuyến nông, trong đó Trung tâm Khuyến nông Quốc gia quản lý 37 dự án với tổng kinh phí 86,045 tỷ.
Trong 77 dự án có 8 dự án SX hạt giống lúa lai F1, lúa chất lượng cao và áp dụng cơ giới hóa SX lúa, 3 dự án cây ăn quả, 6 dự án rau màu và ngô, 4 dự án cây công nghiệp, 4 dự án cây lâm nghiệp, 13 dự án chăn nuôi thú y và nuôi trồng thủy sản...
Các đại biểu thăm mô hình trồng bạch đàn cấy mô UP 54 do khuyến nông Yên Bái xây dựng. |
Những dự án tiêu biểu cần được nhắc đến, đó là hai dự án lúa lai F1, có 435ha được triển khai tại các tỉnh Lào Cai, Hải Phòng, Nam Định và Quảng Nam. Giống lúa lai LC25 năng suất 18 - 19 tạ/ha, giống LC70 năng suất 28 tạ/ha, tổ hợp TH3-3 đạt 27 tạ/ha. Đây là các giống lúa đang được nông dân sử dụng SX lúa hàng hóa, có chất lượng và năng suất cao.
Dự án lúa chất lượng cao theo chuỗi giá trị là giống lúa Japonica liên kết SX ở các tỉnh miền núi phía Bắc, với diện tích 360ha, năng suất 62,2 - 72 tạ/ha. Hiện giống lúa này đang được mở rộng trong nhân dân, một số doanh nghiệp đã liên kết với các hộ nông dân SX, để cung cấp cho các siêu thị và xuất khẩu.
Giống lúa Japonica được triển khai ở huyện vùng cao Văn Chấn. |
Dự án xây dựng mô hình trồng thâm canh cây mắc ca triển khai ở các tỉnh Điện Biên, Sơn La và Lai Châu, với tổng diện tích 60ha trồng xen canh chè và cà phê. Đây là giống cây trồng mới, triển vọng sẽ phát triển mạnh ở các tỉnh miền núi phía Bắc và Tây Nguyên.
Hiệp hội Mắc ca Việt Nam đang triển khai phát triển mắc ca ở các tỉnh miền núi phía Bắc đến thời điểm hiện nay có 8 tỉnh phía Bắc đã trồng và đang triển khai trồng mấy ngàn ha, trong đó Yên Bái 30ha, Hà Giang 30ha, Phú Thọ 10ha, Lào Cai 15ha... Như vậy, mô hình của dự án đang đáp ứng nhu cầu kỹ thuật của những người trồng mắc ca.
Các dự án khuyến nông do các địa phương triển khai thông qua việc xây dựng các mô hình đều có kết quả tốt, thu hút hàng ngàn nông dân tới tham quan, học tập và áp dụng. Đây chính là những lớp học ngoài trời có sức hấp dẫn mãnh liệt đối với nông dân và cũng là nhu cầu của nông dân mà các dự án khuyến nông đáp ứng.
TS Lê Quốc Thanh - GĐ Trung tâm Khuyến nông Quốc gia:
"Hệ thống khuyến nông là một tài sản, do đó phải duy trì hệ thống này. Tuy nhiên, chính những người làm công tác khuyến nông bằng việc làm của mình để chứng minh cho toàn xã hội biết, một đất nước nông nghiệp không thể thiếu những người làm khuyến nông… Hiện nay nhiều sản phẩm nông nghiệp đã vươn ra các thị trường quốc tế, chúng ta phải cho người tiêu dùng biết những giá trị khuyến nông được kết tinh trong những sản phẩm đó. Đã đến lúc chúng ta không phân vai khuyến nông trung ương, khuyến nông địa phương hay khuyến nông cơ sở. Tất cả đều nằm trong một hệ thống, một cán bộ khuyến nông cơ sở làm sai thì cả hệ thống chúng ta bị ảnh hưởng…". |
Ông Ninh Anh Vũ, GĐ Trung tâm Khuyến nông & dịch vụ Lào Cai "Thực hiện Nghị quyết 19/NQ-TW khi các trạm bảo vệ thực vật, thú y, khuyến nông sáp nhập thành trung tâm dịch vụ nông nghiệp thì Trung tâm Khuyến nông tỉnh phải thêm hai chữ dịch vụ để gắn kết với cơ sở. Đi xuống cơ sở hỏi nông dân bà con học ai cấy giống lúa này, chăn nuôi con này… bà con đều trả lời: Chúng tôi được cán bộ khuyến nông hướng dẫn. Khuyến nông làm nhiệm vụ chuyển giao khoa học kỹ thuật phi lợi nhuận, đều hướng tới vì lợi ích của người dân. Trong những năm qua, sự liên kết của hệ thống khuyến nông có sự lỏng lẻo, khuyến nông trung ương không biết địa phương triển khai những dự án, mô hình gì. Chính vì thế Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cần tổ chức nhiều lớp đào tạo cán bộ khuyến nông cho cơ sở, liên kết và chia sẻ thông tin, nâng cao hợp tác quốc tế, xây dựng thương hiệu và logo khuyến nông…để người dân nhận ra vai trò của khuyến nông trong xã hội…". |
Ông Lê Hồng Viễn, GĐ Trung tâm Khuyến nông Quảng Bình: "Khuyến nông hoạt động phải có tài chính, xây dựng mô hình phải có tiền. Tôi đề nghị các chương trình của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia triển khai cần gắn kết với khuyến nông địa phương. Những dự án nào xứng tầm quốc gia làm qua nhiều tỉnh thì Trung tâm Khuyến nông Quốc gia triển khai, còn những dự án vài chục ha thì giao cho khuyến nông địa phương làm, nếu không thì không xứng tầm quốc gia. Những sản phẩm chuỗi liên quan đến nhiều tỉnh thì Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho các trung tâm khuyến nông các tỉnh bám vào, nếu không chúng tôi không biết bám vào đâu…". |
Bà Vũ Thị Hương - GĐ Trung tâm Khuyến nông Hà Nội: "Nói về Nghị định 83/2018/NĐ-CP khi chưa có thông tư hướng dẫn, đã gây rất nhiều khó khăn cho việc triển khai các chương trình, dự án khuyến nông. Chúng tôi gặp không ít vướng mắc khi chưa có định mức Nghị định 83. Hiện chúng tôi đang thực hiện Thông tư 183 theo Nghị định 02, không phù hợp với thực tế. Nghị định 83 không có quỹ khuyến nông, trong khi đó Quỹ khuyến nông Hà Nội đang hoạt động tốt và có nhiều hiệu quả…" |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn