Thường lệ, khoảng tầm 5h sáng hàng ngày, anh Lê Đình Sơn (SN 1985) lại tất bật với việc đi thu lượm 150 trúm đặt trên những cánh đồng lúa. Sau một đêm dùng trúm nhử lươn vào, anh Sơn thu được 5 - 7 kg lươn đồng.
Anh Sơn làm nghề săn lươn đồng đã được 10 năm nay, trên các cánh đồng, anh là người hiểu rõ vùng nào lươn nhiều, con to.
Khoảng 4- 5h sáng hàng ngày, anh Sơn ra đồng để thu lượm trúm. Ảnh: Việt Hùng |
Theo anh Sơn, từ ngày bắt đầu đi săn lươn đồng đến giờ, anh đều sử dụng trúm bên trong có nắp nứa đậy để thả dưới ruộng lúa hoặc kênh mương. Lươn đồng được săn bắt quanh năm, nhưng tháng Giêng, tháng Ba, tháng Sáu và tháng Bảy là lươn nhiều nhất vì đúng vào mùa lươn sinh sản.
Sau một đêm đặt trúm nhử, lươn đồng đã vào bẫy. Ảnh: Việt Hùng |
Cứ khoảng 16 - 17h chiều, anh Sơn mang khoảng 150 ống trúm thong dong khắp cánh đồng ở địa bàn xã để săn lươn đồng. Công việc này không vất vả nhưng lại có thu nhập rất cao. Thời điểm ít lươn nhất anh Sơn cũng có kiếm được khoảng 7 triệu đồng/tháng. Thời điểm lươn nhiều thu nhập có khi cao gấp đôi, từ 15 - 17 triệu đồng/tháng.
Anh Sơn cho biết, nghề này không phải bỏ nhiều vốn, chí phí ban đầu từ 200.000 - 300.000 đồng để mua ống trúm. Cuối chiều tranh thủ đặt thả dưới ruộng, sáng hôm sau đi thu lượm lại. Hiện giá lươn đồng nhập cho thương lái 130.000 đồng/kg, bán lẻ ngoài chợ giá 150.000 đồng/kg.
Trúm được làm từ cây nứa, tùy thuộc vào thả đồng cạn hay đồng sâu mà cắt ngắn hoặc dài hơn 60cm; trúm được cắt bỏ một đầu để làm cửa cho lươn chui vào. Ảnh: Việt Hùng |
Chia sẻ về cách săn lươn đồng, anh Sơn cho hay, trước khi đi thả trúm phải tìm những cánh đồng nào thường xuyên có nhiều lươn; thứ hai là nhìn vào màu nước trong ruộng nếu có màu vàng đục là nơi đó có nhiều lươn; thứ ba là chế mồi để nhử lươn. Loại mồi nhử lươn là giun đất, ốc bươu vàng và cua đồng giã nhỏ, trộn đều; dùng mồi trám vào nắp đậy của chiếc trúm rồi thả dưới ruộng. Phát hiện có mồi, lươn sẽ chui vào bên trong trúm và bị mắc kẹt lại.
Hiện giá lươn đồng nhập cho thương lái 130.000 đồng/kg; tính ra một đêm anh Sơn thu nhập khoảng 600.000 - 700.000 đồng. Ảnh: Việt Hùng |
Nếu đặt trúm cạn quá, lươn sẽ không chui vào, còn sâu dưới lớp bùn thì mùi thức ăn không phát tán ra xa để dụ dỗ chúng đến. Ngoài ra, để không bị thất lạc ống trúm, thợ bắt lươn đồng phải có trí nhớ cũng như cách bố trí “sơ đồ” chỗ đặt hợp lý.
Mỗi ngày anh Sơn đặt 150 trúm. Ảnh: Việt Hùng |
Không chỉ mình anh Sơn, trên địa bàn xã Quỳnh Hoa có khoảng 20 hộ; Quỳnh Thanh 10 hộ; Quỳnh Hậu 5 hộ… làm nghề săn lươn đồng. Theo người dân cho biết, nghề này khỏe hơn nghề phụ hồ, công nhân bốc vác mà lại có thu nhập cao. Nhiều người làm nghề săn lươn đồng có cuộc sống ổn định, khá giả hơn.
Việt Hùng/ Báo Nghệ An
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn