Trong đó,
Nghệ An xác định quy hoạch phải đồng bộ từ khâu khoanh nuôi bảo vệ tốt diện tích hiện có, kết hợp phục hồi diện tích đã bị khai thác cạn kiệt; phấn đấu giá trị sản xuất của rừng mây tre đạt 35 – 40 triệu đồng/ha/năm.
Tỉnh Nghệ An xác định vùng nguyên liệu mây tre sẽ được bố trí trên 2 loại rừng là rừng phòng hộ và rừng sản xuất ở 12/21 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh; mục tiêu đến năm 2020 bảo vệ và khai thác 106.698 ha. Tỉnh Nghệ An đã phát triển được vùng nguyên liệu mây tre tại các huyện miền núi trong tỉnh, tập trung chủ yếu ở các huyện Con Cuông, Quế Phong, Tương Dương, Kỳ Sơn…
Tại những địa phương này vùng nguyên liệu mây tre đã hình thành từ nhiều năm nay, góp phần giải quyết việc làm, thu nhập cho người dân, cung cấp nguyên liệu cho các cơ sở chế biến mây tre ở trong và ngoài tỉnh. Tuy nhiên, hiện nay vùng nguyên liệu mây tre của tỉnh Nghệ An đang tồn tại nhiều bất cập, nổi lên đó là chất lượng mây tre của địa phương hạn chế, hiệu quả sản xuất chưa cao, sản lượng không đáp ứng đủ cho nhu cầu thu mua của các doanh nghiệp chế biến mây tre.
Khắc phục tình trạng trên, cùng với quản lý chặt vùng quy hoạch, coi trọng các biện pháp kỹ thuật trong trồng, chăm sóc, tỉnh Nghệ An cũng sẽ lồng ghép các chương trình, dự án để phát triển hiệu quả vùng nguyên liệu mây tre; trong đó có chương trình xây dựng nông thôn mới, chương trình khuyến nông khuyến lâm, chương trình bảo vệ và phát triển rừng… Tỉnh cũng yêu cầu các địa phương phối hợp với ngành lâm nghiệp hướng dẫn người dân khai thác đúng quy trình kỹ thuật, đúng cường độ khai thác, quản lý chặt vùng quy hoạch.
Năm 2018, tỉnh Nghệ An sẽ công bố triển khai rộng rãi quy hoạch bảo tồn và phát triển bền vững vùng nguyên liệu mây tre đến các địa phương, doanh nghiệp và người dân; giao Chủ tịch UBND cấp huyện (nơi có rừng mây tre) chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh về chất lượng rừng mây tre và kết quả, tiến độ thực hiện quy hoạch vùng nguyên liệu mây tre trên địa bàn./.