Nghề cá nước ngọt cung cấp lượng dinh dưỡng lớn cho khu vực nông thôn
Các nhà nghiên cứu từ Đại học bang Michigan (MSU) và Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp (FAO) của Liên hợp quốc đã tập hợp các dữ liệu gần đây nhất và các phương pháp cải tiến để đánh giá tác động của nghề cá nước ngọt đối với an ninh lương thực, phát triển bền vững và kinh tế. Việc đánh bắt cá từ sông, suối, đồng bằng ngập nước, đầm lầy, hồ, biển nội địa, kênh rạch, hồ chứa và thậm chí cánh đồng lúa dường như bị lãng quên, trong khi nghề cá đại dương thường được đánh giá cao hơn.
Tuy nhiên, trong đánh giá “Một cái nhìn mới về nghề cá nước ngọt và vai trò của nghề cá nước ngọt đối với an ninh lương thực và sinh kế”, các nhà khoa học Abigail Bennett và Simon Funge-Smith (FAO), chỉ ra sức mạnh của nghề cá nước ngọt. Đối chiếu các đánh giá mới - ví dụ mô hình đánh bắt cá từ dữ liệu tiêu thụ thực phẩm hộ gia đình, tất cả đều củng cố kết luận rằng đánh bắt thủy sản nước ngọt có thể lớn hơn ước tính hiện tại từ 21 đến 51% .
Giá trị kinh tế của nghề cá nước ngọt toàn cầu ước tính khoảng 24 tỷ USD, chiếm khoảng 24% giá trị ước tính cho nghề cá biển mặc dù tổng sản lượng đánh bắt thủy sản nước ngọt chỉ bằng khoảng 13% sản lượng đánh bắt trên biển. Những giá trị mới này cho thấy giá của cá nước ngọt cao hơn mức trung bình của cá biển, cho thấy tầm quan trọng của cá nước ngọt trong các nền kinh tế nông thôn.
Bennett, Phó Giáo sư thủy sản cho biết: “Nghề cá nước ngọt đang cung cấp các vi chất dinh dưỡng quan trọng và là protein động vật cung cấp cho khoảng 159 triệu người, đôi khi là loại protein duy nhất phù hợp với họ. Đồng thời, hệ thống sản xuất thực phẩm có nguy cơ bị đe dọa bởi biến đổi khí hậu, nước thải nông nghiệp, thay đổi môi trường sống từ phát triển thủy điện và các sử dụng thay thế nước ngọt khác. Chúng tôi cần xem xét kỹ hơn về hiệu quả của nghề cá nước ngọt trong bối cảnh thay đổi mục đích sử dụng đất, nước và năng lượng”.
Bài viết cũng chỉ ra các khía cạnh khác của ngành đánh bắt này: Cá nước ngọt là một trong những nguồn thức ăn động vật duy nhất nhiều người nghèo có thể tiếp cận được, và thủy sản có thể được thu hoạch một cách hiệu quả ở quy mô nhỏ, thường không cần thuyền chạy bằng động cơ và có thể có hình thức chế biến công nghệ thấp. 95% sản lượng khai thác thủy sản nước ngọt là từ các nước đang phát triển và 43% đến từ các nước thu nhập thấp không đảm bảo an toàn thực phẩm.
Để quản lý và duy trì những lợi ích đó, các tác giả lưu ý rằng việc tiếp tục cải thiện các phương pháp để nắm bắt được số lượng thủy sản đang bị bắt và cách đánh bắt thay đổi theo thời gian là rất quan trọng.
Funge-Smith nói: “Mặc dù nghề cá đánh bắt nước ngọt bằng 12% sản lượng cá toàn cầu, nhưng ở những nơi cụ thể, sản lượng khai thác này cực kỳ quan trọng đối với con người”.
Lê Hồng Vân (Theo sciencedaily)/https://www.mard.gov.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn