Anh Đương kể, năm 2015, Hội ND phường Vàng Danh tổ chức cho 16 hội viên, nông dân trong thôn Miếu Thán và phường Vàng Danh về tỉnh Thái Bình học hỏi các mô hình sản xuất nông nghiệp. Tại đây, nhiều đại biểu chú ý đến mô hình trồng cây hòe lấy hoa và nụ làm dược liệu. Sau đợt tham quan học hỏi, nhiều bà con muốn xây dựng mô hình trồng cây hoa hòe, nhưng ai cũng e ngại và không tin thổ nhưỡng vùng đồi núi Vàng Danh thích hợp với cây hòe. Riêng anh Đương thì rất tin, đất đồi núi ở quê hương vùng than có thể trồng được loại cây dược liệu này.
Anh Trương Quang Đương và cây hòe đã có hoa. Ảnh Q.H
Anh Đương thổ lộ: “Nghĩ như vậy nên tôi một mình 1 xe máy rong ruổi trở lại Thái Bình suốt 1 tuần. Tôi lần lượt tham quan, tìm hiểu tại 4 cơ sở trồng, thu hoạch và sơ chế hoa hòe. Tại đây, tôi tỉ mỉ, cẩn thận học hỏi kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hái và sơ chế loại cây dược liệu này. Sau khi dày công học hỏi, tôi đầu tư mua 350 cây hòe giống về ươm trồng thí điểm tại diện tích 0,5ha vườn đồi của gia đình”.
Tích cực chăm bón theo kiến thức, kinh nghiệm đã học được, sau 1 năm, từ lúc cây giống mới nhú khỏi mặt đất vài chục cm, đến nay những cây hòe đã vươn cao hơn 1m, có cây vươn tới 1,3-1,5m. Nhiều cây đã bắt đầu trổ hoa trắng bắt mắt và dậy mùi thơm báo hiệu một mùa thu hoạch khá, khẳng định thêm một loại cây trồng mới có hiệu quả cao, phù hợp với thổ nhưỡng địa phương…
Bằng lòng say mê theo đuổi cây hoa hòe, thành công trong việc đưa loại cây này từ đồng bằng lên miền núi, anh Trương Quang Đương đã tạo niềm tin, động lực để nhiều hộ nông dân trong vùng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có giá trị theo hướng hàng hóa…
Theo Quang Huy/ Dân Việt
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn