Khó tiếp cận vốn
Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước), đến hết tháng 6/2016, dư nợ tín dụng nông nghiệp đạt hơn 1,1 triệu tỷ đồng, chiếm gần 20% tổng dư nợ nền kinh tế. Nợ xấu trong lĩnh vực này chỉ chiếm 1,68%. Trong tổng dư nợ dành cho nông nghiệp, riêng Agribank đã chiếm khoảng 50%, hơn 30 ngân hàng còn lại chỉ cho vay khoảng 500.000 tỷ đồng.
Kết quả khảo sát mới đây của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng cho thấy, 70,1% doanh nghiệp cho rằng, họ gặp khó khăn trong tiếp cận tín dụng, trong đó 49,4% rất khó hoặc không thể tiếp cận vay vốn tín dụng. Bên cạnh đó, thời hạn, hạn mức cho vay chưa phù hợp với nhiều đối tượng, thủ tục tiếp cận tín dụng còn nhiều phức tạp, đặc biệt là lãi suất còn cao.
Đại diện Ngân hàng Nhà nước thừa nhận, khách hàng lĩnh vực nông nghiệp khó vay vốn một phần do thiếu tài sản thế chấp. Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại tăng cho vay tín chấp, song tỷ lệ này mới chiếm khoảng 20%, còn lại vẫn buộc phải yêu cầu tài sản thế chấp.
Sự lo lắng của ngân hàng là dễ hiểu khi khu vực nông nghiệp rất rủi ro. Ở khía cạnh khác, điều này cũng lý giải nguyên nhân doanh nghiệp ngại đầu tư vào nông nghiệp.
Thậm chí, theo TS. Dương Văn Chín, Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu nông nghiệp Định Thành (Tập đoàn Lộc Trời), ngay cả với vốn hỗ trợ của Chính phủ, ngân hàng cũng ngại giải ngân.
“Dù Chính phủ đã có chính sách hỗ trợ 100% lãi suất giảm tổn thất sau thu hoạch (Quyết định 68/2013/ QĐ-TTg), song đến nay, nhiều ngân hàng không mặn mà cho vay nữa, vì Nhà nước chậm hoàn trả lãi suất cho ngân hàng”, TS. Chín nói.
Lãi suất chưa rẻ
Hiện nay, lãi suất cho vay lĩnh vực nông nghiệp chỉ còn khoảng 6-6,5%/năm với các dự án tốt. Tuy nhiên, mức lãi suất này, theo doanh nghiệp, vẫn quá cao, nhất là đối với lĩnh vực có khả năng sinh lời kém, đòi hỏi vốn đầu tư ban đầu cao như nông nghiệp.
Với mức độ sinh lời của ngành nông nghiệp, nhiều doanh nhân cho rằng, lãi suất cho vay với lĩnh vực này cần giảm mạnh hơn nữa. Đặc biệt, Chính phủ cần có những chính sách hỗ trợ lãi suất đối với lĩnh vực này. Ông Nguyễn Hồng Phong, Tổng giám đốc Công ty Công nông nghiệp Tiến Nông kiến nghị, lãi suất cho vay nông nghiệp hợp lý là 3,5 - 4%/năm.
Trước kiến nghị của hàng loạt doanh nghiệp về lãi suất, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho hay, trong Dự thảo sửa đổi Nghị định 210/2013/NĐ-CP tới đây, Bộ đề xuất những biện pháp tháo gỡ về tài sản thế chấp để nâng cao khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp nông nghiệp, đồng thời có chính sách hỗ trợ lãi suất với doanh nghiệp.
Cụ thể, ngân hàng thương mại cho doanh nghiệp vay vốn ngắn, trung và dài hạn bằng VND với lãi suất thấp hơn 1,5-2,5%/năm so với lãi vay thông thường đối với các dự án nông nghiệp thuộc các nhóm khác nhau. Ngân sách nhà nước ở Trung ương và địa phương được sử dụng để cấp bù chênh lệch lãi suất khi thực hiện cho vay để thực hiện các dự án nông nghiệp.
Trong Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8 vừa qua, Thủ tướng cũng đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước từ nay tới cuối năm phải giảm tiếp 0,5% lãi suất cho vay, đồng thời tăng trưởng tín dụng 21-22% trong năm nay.
Rõ ràng, để thực hiện mục tiêu tăng trưởng tín dụng một cách hiệu quả, phương pháp khả dĩ nhất, theo TS. Lê Xuân Nghĩa, là giảm thêm lãi suất để tiền chảy vào các lĩnh vực sản xuất thực như nông nghiệp, công nghiệp, thay vì chảy vào các khu vực “nóng” như chứng khoán, bất động sản.
Tuy nhiên, đối với lĩnh vực nông nghiệp, bên cạnh giảm lãi suất theo mặt bằng chung, cần có sự hỗ trợ của Chính phủ để lãi suất riêng lĩnh vực này giảm sâu hơn nữa, có như vậy mới thu hút được doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn