11:06 EST Thứ sáu, 10/01/2025
CHỦ ĐỀ HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HCM CỦA VP ĐIỂU PHỐI NTM HÀ TĨNH "GƯƠNG MẪU, CHỦ ĐỘNG, TÂM HUYẾT, KHOA HỌC, HIỆU QUẢ"

Menu Hệ thống

Tư vấn chính sách
Văn bản Pháp luật
Văn bản Pháp luật
Điều hành tác nghiệp Hà Tĩnh
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn
Cổng Thông tin Điện tử Hà Tĩnh
Công báo Hà Tĩnh
Báo Nông nghiệp Việt nam
Khuyến nônng Việt Nam
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Tĩnh

TRANG CHỦ » Tin Tức » Thông tin khác


Đối tác chiến lược ngành in bạt quảng cáo

in bạt hiflex - in decal pp - in decal ngoài trời - in băng rôn

Người nông dân trả nợ ân tình

Chủ nhật - 13/03/2016 09:28
“Thưa bà con, tôi chỉ là một nông dân, đã trải qua gần 30 năm trong nghề nuôi tôm, nay được thành công, muốn chia sẻ hết những thành công đó đến tất cả người nuôi tôm”.
​Người nông dân trả nợ ân tình
Ông Dương Văn Hùng (phải) hướng dẫn kỹ thuật nuôi tôm “để được trúng lớn” cho nông dân xã Vĩnh Thắng, huyện Gò Quao (Kiên Giang) - Ảnh: Tấn Đức

Ông Dương Văn Hùng - 64 tuổi, giám đốc Công ty giống thủy sản Dương Hùng, trụ sở chính ở xã Long Điền Tây, huyện Đông Hải (Bạc Liêu) - bắt đầu buổi trò chuyện với hơn 100 nông dân nuôi tôm tại Kiên Giang như thế.

Lòng chân thành, sự nhiệt tình cùng với cách diễn đạt gãy gọn mà chi tiết của ông đã dần chinh phục những nông dân vốn không dễ dàng tiếp nhận cái mới đang ngồi bên dưới.

Tay trắng làm nên

Hơn 30 năm trước, do cuộc sống khó khăn, ông Hùng đã đưa vợ và năm người con rời quê hương Long Mỹ (Hậu Giang) về xã Long Điền Tây, huyện Đông Hải thuê đất lập vuông (ruộng nuôi tôm) nuôi tôm sú.

Dạo đó con tôm được xem là vật nuôi mới, đầy tiềm năng phát triển của các tỉnh ven biển vùng đồng bằng sông Cửu Long, nhưng phần lớn người nuôi tự phát, chưa có nhiều kinh nghiệm và con giống vẫn phải mua tận các tỉnh miền Trung với giá khá cao.

Sau mấy vụ nuôi có lời, ông mạnh dạn vay mượn thêm tiền mua hơn chục công đất, thuê người đào đắp bờ bao, mở rộng diện tích nuôi thả với hi vọng nhanh chóng thu hồi vốn.

Nhưng tính trước bước không qua, tôm đang lớn nhanh, còn chừng tháng sẽ thu hoạch thì bất ngờ bị bệnh chết hết. Nợ nần bủa vây, trong đó có khoản thuế Nhà nước hơn 1 triệu đồng. 

Suốt một tuần liền, loa truyền thanh mắc trên cột điện trước nhà cứ đọc ra rả danh sách người chưa nộp thuế, trong đó có tên ông. Bà xã ông bị “tra tấn” hoài chịu không nổi, nhiều lần khuyên ông bỏ con tôm, trở về quê cũ, thế nhưng ông vẫn nhất quyết đeo nghề.

Lại thêm một vụ thất bại, người vợ chịu hết xiết bỏ nhà ra đi, để lại năm đứa con đang tuổi ăn học. Nợ nần tứ giăng, ông Hùng bị người đời coi khinh đến nỗi khi có việc gấp, mượn chiếc xe máy cà tàng của đứa cháu đi công chuyện mà nó cũng không cho vì sợ ông mang đi bán.

Nhiều đêm suy nghĩ “tại sao ở miền Trung người ta không những nuôi tôm rất trúng mà còn biết cách cho tôm đẻ để mang con giống đi bán khắp nơi, trong khi mình cứ trầy trật mãi với nghề?”.

Trằn trọc mãi, ông đi tới quyết định táo bạo: gửi năm con nhỏ lại cho người em gái chăm sóc, gom mấy bộ đồ cũ bỏ vào chiếc giỏ đệm ra miền Trung đi tìm “thầy” học cách nuôi tôm, sản xuất tôm giống.

Một buổi tối cuối năm 1987, trên chuyến xe đò về Ninh Thuận, người phụ xe rất bối rối khi vị khách trên xe yêu cầu “cho tui xuống chỗ nào nuôi tôm trúng nhất”! “Trời đất ơi, làm sao chúng tôi biết được, với lại xe đâu có chạy ra tận mấy chỗ nuôi tôm” - phụ xe trả lời.

Cuối cùng, nhà xe đành đưa ông tới nhà trọ ngủ qua đêm...

“Sáng hôm sau tui tìm đến một trại nuôi tôm ở Ninh Chữ (Ninh Thuận) tình thiệt trình bày hoàn cảnh của mình và xin họ chỉ dạy cách nuôi tôm để sau này về quê làm lại từ đầu. Người chủ trại tôm chưa từng gặp mặt ban đầu còn do dự, nhưng thấy tui kiên trì quá đã hết lòng giúp đỡ” - ông Hùng nhớ lại.

Gần một năm ròng qua hàng chục trại tôm, từ Ninh Thuận qua Khánh Hòa, ông học được nhiều kinh nghiệm quý giá trong nghề nuôi tôm từ cách đào vuông, xử lý phèn, kiểm tra độ pH, độ kiềm, cách tạo tảo, phiêu sinh vật để làm thức ăn cho tôm mau lớn..., tới cách chọn con giống bố mẹ, cho tôm sinh đẻ và ương dưỡng tôm con.

Trở về Bạc Liêu, đem những kiến thức học được ra áp dụng, ông Hùng liên tiếp trúng liền mấy vụ tôm. Dần dà ông trả hết nợ, mua thêm đất, kết hợp nuôi tôm với mở trại sản xuất tôm giống.

Từ tay trắng, giờ đây ông đã có cơ ngơi cả trăm tỉ đồng gồm hơn 20ha ruộng tôm, 2 công ty và 16 chi nhánh sản xuất tôm giống ở các tỉnh ven biển miền Tây.

Trả nợ ân tình

Những người quen biết ông Hùng đều kể lại ấn tượng dễ gần về ông, một ông chủ rặc chất nông dân Nam bộ dù có trong tay hơn 600 lao động nhưng lúc nào cũng độc một kiểu trang phục quần tây đen, áo sơmi trắng cài cúc tay dù trời nắng hay mưa, nóng hay lạnh.

Và ở tuổi 64, ông vẫn đi lại như con thoi khắp các địa bàn xa xôi của miền Tây, cầm tay chỉ việc cho nông dân cách nuôi tôm “để được trúng lớn”.

Ông nói đó là cách để “trả nợ ân tình” cho những người nuôi tôm ở miền Trung đã hết lòng cưu mang, giúp đỡ và tận tâm truyền nghề cho ông.

Ông luôn nhắc người nuôi tôm đừng thả dày, tốn tiền mua giống nhưng hiệu quả không cao vì tôm không đủ thức ăn sẽ chậm lớn, rồi môi trường ô nhiễm, vật nuôi dễ sinh bệnh.

Ai tới mua giống, ông đều hỏi kỹ vuông nuôi rộng bao nhiêu rồi tính toán số lượng con giống phù hợp, dứt khoát không bán dư.

“Tui có 10 công đất, mang theo tiền đến trại giống Dương Hùng định mua 40 thiên (mỗi thiên 1.000 con) tôm giống về nuôi nhưng ông ấy chỉ bán 10 thiên, năn nỉ mua thêm mãi mà ổng cũng không chịu bán.

Người ta ai cũng muốn bán được thật nhiều để có lợi, còn ông chủ trại giống này ngược lại. Lạ thiệt” - chị Lâm Thị Hồng Tươi ở xã An Trạch, huyện Đông Hải nhớ lại. 

Không những vậy, sau khi thăm hỏi, biết chị Tươi nuôi tôm thường bị hao hụt, ông Hùng đã đến tận nơi xem địa hình, địa thế, môi trường xung quanh, nguồn nước... rồi hướng dẫn chị cách đo độ pH, độ kiềm, độ tảo, cách dùng vôi, vi sinh để xử lý khi nước trong vuông không đạt yêu cầu.

“Nghe ổng giải thích tui chưng hửng vì hồi nào tới giờ mình cứ thả đại, tới ngày thì bắt bán chứ nào biết đo lường gì đâu, nên tôm cứ bị “bể” hoài” - chị Tươi kể. 

Nhờ làm theo hướng dẫn của ông Hùng, vài năm sau chị đã trả hết nợ, sửa lại nhà và còn mua thêm 20 công đất, mở rộng diện tích nuôi tôm. Hôm chúng tôi đến, chị vừa mổ heo ăn mừng một vụ tôm trúng đậm, mang lại lợi nhuận trên 200 triệu đồng.

Vợ chồng anh Ca Văn Tư - Nguyễn Thị Đào ở cùng xã còn vui hơn. Nhà có 6 công đất nhưng vì anh bị liệt chân trái, còn chị bị teo chân phải, lại không có vốn nên cứ thiếu trước hụt sau.

Nghe kể hoàn cảnh, ông Hùng tìm đến, hướng dẫn vợ chồng anh Tư cách cải tạo vuông rồi cứ mỗi vụ nuôi từ 2-3 tháng ông đều gửi tôm giống đến cho.

Sau hai năm, vợ chồng anh Tư đã cất được nhà tường thay căn chòi xiêu vẹo và tự nguyện trả lại sổ hộ nghèo cho địa phương. Hiện tại, mỗi tháng anh chị đều đặn thu vào hơn chục triệu đồng từ vuông tôm.

“Đó là khoản thu mà trước đây có nằm mơ tui cũng không dám nghĩ tới” - chị Đào bày tỏ.

Vợ chồng anh Võ Tuấn Khoa, một hộ nghèo khác, cũng nhờ được ông Hùng hướng dẫn kỹ thuật nuôi tôm và tặng con giống mà mấy năm qua trả xong món nợ hơn 200 triệu đồng vay mượn để lo cho mẹ bị bệnh ung thư.

“Nhờ sự giúp đỡ chí tình của ông Hùng mà gia đình tui thoát được cảnh nghèo truyền kiếp” - anh Khoa nói.

Dường như thấy một mình trả nợ ân tình vẫn chưa đủ, những ngày đầu tháng 3 ông Hùng bắt đầu tuyển dụng thêm 20 kỹ sư thủy sản để cùng mình làm việc.

“Tôi chấp nhận trả lương cao để thu hút những kỹ sư giỏi về với công ty và cài cắm họ tại những địa bàn vùng sâu vùng xa, để họ sẵn sàng giúp đỡ người nuôi tôm vô điều kiện” - ông Hùng cho biết.

Tấm gương phấn đấu của nông dân

Ông Nguyễn Văn Sáng, phó chủ tịch UBND huyện Đông Hải, bày tỏ: “Từ nhiều năm qua, ngoài chương trình hỗ trợ kỹ thuật và con tôm giống cho hộ nghèo, ông Dương Văn Hùng còn tham gia nhiều hoạt động từ thiện xã hội khác với số tiền đóng góp mỗi năm hàng trăm triệu đồng.

Những việc làm thiết thực và đầy nghĩa cử của ông đã có tác động rất tốt, góp phần giúp địa phương hạ nhanh tỉ lệ hộ nghèo. Câu chuyện của ông có thể ví như một cổ tích giữa đời thường vậy”.

Còn bà Thạch Thị Duyên Thy - trưởng ban kinh tế Hội Nông dân tỉnh Bạc Liêu, người có nhiều năm gắn bó với các phong trào nông dân giúp nhau làm kinh tế - nhận xét:

“Không chỉ nỗ lực vươn lên làm giàu cho bản thân, ông Hùng còn không quản ngại khó khăn tìm đến những vùng nông thôn nghèo khó để trao cả “cần câu” và “con cá”, giúp nhiều hộ dân khó khăn vươn lên thoát nghèo. Tấm gương phấn đấu và những việc làm thiện nguyện không mệt mỏi của ông đã thúc đẩy ý chí vươn lên cho nhiều nông dân”.

Ông Hùng được nhớ ơn

Qua sáu năm trả nợ ân tình bằng cách truyền kinh nghiệm, kỹ thuật nuôi tôm và tặng con giống cho hộ khó khăn, ông Hùng đã giúp nhiều gia đình thoát nghèo và có cuộc sống sung túc hơn.

Ông Lý Quốc Khánh - chi hội trưởng nông dân ấp 6, xã Khánh Hòa, huyện U Minh (Cà Mau) - nói nhờ khóa hướng dẫn kỹ thuật nuôi tôm của ông Hùng mở tại địa phương hồi năm 2012 mà cuộc sống của hơn 100 hộ dân ở đây khá lên trông thấy.

Ngay như gia đình ông Khánh có 16 công đất, trước đây mỗi năm chỉ làm một vụ lúa vào mùa mưa (do thiếu nước ngọt), gói ghém lắm mới đủ lo cho cả nhà tám miệng ăn.

Từ khi nuôi tôm quãng canh theo hướng dẫn của ông Hùng, thu nhập của gia đình ông đã tăng gấp 5 lần.

“Một vụ tôm kéo dài khoảng 2-3 tháng tôi thu lợi chừng 150 triệu đồng. Cạnh nhà tôi có anh Đỗ Minh Tuấn cũng vừa bán tôm, lãi 270 triệu đồng, anh Lý Bình An lãi 200 triệu đồng...” - ông Khánh kể.

Theo Tuổi trẻ
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Thư viện Hình ảnh



Thăm dò ý kiến

Đánh giá kết quả thực hiện Chương trình NTM nên theo chỉ tiêu nào?

Số xã về đích (đạt 19/19 tiêu chí)?

Tổng số tiêu chí đạt chuẩn?

Tổng mức độ tiến bộ của tất cả các tiêu chí (theo phương pháp chấm điểm)?

Phương án khác?

Thời tiết - Tỷ giá

Thống kê

Đang truy cậpĐang truy cập : 231

Máy chủ tìm kiếm : 1

Khách viếng thăm : 230


Hôm nayHôm nay : 50633

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 370336

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 73417307