Nhiều địa phương chủ động
Giữa tháng 7 vừa qua, UBND tỉnh Vĩnh Long đã quyết định trích 7 tỷ đồng từ ngân sách của địa phương trong vòng 3 năm (2018-2020) để hỗ trợ cho dự án sản xuất lúa theo chuỗi khép kín. Để triển khai dự án này, chính quyền Vĩnh Long đặt mục tiêu năm 2018 sẽ hỗ trợ 50% chi phí mua lúa giống và 30% chi phí mua vật tư thiết yếu để 2 HTX nông nghiệp tại địa bàn xây dựng cánh đồng lúa lớn với diện tích 140 ha. Tiếp đó, các năm 2019 – 2020, sẽ hỗ trợ thêm cho 4 HTX khác để xây dựng vùng nguyên liệu trên diện tích 370 ha.
Đã có hàng trăm DN lớn tham gia đầu tư vào các dự án sản xuất nông nghiệp khép kín |
Không chỉ ở Vĩnh Long, từ đầu năm đến nay làn sóng hỗ trợ đầu tư vào các dự án sản xuất nông nghiệp khép kín gắn liền với tiêu thụ nông sản đã thực sự lan rộng ở nhiều tỉnh, thành từ Bắc vào Nam.
Ghi nhận ở phía Bắc cho thấy, với sự góp mặt của các DN lớn như VinEco, Vinaseed, TH Group… đến thời điểm hiện nay, ngành nông nghiệp các tỉnh Hà Nam, Thái Bình, Phú Thọ… đã phát triển khá mạnh các mô hình khép kín. Tại Hà Nam đã có 87 mô hình sản xuất lúa và rau củ được thành lập với diện tích gần 1.000 ha. Trong khi đó, tại Thái Bình, các DN trong nước đã dành hơn 3.000 tỷ đồng đầu tư dài hạn cho các dự án nông nghiệp công nghệ cao trên diện tích vài nghìn hecta.
Ở khu vực Đông Nam bộ và Tây Nguyên cũng không kém phần sôi động. Trong các tháng quý II vừa qua các tỉnh Lâm Đồng, Đắk Nông, Tây Ninh, Đồng Nai… lần lượt công bố danh mục những dự án đầu tư lớn vào nông nghiệp theo mô hình chuỗi khép kín.
Cụ thể, phía Lâm Đồng thống nhất triển khai 6 dự án lớn trong các ngành hàng rau củ, hoa quả, chè và mật ong. Các dự án này lấy hạt nhân là gần 20 trang trại, HTX kết hợp trực tiếp với các DN trên địa bàn như Công ty mật ong Thái Dương, Công ty chè Thái Tài Nguyễn, Dalat Hasfarm… để triển khai xây dựng vùng nguyên liệu. Nhà nước đứng ra hỗ trợ 30-50% kinh phí thành lập chuỗi và vận hành các hoạt động của dự án.
Trong khi đó, đại diện ngành Nông nghiệp của tỉnh Tây Ninh cho biết, địa phương này đã sẵn sàng dành 16.000 hecta để phát triển các loại cây đặc sản như: xoài, mít, sầu riêng, mãng cầu... Tỉnh cũng sẽ thu xếp khoảng 1.100 hecta để các DN kết hợp với nông dân và các HTX trồng ca cao và các loại cây công nghiệp. Hiện 4 vùng nông nghiệp diện tích khoảng 3.500 ha tại Tây Ninh đã có hàng chục DN đến đầu tư vào các lĩnh vực chăn nuôi bò, trồng rau màu và cây ăn quả.
Địa phương này cũng đã chủ động kiến nghị Bộ Kế hoạch - Đầu tư và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) thông qua phương án vay 1.140 tỷ đồng để phát triển chuỗi giá trị sản phẩm rau, cây ăn quả. Do vậy, khả năng bứt phá của ngành nông nghiệp Tây Ninh là rất lớn.
Tổng lực hiện thực hóa chính sách
So với nhịp độ triển khai các chủ trương chính sách khác của Chính phủ (thường có độ trễ nhất định), hiện nay chủ trương khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản lại đang được các địa phương đi trước một bước trong nhiều khâu, đoạn.
Theo đó, mặc dù tới ngày 20/8 Nghị định 98/2018/NĐ-CP về khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản của Chính phủ mới chính thức có hiệu lực, nhưng hàng loạt DN đã bắt đầu “dốc toàn lực” cho các dự án nông nghiệp quy mô cấp tỉnh, cấp huyện của mình.
Tại Đồng Tháp, sau thành công của một số dự án thí điểm cho vay khép kín trong lĩnh vực sản xuất lúa, nuôi - chế biến cá tra đã bắt đầu nhân rộng mô hình “hợp tác 4 nhà” theo hướng mở rộng kết nối quy mô cấp vùng. Theo đó, dự án “canh tác lúa lý tưởng” được tỉnh này xây dựng trên cơ sở liên kết một DN tại Trà Vinh với các HTX và nông hộ tại khu vực Đồng Tháp Mười (Đồng Tháp) để tận dụng tất cả các lợi thế nhằm tối ưu hóa chi phí sản xuất.
Tại An Giang, mặc dù ngân sách từ Trung ương theo Nghị định 98/2018/NĐ-CP của Chính phủ chưa được triển khai, nhưng tỉnh này đã lồng ghép hàng loạt nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia để hỗ trợ tối đa cho việc hình thành các mô hình sản xuất nông nghiệp khép kín. Thậm chí, để đảm bảo tỷ lệ thành công của các mô hình và khuyến khích các DN mới đầu tư vào các dự án nông nghiệp, tỉnh này đã ban hành cả “hợp đồng mẫu liên kết” để thống nhất thực hiện trên toàn địa bàn.
Riêng tại khu vực TP.HCM, đi trước một bước với chương trình khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị giai đoạn 2017-2020, ngân sách địa phương đã chi hàng trăm tỷ đồng hỗ trợ lãi suất cho vay vốn cho các dự án sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Từ đầu năm 2018 đến nay đã có 5 dự án khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp được hỗ trợ 70% kinh phí để hiện thực hóa.
Ngoài ra, TP.HCM hiện cũng đã kết nối với các tỉnh khu vực ĐBSCL để hình thành chuỗi liên kết phân phối - tiêu thụ nông sản hàng hóa. Các DN đầu mối phân phối lớn như Big C, SaigonCo.op, Ba Huân, Mega Market… sẽ được hỗ trợ một phần kinh phí để tạo liên kết bao tiêu nông sản cho các dự án nông nghiệp tại các tỉnh ĐBSCL đã được chính quyền ký kết hợp tác và bảo lãnh thương hiệu.
Tác giả bài viết: Thạch Bình
Nguồn tin: thoibaonganhang.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn