Đầu những năm 2000 là giai đoạn đặc biệt khó khăn của các tỉnh Tây Nguyên. Sự sụp đổ của thị trường cà phê, khiến kinh tế khu vực rơi vào khủng hoảng. Theo đó, một loạt các vấn đề xã hội và quốc phòng an ninh đã phát sinh.
Trong tình hình đó, ngày 17/7/2002, Ban chỉ đạo Tây Nguyên được thành lập để giúp cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ lớn ở Tây Nguyên; cùng cấp ủy Đảng, chính quyền các tỉnh trong khu vực, tháo gỡ khó khăn, nhanh chóng vực dậy kinh tế, củng cố an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. 15 năm nỗ lực, kinh tế xã hội Tây Nguyên có sự cải thiện toàn diện.
Cứ đến tháng 7 hàng năm, khi những vườn cà phê sây hạt thì cũng là lúc những những cây sầu riêng trồng xen bước vào mùa thu hoạch. Thời điểm ấy, cả xã Ea Yông huyện Krông Pắk tỉnh Đắk Lắk lại bước vào ngày hội mùa. Khu vực trung tâm xã nhộn nhịp như một thương cảng. Mỗi ngày đều có hàng chục xe container nối đuôi nhau, chở đi những chuyến sầu riêng đầy ắp. Hương thơm của trái cây đặc sản vương vấn suốt một chặng dài trên quốc lộ 26.
Ông Ngô Văn Tam, một nông dân xã Ea Yông cho biết, năm nay là năm thứ 7, ông và các nhà vườn ở đây thắng lớn. Mỗi cây sầu riêng trồng xen trong vườn cà phê cho thu nhập cả chục triệu đồng mỗi vụ; mỗi héc ta đạt trên 700 triệu đồng mỗi năm.
Theo ông Nguyễn Phụng Minh, Bí thư Đảng ủy xã, Ea Yông là một trong những vùng cà phê đặc trưng nhất ở Tây Nguyên, cũng là vùng chịu ảnh hưởng nặng bởi tình trạng sập giá cà phê đầu những năm 2000. Nhưng thời điểm này, kinh tế của xã không chỉ khôi phục mà còn tìm được hướng đi mới, hiệu quả hơn và bền vững hơn. Hàng trăm tỷ phú nông nghiệp đã xuất hiện, thành công đang được nhân rộng trong khắp các thôn, buôn.
"Dấu ấn nông nghiệp nổi bật nhất ở xã là trồng xen cây ăn trái vào vườn cà phê. Mỗt ha cho thu nhập từ 700 triệu đến 1 tỷ hai một vụ chỉ từ sầu riêng, chưa tính cà phê. Toàn xã có khoảng 300 hộ đạt được mức thu nhập này. Vì hiệu quá quá lớn của mô hình trồng xen, nên xã đã đưa mô hình này vào nghị quyết và đang được triển khai trên diện rộng", ông Nguyễn Phụng Minh chia sẻ.
Có thể nói, Ea Yông là mô hình thu nhỏ của toàn Tây Nguyên về sự hồi phục, phát triển kinh tế xã hội. Nhìn rộng ra toàn vùng, các mô hình trồng xen cây ăn trái đang được mở ra rộng khắp. Sau cà phê, Ngành Hồ Tiêu Tây Nguyên có bước phát triển vượt bậc và thành công rực rỡ từ Bắc Tây Nguyên tới nam Tây Nguyên.
Đặc biệt, Tây Nguyên đang nổi lên như một địa danh hàng đầu về phát triển nông nghiệp công nghệ cao, mà riêng tỉnh Lâm Đồng đã gây dựng được hơn 43.000 ha, giá trị sản xuất từ 400 triệu đồng đến 8 tỷ đồng/ha/năm.
Cùng với kinh tế, các vấn đề xã hội ở Tây Nguyên cũng được ưu tiên giải quyết tận gốc. Các chương trình 132, 134 của Chính phủ đã giúp giải quyết đáng kể tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất của bà con dân tộc thiểu số; chương trình 135 giúp phát triển toàn diện đối với các xã đặc biệt khó khăn. Đặc biệt, việc tổ chức cho các đơn vị, doanh nghiệp ở địa phương kết nghĩa, giúp đỡ các thôn, buôn đồng bào dân tộc thiểu số đã được tổ chức rộng khắp. Sau 15 năm, đến buôn làng nào ở Tây Nguyên, cũng thấy đơn vị kết nghĩa cũng dành được tình cảm trân trọng của bà con buôn Liêng.
Ông Y Krang, ở buôn Liêng Ông, xã Đăk Phơi, huyện Lak, tỉnh Đăk Lăk, cho biết: Đơn vị kết nghĩa luôn luôn quan tâm cả cơ sở vật chất và tinh thần với bà con, là bà con luôn luôn an tâm lao động sản xuất, không nghe kẻ xấu xúi giục, vững tin theo Đảng Nhà nước. Tuy rằng đất ít người đông, bà con cố gắng học hỏi khoa học kỹ thuật để chăm sóc cây trồng vật nuôi, cùng với sự giúp đỡ thường xuyên của đơn vị kết nghĩa, là bà con càng tiến bộ nhiều hơn.
Có sự phục hồi và phát triển đáng kể, nhưng 15 năm qua, Tây Nguyên cũng gánh chịu không ít tổn thương. Nặng nề nhất trong đó là tổn thương về môi trường, khi hơn 350 nghìn héc ta rừng đã biến mất. Diện tích rừng còn lại cũng suy kiệt nghiêm trọng, khiến cả hạn hán và lũ lụt đều gia tăng.
Hàng trăm doanh nghiệp được các tỉnh giao đất giao rừng để làm kinh tế, nhưng không đạt hiệu quả, ngược lại khiến tình trạng tranh chấp đất đai diễn ra phức tạp. Một số công trình thủy điện, khi xây dựng không tính hết tác động về xã hội, môi trường, đã khiến các địa phương không thể khắc phục được hậu quả.
Đây sẽ là những vấn đề lớn mà Ban chỉ đạo Tây Nguyên, cấp ủy, chính quyền các tỉnh trong khu vực sẽ tập trung khắc phục trong thời gian tới.
Ông Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban chỉ đạo Tây Nguyên, cho biết: Tập trung xử lý vấn đề đất đai là trọng tâm của khu vực Tây Nguyên trong năm 2017 và những năm tiếp theo. Thường trực Ban chỉ đạo Tây Nguyên sẽ nghiên cứu, đề nghị các bộ, ngành chức năng đánh giá thực trạng đất đai ở Tây Nguyên, quá trình xử lý tập trung vào các trường hợp chiếm đất trái phép.
Trưởng Ban chỉ đạo Tây Nguyên đề nghị Bộ TN-MT, Bộ NN-PTNT sớm tổ chức hội nghị chuyên đề về vấn đề này. Đồng thời Ban sẽ tham mưu với Chính phủ bổ sung, hoàn thiện quy định xử lý các hành vi phá rừng, phê duyệt phát triển thuỷ lợi Tây Nguyên, quan tâm đến bảo vệ nguồn nước Tây Nguyên./.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn