Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: VGP/Xuân Tuyến |
Ảnh: VGP/Xuân Tuyến |
Phó Thủ tướng cũng cho rằng, thị trường tiêu thụ sản phẩm, khả năng xúc tiến thương mại của làng nghề còn yếu. Các sản phẩm ngành nghề nông thôn gắn với du lịch còn ít, chỉ tập trung ở một số làng nghề truyền thống; Khi đến Việt Nam để tìm những sản phẩm thực sự, gắn với du lịch của địa phương, của cả nước thì chưa nhiều. Việc phát triển làng nghề còn tản mạn, thiếu sự quản lý tập trung, chưa thu hút được nguồn lực xã hội để tạo ra sản phẩm làng nghề đảm bảo sản xuất hàng hoá, có sức cạnh tranh cao. Sản phẩm hàng hóa của làng nghề có uy tín ở nhiều quốc gia song việc phát triển làng nghề gắn với du lịch, văn hóa du lịch cũng như việc phát huy giá trị truyền thống của làng nghề, đưa hình ảnh văn hóa Việt Nam ra thế giới thông qua các sản phẩm làng nghề còn hạn chế.
Ngoài ra, thực tế thời gian quan cũng cho thấy, doanh nghiệp còn chưa thực sự vào cuộc, chưa tạo động lực để thúc đẩy kinh tế phi nông nghiệp phát triển. Hoạt động của các HTX, tổ HTX còn lúng túng, chưa hiệu quả.
Phát triển sản phẩm phải gắn với thị trường
Theo Phó Thủ tướng, để phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống người nông dân. Một mặt phải tái cấu trúc nông nghiệp để tạo ra một nền sản xuất hàng hoá, có năng suất, chất lượng, có sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và thế giới. Một mặt phải đẩy mạnh phát triển kinh tế phi nông nghiệp ở nông thôn, bao gồm các sản phẩm ngành nghề truyền thống, các sản phẩm ngành nghề mới.
“Việc tái cấu trúc sản xuất nông nghiệp và phát triển kinh tế phi nông nghiệp có quan hệ hữu cơ, hỗ trợ nhau cùng phát triển, nâng cao thu nhập cho người dân”, Phó Thủ tướng nói.
Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, muốn tái cấu trúc sản xuất nông nghiệp, phải giảm số lượng lao động nông thôn, tích tụ ruộng đất. Cùng với đó, phải phát triển công nghiệp, lấy công nghiệp làm nền tảng để chuyển một phần lớn lao động từ nông nghiệp, nông thôn, tạo ra sản phẩm, nâng cao đời sống người dân.
“Tại nông thôn, một bài toán khó, nhưng rất quan trọng là phát triển kinh tế phi nông nghiệp, đưa công nghiệp về nông thôn, tạo ra vùng nông thôn phát triển trù phú với hạ tầng tốt, văn hoá, an ninh, trật tự, đời sống người dân được nâng cao. Phát triển kinh tế phi nông nghiệp cũng sẽ góp phần quan trọng để giảm dòng người dịch chuyển từ nông thôn ra các đô thị lớn”, Phó Thủ tướng nói.
Với cách tiếp cận này, theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm thì trước hết, việc phát triển sản phẩm phải bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá truyền thống của mỗi địa phương thông qua từng sản phẩm truyền thống. Cùng với đó, phải tạo ra những sản phẩm mới, ngành nghề mới, bảo đảm chất lượng, có thương hiệu, có sức cạnh tranh trên thị trường, gắn sản xuất với thị trường và phải lấy thị trường toàn cầu, thị trường thế giới làm mục tiêu, coi trọng thị trường trong nước.
Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh, việc thực hiện chương trình không chỉ được sản xuất tại một đơn vị hành chính mà phải nhân rộng để thực hiện các sản phẩm có chất lượng cao, quy mô sản xuất hàng hoá.
“Thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm phải tạo ra nhiều việc làm mới tại nông thôn, góp phần thúc đẩy tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng lãnh đạo Bộ NN&PTNT, tỉnh Quảng Ninh đánh giá cao nhiều sản phẩm đặc trưng, đặc sản của các địa phương trong tỉnh Quảng Ninh và một số địa phương lân cận. Ảnh: VGP/Xuân Tuyến |
Nhà nước đóng vai trò hỗ trợ
Trên cơ sở những định hướng lớn nêu trên, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng giao Bộ NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành Trung ương khẩn trương hoàn thiện thể chế, tạo hành lang pháp lý cũng như các cơ chế, chính sách cho phát triển ngành nghề phi nông nghiệp ở nông thôn, xây dựng cơ chế chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân phát triển kinh tế phi nông nghiệp.
Phó Thủ tướng yêu cầu phải tổ chức quy hoạch lại sản xuất ở nông thôn, bao gồm sản xuất nông nghiệp, phi nông nghiệp, bao gồm các sản phẩm, ngành nghề truyền thống, ngành nghề mới, xác định các sản phẩm chủ lực để ưu tiên huy động nguồn lực phát triển.
Trên cơ sở quy hoạch đã có, cần xây dựng kế hoạch thực hiện, trong đó phải nêu rõ các nguồn lực cần đáp ứng như vốn, lao động, khoa học công nghệ…, từ đó đề xuất các giải pháp để triển khai thực hiện.Việc huy động hiệu quả các nguồn lực để phát triển kinh tế phi nông nghiệp cũng được Phó Thủ tướng đặc biệt lưu ý.
“Người dân phải là chủ thể tham gia sản xuất, tạo ra sản phẩm; lấy doanh nghiệp, HTX, tổ HTX làm động lực cung cấp dịch vụ đầu vào, tổ chức sản xuất, lo vốn, khoa học công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng thương hiệu, tìm kiếm thị trường, tiêu thụ sản phẩm, phân chia lợi ích”, Phó Thủ tướng yêu cầu.
Cùng với đó, Nhà nước có vai trò hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân thông qua các cơ chế, chính sách, tạo điều kiện thuận lợi nhất về đất đai, vốn, đào tạo... để doanh nghiệp, người dân phát triển sản xuất kinh doanh.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền vận động để các cấp chính quyền, các tổ chức xã hội, doanh nghiệp, người dân cùng thực hiện. Ngoài ra, các địa phương cũng phải tạo điều kiện thật tốt để các nhà khoa học, các nhà tư vấn tham gia vào quá trình tạo ra sản phẩm, liên kết chuỗi giá trị.
Tác giả bài viết: Xuân Tuyến
Nguồn tin: baochinhphu.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn