Vùng ĐBSCL hiện có khoảng 130.000ha dừa, chiếm hơn 78% diện tích dừa của cả nước. Theo ước tính, cây dừa mang lại nguồn thu nhập cho hơn 1,9 triệu hộ nông dân ở ĐBSCL, nhưng nghịch lý là rất ít hộ làm giàu từ cây dừa bởi giá trị mang lại chưa cao.
Tìm giải pháp nâng cao hiệu quả, phát triển bền vững ngành dừa đang là vấn đề cấp bách đặt ra hiện nay.Giá dừa ở mức caoNhiều ngày qua, giá dừa khô ở ĐBSCL được thương lái và doanh nghiệp thu mua từ 120.000 - 150.000 đồng/12 trái, loại 1; từ 90.000 - 100.000 đồng/12 trái, loại 2… Đây là mức giá tương đối cao, đảm bảo cho người trồng dừa có lãi. Ông Hồ Ngọc Tha, ở xã Tân Thanh, huyện Giồng Trôm (Bến Tre) cho biết: “Gia đình tôi có 5 công ruộng và 70 gốc dừa. Do ảnh hưởng hạn mặn nên thời gian qua canh tác lúa cho thu nhập chẳng bao nhiêu, cũng nhờ vườn dừa được giá nên hàng tháng có tiền chi tiêu”. Bà Nguyễn Thị Xinh, canh tác 3 công dừa ở ấp Phú Hưng, xã Phú Thuận, huyện Bình Đại (Bến Tre) bộc bạch: “Cây dừa gắn bó với gia đình tôi hơn 30 năm nay, có lúc dừa rớt giá chẳng có nguồn thu nhưng tôi vẫn giữ bởi cây dừa thân thương, gần gũi. Nay giá dừa tăng, nông dân có lời. Tuy nhiên, do ảnh hưởng hạn mặn của năm 2016 khiến vườn dừa suy kiệt, giờ đang phục hồi nên sản lượng trái chưa như mong muốn; giá dừa cao nhưng nông dân không có nhiều dừa để bán”. Theo Sở NN-PTNT tỉnh Bến Tre, sau thời gian giá cả bấp bênh, từ năm 2013 đến nay, giá dừa ổn định ở mức cao, bình quân khoảng 7.000 đồng/trái. Trước đây, một số hộ dân phá bỏ vườn dừa hoặc thiếu chăm sóc, nay đã trồng thêm và đầu tư hơn cho cây dừa. Thống kê cho thấy, toàn tỉnh Bến Tre có 163.000 hộ trồng dừa, với diện tích bình quân là 0,4ha/hộ. Đa phần nông dân có kinh nghiệm, cộng với đất đai thổ nhưỡng phù hợp nên cho năng suất và chất lượng cao. Tuy nhiên, do diện tích canh tác bình quân của từng hộ quá ít, lại sản xuất manh mún, nhỏ lẻ… nên dù giá dừa cao nhưng thu nhập không nhiều và chưa thể làm giàu được từ cây dừa. Ngoài ra, việc thiếu nhân công lao động, giao thông nông thôn bị trở ngại, dẫn tới việc vận chuyển hàng hóa qua nhiều trung gian, tốn thêm chi phí; đồng thời khó tổ chức liên kết sản xuất… Sở Công thương tỉnh Bến Tre cho biết, thu nhập bình quân của hộ trồng dừa ở Bến Tre đạt khoảng 60-68 triệu đồng/ha/năm; nếu so sánh cùng diện tích trên, nông dân trồng bưởi da xanh có thu nhập tới 600-700 triệu đồng/ha/năm; thanh long thu nhập khoảng 500 triệu đồng/ha/năm; chôm chôm 350-400 triệu đồng/ha/năm… Như vậy, hiệu quả của cây dừa vẫn còn quá khiêm tốn. Chính điều này mà dân trồng dừa ở Bến Tre và các tỉnh khác chưa thể giàu lên từ cây dừa; thậm chí trồng dừa nhưng phải sống bằng nhiều nghề khác… Xen canh để tăng giá trịLà địa phương có diện tích dừa đứng đầu khu vực ĐBSCL cũng như cả nước, Bến Tre (với 70.127ha dừa, sản lượng 600 triệu trái/năm) luôn quan tâm phát triển ngành dừa. Thời gian qua, Bến Tre triển khai rất nhiều chương trình, dự án, thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học, đầu tư công nghệ, đổi mới sản xuất… nhằm nâng cao giá trị cho ngành dừa. Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Võ Thành Hạo cho rằng: “Dừa là cây truyền thống gắn liền với Bến Tre, đồng thời còn là cây chịu mặn nên không thể bỏ được. Bên cạnh đó, với hơn 70.127ha dừa của tỉnh sẽ còn là lá phổi xanh cho địa phương và khu vực. Song, điều trăn trở là nông dân trồng dừa còn khó khăn, thu nhập chưa cao, bởi nhiều nguyên nhân khác nhau. Đây là vấn đề mà các ngành chức năng cần tháo gỡ, thay đổi mô hình canh tác, quản lý, liên kết, đầu tư mạnh hơn để tăng thu cho người trồng dừa”. Các nhà chuyên môn nhận định, trong điều kiện biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn ngày càng phức tạp, cây dừa sẽ có những lợi thế nhất định. Tuy nhiên, lợi nhuận của người trồng dừa quá thấp thì liệu cây dừa có phát triển hay sẽ giảm diện tích. Ông Nguyễn Trung Chương, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dừa Bến Tre cho biết: “Để tăng thu nhập cho người trồng dừa cần áp dụng mô hình trồng xen, nuôi xen các loại cây, con khác trong vườn dừa. Cụ thể, trồng xen ca cao, kiểng lá, cây có múi, nuôi ong lấy mật, nuôi gà thả vườn, nuôi tôm càng xanh dưới mương vườn dừa…”. Trước đây, Sở NN-PTNT tỉnh Bến Tre hỗ trợ người dân thí điểm mô hình nuôi tôm càng xanh trong vườn dừa với diện tích 20ha. Qua thực hiện, năng suất tôm nuôi xen canh đạt từ 250-300kg/ha, góp phần tăng thu nhập cho nông dân trồng dừa. Hiện nay, mô hình này được nhân rộng hơn 500ha ở các xã Thới Thạnh, Tân Phong (huyện Thạnh Phú); Phước Hiệp, Định Thủy, An Thạnh (huyện Mỏ Cày Nam); Thuận Điền, Lương Phú (huyện Giồng Trôm)… Song song với việc trồng, nuôi xen, vấn đề đẩy mạnh chế biến, xuất khẩu các sản phẩm từ dừa là yếu tố quyết định để nâng giá trị ngành dừa. Theo Sở Công thương tỉnh Bến Tre, sau thời gian đầu tư phát triển, đến nay ở tỉnh đã có hơn 200 sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ dừa. Ngoài ra, các doanh nghiệp còn tăng cường các sản phẩm chế biến, như cơm dừa nạo sấy, sữa dừa, nước dừa đóng hộp, bột sữa dừa, dầu dừa nguyên chất, mặt nạ từ thạch dừa, kẹo dừa, than hoạt tính… được xuất khẩu sang khoảng 84 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, kim ngạch đạt 150-170 triệu USD/năm. Ông Trần Văn Đức, Tổng Giám đốc Công ty CP đầu tư Dừa Bến Tre, khẳng định: “Nhờ ứng dụng công nghệ hiện đại vào chế biến đã giúp ngành công nghiệp dừa Bến Tre tạo bước đột phá và dẫn đầu cả nước về chế biến dừa. Tuy nhiên, nếu so với thế giới và khu vực, công nghiệp chế biến dừa của ta còn non trẻ; trong đó chưa có nhiều doanh nghiệp mạnh, quy mô lớn… Vì vậy, để tăng cường cạnh tranh và hội nhập quốc tế, ngành công nghiệp dừa Bến Tre và cả nước cần đầu tư hơn nữa trên nhiều mặt. Đây là xu thế tất yếu để đáp ứng các tiêu chuẩn mà thị trường thế giới đòi hỏi”. Lãnh đạo tỉnh Bến Tre lưu ý, chế biến dừa đã được xác định là hướng phát triển ngành công nghiệp mũi nhọn, công nghiệp ưu tiên ở tỉnh giai đoạn đến năm 2020, với mục tiêu tăng trưởng 12,4%/năm. Tới đây, tỉnh sẽ đầu tư mạnh hơn, toàn diện hơn; đồng thời tăng cường liên kết giữa nông dân trồng dừa với doanh nghiệp chế biến, nhằm tăng chuỗi giá trị cho cây dừa.
HUỲNH PHƯỚC LỢI/sggp.org.vn