Cái duyên với nghề mộc
Đến đầu làng, hỏi thăm nhà anh Sơn làm mộc bằng chân, từ trẻ nhỏ đến người già không ai không biết. Theo lời hướng dẫn của một em nhỏ, tôi tìm đến nhà anh vào buổi chiều đông. Trước mắt tôi là hình ảnh người đàn ông mặc chiếc áo len bạc màu, hai cánh tay quắp trước ngực, đôi chân không đủ ngón đục đẽo trên thanh gỗ. Kì lạ thay, chính đôi chân ấy đang cầm cái đục thay cho đôi tay khuyết tật của anh. Tôi để ý thấy chiếc đục còn lớn hơn cả đôi chân anh, nhưng anh vẫn đục, đẽo làm việc như một người thợ mộc bình thường.
Anh Sơn sinh ra trong một gia đình có truyền thống hiếu học, bố làm nghề giáo. Gia đình có 5 anh chị em, anh là con thứ hai, nhưng trớ trêu thay khi sinh ra đã thiệt thòi hơn các anh chị em trong nhà. Vừa lọt lòng mẹ, đôi tay của Sơn đã co quắp lại trước ngực, đôi chân không đủ ngón cũng yếu ớt. Năm tháng trôi qua, Sơn vẫn gầy gò, đôi tay cứ quắp trước ngực, dù đã lên 6 mà vẫn không biết đi. “6 tuổi, khi bạn bè đi học, đi chơi, tôi chỉ nằm co quắp trong nhà, không biết đi, chỉ nhờ vào bố mẹ bồng bế. Những khi bố mẹ đi vắng, tôi lại tự lết người để có thể di chuyển”, Sơn tâm sự.
Mãi cho đến khi 8 tuổi, anh mới biết đi. Thấy chúng bạn đến trường, anh khao khát được đi học, được tìm hiểu thế giới bên ngoài. Anh cắp sách đến trường cùng em trai mình, nhưng con đường đi học của anh không hề dễ dàng. Với hình hài “đặc biệt”, đến trường, anh luôn bị bạn bè nhìn ngó, bình phẩm, thậm chí còn châm chọc. Anh tâm sự: “Thấy bạn bè nhìn mình bằng ánh mắt lạ lẫm, dò xét cũng ái ngại, cũng tủi thân, nhưng rồi tôi lại nghĩ, mình may mắn hơn một số người, có thể đi ra ngoài, học hành và biết được thế giới bên ngoài”.
Ngoài thời gian đi học, ở nhà, thấy bố làm mộc anh bắt đầu theo bố học làm theo. “Lúc đầu, thấy cha làm việc vào những buổi tối, tôi thương cha, cũng thức cùng cha làm. Thế rồi, không biết từ bao giờ tôi lại thích cái đục, cái bào không hay. Thấy tôi thích, cha cũng đồng ý cho học. Lúc đầu, tôi làm những thứ tôi thích trước”.
Thời gian trôi qua, tay nghề của anh càng thêm vững, tuy nhiên gia đình vẫn muốn anh theo con đường học hành bởi mang trong người những khuyết tật đó cả nhà không an tâm để anh làm mộc. Nhưng dường như đam mê, lòng yêu nghề đã khiến anh không thể dứt bỏ được.
Ngày qua ngày, những vật dụng của anh làm ra ngày càng tinh xảo, được người mua đánh giá cao, anh có điều kiện đỡ đần gia đình lúc bố ốm nặng. Lên lớp 4, anh còn kêu gọi bạn bè, những người có hoàn cảnh khó khăn một buổi đi học, một buổi về nhà anh dạy làm nghề mộc kiếm thêm thu nhập phụ giúp gia đình, đồng thời có tiền trang trải học hành.
Xưởng mộc nhỏ của anh Sơn đã đào tạo thành nghề cho không biết bao nhiêu người cùng cảnh ngộ như anh. Ảnh: Ngô Chuyên. |
Nghề mộc dẫn lối hạnh phúc
Sau khi học xong phổ thông, anh Sơn quyết định đến học ở trường dạy nghề dành cho người khuyết tật nhằm nâng cao tay nghề, đồng thời học hỏi thêm kinh nghiệm về nghề mộc. Qua trường học này, anh thấy được ý chí của những người cùng cảnh ngộ, càng giúp anh quyết tâm làm được điều gì đó cho đời. Sau khi học xong, anh trở về quê mở một xưởng mộc cho mình, tự mình làm, đồng thời kêu gọi những người khuyết tật trong vùng đến học nghề. Anh luôn tạo điều kiện cho họ kiếm tiền trang trải cuộc sống. Anh chia sẻ: “Thực sự, việc làm của người khuyết tật hiện nay rất ít, càng đi ra ngoài tôi càng cảm nhận được những khó khăn của người khuyết tật khi ra ngoài xã hội kiếm sống. Chỉ nói đến khuyết tật họ đã tự ti, huống hồ là xã hội không tin tưởng vào họ”.
Bảy năm qua, đã có hơn 100 người khuyết tật trong địa phương và một số huyện gần đó được anh dạy nghề. Sau khi học nghề, có người trở về tự mở xưởng nuôi sống cho gia đình, không còn phải dựa dẫm vào người thân. Anh nhớ lại: “Trước, học nghề ở xưởng mình có Hùng, nó bị khuyết tật ở chân, suốt ngày lêu lổng, chơi bời vì không có việc làm. Có lần, theo bạn bè đi đánh nhau, Hùng bị công an bắt. Sau khi vào đây học nghề, có được việc làm, nó thay đổi hẳn. Giờ Hùng vào Đăk Lăk tự mở xưởng mộc cho mình".
Những sản phẩm của anh Sơn làm ra chủ yếu là đồ gia dụng, được nhiều người đến đặt hàng. Một lần, có người huyện bên đặt làm cánh cửa, làm xong anh đến tận nơi lắp đặt. Trong quá trình lắp cửa ở đó, anh gặp chị Nguyễn Thị Vân (34 tuổi, vợ anh bây giờ). Năm 2002, anh chị quyết định về chung một nhà. Chị Vân thay cánh tay của anh chăm sóc gia đình, đồng thời phụ giúp những việc mà anh không thể làm được. “Ông trời không cho anh ấy đôi tay, hình hài như những người bình thường nhưng cho anh ấy đôi chân, nghị lực sống và tình yêu với gia đình vô bờ bến”, chị Vân tâm sự. Một năm sau ngày cưới, vợ chồng anh chào đón cậu con trai đầu lòng, niềm hạnh phúc vỡ oà vì con khỏe mạnh.
Trải qua 14 năm kết hôn, anh chị có 3 đứa con đều khỏe mạnh, hình hài bình thường. “Trời cho đấy, cũng may, các cháu khỏe mạnh, rứa là hạnh phúc rồi”, anh tâm sự trong niềm hạnh phúc.
Theo Lao động
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn