Thương binh Huỳnh Văn Tánh đang chăm sóc vườn cây.
Chúng tôi đến thăm trang trại của ông Tánh vào một buổi chiều mưa. Năm nay ông Tánh đã ở vào độ tuổi 60, nhưng tay chân thì chưa ngừng nghỉ, đấy cũng là cái thói quen hay lam hay làm của người nông dân. Mà làm kinh tế trang trại nữa, có lúc nào hết việc đâu, không tưới nước, bón phân thì cũng làm cỏ, tỉa cành.
Nhưng bây giờ thì nỗi mệt nhọc của người thương binh đó như được vơi đi sau một ngày làm việc, bởi không những từ màu xanh của khu vườn mang lại qua bàn tay chăm sóc của mình, mà thành quả lao động của ông cũng được đền đáp từ nguồn thu nhập khá ổn định của vườn cây trái, lâm sinh qua mô hình kinh tế trang trại này.
Nhớ lại quãng đời tham gia cách mạng của mình, ông Tánh kể: Hồi đó quê ông nằm ở vùng căn cứ kháng chiến nên ông được giáo dục, tiếp thu lý tưởng cách mạng rất sớm. Mới năm 13 tuổi (1964) ông đã tham gia cách mạng, đến năm 18 tuổi (1969) thoát ly lên núi ở huyện Tuy Hòa 2 (nay là Phú Hòa), làm công tác thông tin, trinh sát thuộc Huyện đội bộ.
Năm 1970, trong một lần đi công tác ở núi Chà Rang, xã Hòa Vang đã chạm trán với lính Nam Triều Tiên, ông bị thương đưa đi điều trị ngoài Bắc. Đến năm 1974 trở lại vào Nam điều sang công tác ở ngành công an, thuộc Ban An ninh Tuy Hòa.
Từ đó đến năm 1991 ông công tác trong ngành công an với cấp bậc Đại úy, qua các chức vụ Đội trưởng Đội cảnh sát kinh tế, giám thị trại giam, rồi Trưởng Đồn công an thị trấn.
“Khi về hưu năm 1991, kinh tế gia đình quá khó khăn do con còn nhỏ, thương tật tái phát tưởng chừng không vượt qua nổi” - ông Tánh nhớ lại. Vì lúc đó ruộng đất cũng chưa chia, thu nhập chính từ đi làm thuê mướn khắp nơi nên cuộc sống rất cơ cực.
Rồi đến năm 1992, khi nhà nước có chủ trương trồng cây gây rừng, phủ xanh đất trống đồi núi trọc theo chương trình PAM. Lúc này không ít nông dân còn ngại khó, chưa tin vào mô hình làm kinh tế lâm nghiệp này, vì thiếu vốn liếng, nhân lực, lại là cây dài ngày. Nhưng lúc này ông Tánh đã nhìn thấy được hướng phát triển kinh tế lâm nghiệp từ trồng rừng này, nhờ biết nhìn ra trông rộng với quyết tâm làm ăn theo phương thức lấy ngắn nuôi dài. Ông Tánh đã xin đất trồng rừng, lập trang trại.
“Lúc ấy ở đây núi rừng hoang vu lắm, người dân chưa đến đây ở, chưa có đường đi, điện đóm nên đi làm rất khổ, hiu quạnh” - ông Tánh kể. Nhưng nếu ngại khó chùn bước không quyết tâm làm thì làm sao phát triển. Thế rồi ông phát quang rừng trồng bạch đàn, cũng nhờ vốn hỗ trợ của nhà nước và vốn vay. Mỗi năm quát quang và trồng một ít. Để lấy ngắn nuôi dài, ông trồng thêm hoa màu như ổ qua, dưa leo, ớt cà để có thu nhập.
Song song với trồng rừng là cây bách đàn, ông cũng bắt đầy trồng cây ăn quả lâu năm như mít, mãng cầu. Qua 5 năm sau, kinh tế gia đình ông Tánh đã bắt đầu ổn định nhờ có nguồn lợi thu nhập từ rừng và cây ăn quả. Khi đã có được thu nhập, gia đình ông tiếp tực mở rộng sản xuát và đến nay gia đình ông Tánh đã hình thành được mô hình kinh tế trang trại khá hiệu quả. Bao gồm 5 ha vườn cây ăn quả. Ngoài 5 ha cây ăn quả, ông Tánh còn trồng 7 ha rừng gồm bạch đàn, keo, xà cừ, đã cho thu hoạch 4-5 lứa rồi.
Với mô hình sản xuất rừng, vườn nhà trên 12 ha đó, theo ông Tánh mỗi năm trừ đi chi phí gia đình ông cũng lãi từ 100 đến 150 triệu đồng. Nhưng không chỉ lo cho kinh tế gia đình mình, ông Tánh còn nghĩ đến việc giúp cho bà còn nông dân quanh vùng phát triển kinh tế từ mô hình kinh tế trang trại của mình để cùng nhau thoát nghèo.
Năm 1998 ông đứng ra xin thành lập Tổ hợp tác Sơn Ngọc để tập hợp các thành viên cũng là những nông dân tham gia làm kinh tế trang trại hỗ trợ lần nhau về vốn, giống cây trồng, kỹ thuật và kinh nghiệm làm ăn. Lúc đầu các ngành chức năng ở địa phương cũng còn ngại với mô hình mới này. Nhưng sau này thấy gia đình ông và ông dân quanh vùng làm ăn hiệu quả mới cho thành lập và cùng với Phòng NN&PTNT, Hội Nông dân vào cuộc hỗ trợ nông dân kỹ thuật, vốn liếng. Tổ hợp tác Sơn Ngọc lúc đầu có 21 thành viên nay đã lên 56 thành viên, do ông Tánh làm Tổ trưởng.
Ông Tánh nhớ lại, năm 1998, tại Hội nghị toàn quốc biểu dương nông dân sản xuất giỏi tại Quy Nhơn, ông đã báo cáo tham luận về mô hình Tổ hợp tác làm kinh tế trang trại đã được đông đảo các đại biểu chú ý lắng nghe như một mô hình mới.
Sau đó trong chuyến công tác tại địa phương, Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn đã đến thăm mô hình kinh tế trang trại của ông và đánh giá cao tính hiệu quả của mô hình kinh tế vườn rừng và khuyến khích người dân có điều kiện phát huy làm kinh tế trang trại.
Không chỉ là người đầu tàu giúp đỡ người dân trong vùng phát triển kinh tế trang trại, ông Tánh còn là người đi đầu ở địa phương tham gia các hoạt động xã hội để giúp người dân còn nghèo khó vươn lên. Như gương mẫu tham gia đóng góp các quỹ vì người nghèo, quỹ đền ơn đáp nghĩa để giúp đỡ người nghèo làm nhà ở, làm nhà tình nghĩa cho đối tượng chinh sách có công.
“Vì hơn ai hết mình cũng đã từng trải qua một thời khó khăn, một người thương binh nên bây giờ kinh tế đã phát triển ổn định thì mình phải có trách nhiệm chia sẻ với cộng đồng xã hội để giúp đỡ những người có công với nước còn khó khăn và các đối tượng yếu thế trong xã hội” - ông Tánh tâm sự.
The daidoanket.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn