13:40 EST Chủ nhật, 12/01/2025
CHỦ ĐỀ HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HCM CỦA VP ĐIỂU PHỐI NTM HÀ TĨNH "GƯƠNG MẪU, CHỦ ĐỘNG, TÂM HUYẾT, KHOA HỌC, HIỆU QUẢ"

Menu Hệ thống

Tư vấn chính sách
Văn bản Pháp luật
Văn bản Pháp luật
Điều hành tác nghiệp Hà Tĩnh
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn
Cổng Thông tin Điện tử Hà Tĩnh
Công báo Hà Tĩnh
Báo Nông nghiệp Việt nam
Khuyến nônng Việt Nam
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Tĩnh

TRANG CHỦ » Tin Tức » Thông tin khác


Đối tác chiến lược ngành in bạt quảng cáo

in bạt hiflex - in decal pp - in decal ngoài trời - in băng rôn

Nẻo đường chợ quê ngày Tết

Chủ nhật - 19/01/2020 09:08
Lo toan cuộc sống đời thường, có mấy ai giành được chút thời gian về sống lại trong cảm giác hương nồng, mặn mòi xứ sở của cái chợ quê.
Góc chợ ngày Tết với những gánh hàng quê.

Đang trên đường, chợt điện thoại réo lên, Phú (bạn học cùng thời niên thiếu) nói như đọc lệnh:  “Ngày mai là 25 tết rồi, lại là chủ nhật nên lên quê nhé. Mình rủ thêm được mấy đứa bạn học nữa rồi. Lên để đi chơi chợ tết”. Lời rủ rê của bạn chợt làm lòng mình như se lại. Chao ôi, vậy là thêm một năm nữa lại sắp trôi qua, mải mê với công việc, với những lo toan cuộc sống đời thường mấy có ai giành được chút thời gian về sống lại trong cảm giác hương nồng, mặn mòi xứ sở của cái chợ quê.

Ký ức chưa phai…

Bây giờ, chợ quê nhỏ bé, khiêm nhường với chợ thành, nhưng nó đã là một dấu ấn khó phai, một thế giới đầy mới mẻ, hấp dẫn của những tháng năm thời niên thiếu.

Tuy đã đi nhiều nơi, đến nhiều chợ, nhưng tôi vẫn thích thú khi được ngắm nhìn chợ quê mình. Phiên chợ giáp Tết của vùng quê Hồng Thủy - Gia Ninh (ở Lệ Thủy - Quảng Bình). Chợ quê tuy còn nghèo về hàng hóa nhưng cũng đủ cho cuộc sống yên bình. Bạn bè, anh em lâu ngày mới về quê một lần, xuống xe, xuống tàu y như rằng sáng ngày hôm sau phải ra ngay ngoài chợ. Muốn biết quê mình đổi thay ra sao, bây giờ có gì thì cứ ra chợ là khắc biết. Ngoài việc biết quê mình thay đổi thì còn cái thú gặp bạn bè. Bởi hồi đó đâu có điện thoại như bây giờ. Bạn bè ra trường là biền biệt, có khi đến cả chục năm mới thấy được mặt nhau. Chợ quê như là nơi điểm hẹn. Lâu ngày gặp lại, sau hồi hỏi han tíu tít lại chèo kéo nhau vào quán lá ở góc chợ xì xụp ăn cháo bánh canh nấu cá tràu (cá lóc). Mệ Hồng bán cháo cẩn thận múc cho mỗi đứa thêm bộ lòng rồi cười: “Mấy đứa sáp con nít bây đi xa lâu ngày về ăn đi mà nhớ quê nghe”. Cả đám dừng tay cầm đũa nhìn nhau cười. Phú bấm tay tôi ghé tai thì thầm: “Đầu hai thứ tóc mà vẫn được mệ gọi là “sáp con nít”. Sướng thiệt”. Mà thật, khi mệ còn o thôn nữ bán ở chợ thì tụi tôi cũng chỉ là đám quẹt mũi bằng ống tay áo đi học cấp một thôi mà. Xì xụp vậy, những trái ớt đỏ tươi cay xé lưỡi lại là thấy ngon hơn mọi thứ trên đời.

Tái hiện một chợ quê ngày Tết.

Thuở còn bé chừng lên sáu tuổi, cứ vào dịp gần Tết, thế nào mẹ cũng cho tôi đi chợ. Những lúc đó cứ như được lạc vào một cõi bồng lai nào đó. Tay cầm chiếc kẹo bột (thứ kẹo nấu bằng đường bánh), một tay mẹ dắt đi qua hàng này đến hàng khác. Thỉnh thoảng, mẹ dừng lại hỏi han mua bán, tôi lại tha hồ ngắm nhìn hàng hóa, chú lợn con nằm im thinh thít trong rọ tre hay mấy con ngan con như những cục bông vàng ngơ ngác. Hồi đó, chợ Chè khá sầm uất, là nổi tiếng là nơi ghi chiến công “tay không cướp súng giặc” của lực lượng vũ trang Quảng Bình trong những năm đầu kháng chiến chống Pháp. Hồi đó, bộ đội, du kích tay không cải trang dân thường trà trộn vào chợ và đến kè kè bên những linh ngụy, lính Tây giữa chợ. Khi người chỉ huy hô to “ôm hè”, lập tức cứ hai  người của ta ôm đè một lính xuống và cướp lấy súng, đạn. Khi giặc hoàn hồn thì bộ đội, du kích đã mang chiến lợi phẩm rút về căn cứ an toàn.  

Chợ Chè mà còn là trung tâm giao lưu văn hóa, sản vật của vùng ven đường quốc lộ 1A, vùng biển, vùng bán sơn địa Vạn Ninh, Hoa Thủy… Quê thuần nông nên sản vật cũng bắt nguồn từ hạt gạo mà ra. Nhiều nhất vẫn là các loại bánh: bánh đa, bánh đúc ăn vào vừa bùi vừa béo. Bánh lá, bánh chưng thơm và dẻo. Bánh tu huýt, bánh mật ăn ngọt đến khó quên… Thường người dân vùng Hoa Thủy, Vạn Ninh.. đi chợ bằng đò chèo băng qua một góc phá Hạc Hải để mang về những chè xanh, sắn, mít ..của vùng đồi. Người dân vùng cát có thuốc lá, rau đậu, tôm cá đánh bắt trên sông, trên phá. Vùng biển với những đặc sản cá nục, cá thu… của biển. Ở chợ còn có rượu, thứ rượu quê trong vắt làm say biết bao lòng người. Rượu được nấu bằng gạo lức nên uống rất êm, lỡ có quá chén một chút cũng không nhức đầu. Người dân nấu rượu chẳng mong chi lời lãi, chỉ lấy được bã hèm rượu để nuôi mấy con heo. Tất cả, như quyện trộn tạo thành một cảm giác đầy đủ, no ấm của một chợ quê.

Những phiên chợ Tết cuối năm nhộn nhịp, đầy đủ sắc màu. Người làm xong vườn tược, gieo cấy thì có vẻ thong thả tí chút. Ngược lại, người còn nhiều việc để làm, lúa gieo cấy chưa xong thì tất bật, vội vàng, bán nhanh, mua vội để về theo việc đồng áng. Người quê ngoài đi chợ Tết mua sắm các đồ ăn thức uống, không quên mua một đôi câu đối, vài ba tranh Tết và mấy cành hoa giấy để cắm lên bàn thờ. Những câu đối, tranh Tết và những cành hoa giấy theo mọi người đi khắp nẻo quê.

Háo hức nhất vẫn là lũ trẻ. Ngày Tết được mẹ cho đi chợ thật thích mê tơi, vì được mua sắm quần áo, dép mới. Cứ một bộ quần áo vậy có khi mặc đến vài năm. Xong mấy ngày Tết là cất để dành , đến Tết sang năm lại lấy ra mặc.

Chợ quê vắng mấy nẻo về…

Ngày trước chợ chỉ có bán hoa giấy, chứ bây giờ hoa thật với sắc hồng, sắc tím của lay ơn, thược dược, hoa cúc, vạn thọ… rực rỡ cả một góc chợ. Cũng có nhiều người mang cả một bó cành mai vàng chặt từ vườn nhà ra bán. Lập tức, nhiều người đến hỏi giá. Họ mua mang về phố Đồng Hới bán lại. Dưới đó, giá chắc sẽ cao hơn. Xôm tụ nhất có lẽ là đám trẻ đang mải với trò chơi tôm, cua, rùa, cá… Ai thắng cuộc được nhiều viên kẹo xanh đỏ vui mắt. Ngay cả người lớn ở xa về quê ăn Tết cũng thỉnh thoảng xen vào để lại những tràng cười thật thoải mái, như xua đi bao nỗi ưu tư của nhịp sống phố phường.

Gian hàng ăn ở chợ quê ngày Tết.

Chợ Chè bây giờ cũng vắng thưa đi nhiều. Nhờ mấy anh em ăn cố nên nồi cháo canh mệ Hồng cũng vơi đi. Mệ ngồi nhìn ra chợ nói một mình: “Bữa ni, chợ vơi nhiều lắm. Có khi chỉ bằng một phần ngày xưa. Chợ vắng cũng phải. Con đường đi từ vùng biển vào chợ không còn bước chân dồn trên cát của các mẹ, các chị gánh cá vào bán nên đã bị  mất lối. Người dân vùng bên đồi thôi không chèo thuyền qua chợ nữa mà đường nhựa đi về phố thị. Hàng quán ở chợ vì vậy mà thưa thớt dần đi. Khi cần mua sắm, người ta lại đến các quầy hàng tạp hóa ở cạnh nhà. Vào dịp tết, nhà nhà có con làm cán bộ ở phố hay làm ăn xa về đều sắm đủ thứ mang về luôn. Chợ bây giờ thiếu nhiều kẻ mua, ngưới bán. Chỉ còn hàng bán lá dong, lá chuối, ống lạt rừng để gói bánh chưng, bánh tét. Mấy hàng chuối, cam, bưởi… là thứ được trồng ở vườn nhà.  “Chắc thêm dăm, bảy năm nữa, chợ ni cũng thôi không còn nhóm họp vì cũng chẳng còn ai mua bán chi vì hàng siêu thị đã đưa đến tận nhà rồi”- mệ Hồng trầm ngâm một lúc sau câu nói.

Những người ở xa, mỗi khi nhớ quê lại nhớ về chợ Tết, nhớ những hàng quán nhỏ rực ánh sắc hồng của tranh màu, nhớ cái xuýt xoa cay khi nếm món bánh đúc chấm ruốc pha ớt thật nhiều. Và phảng phất trong cái se lạnh mùi thơm hương ren vàng ai đó đốt lên mời gọi người mua thắp cho ông bà tổ tiên trong những ngày con cháu sum vầy.

Cũng thật là thiêng liêng chỉ có ngày Tết thì dù đi dâu, ở đâu ai cũng mong được về sum họp gia đình. Những bữa ăn sum họp vào chiều ba mươi cúng rước ông bà tổ tiên và chợ quê ngày Tết còn mãi gắn bó con người với cội nguồn quê hương.

Chợ tan, tôi thư thả quay lại nhà. Mẹ  bảo: "Hôm qua đi chợ, con Thanh có đến chào, nó về bữa trước đó. Bây giờ chắc vô lại Tây Nguyên rồi".

Thanh là cô bạn gái học mấy năm cấp ba cùng tôi. Nàng nết na và xinh có tiếng. Bởi vậy, nên mẹ tôi thích lắm, nhưng rốt cuộc chúng tôi vẫn là bạn. Học xong, Thanh theo gia đình vào sinh sống tận Tây Nguyên. Ngày đi vẫn hẹn nhau nhớ về chợ tết. Từ đó đến giờ,  bạn chưa một lần về lại chốn quê xưa. Nghe tin Thanh về, cũng thấy xao xuyến bâng khuâng những kỷ niệm ngày nào. Chợ tết quê, cũng một lần lỡ hẹn.

TÂM PHÙNG/ Nông nghiệp
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Thư viện Hình ảnh



Thăm dò ý kiến

Đánh giá kết quả thực hiện Chương trình NTM nên theo chỉ tiêu nào?

Số xã về đích (đạt 19/19 tiêu chí)?

Tổng số tiêu chí đạt chuẩn?

Tổng mức độ tiến bộ của tất cả các tiêu chí (theo phương pháp chấm điểm)?

Phương án khác?

Thời tiết - Tỷ giá

Thống kê

Đang truy cậpĐang truy cập : 197


Hôm nayHôm nay : 52652

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 491543

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 73538514