Với hơn 40 năm kinh nghiệm trồng chè, trong quá trình sản xuất ông thấy rằng việc sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật tràn lan đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường sống, sức khỏe của người nông dân và chất lượng của nông sản. Vì vậy, ông đã nung nấu ý tưởng sản xuất nông nghiệp sạch, đặt sức khỏe của người sử dụng và bảo vệ môi trường lên hàng đầu.
Năm 2018, ông Bảy tham gia lớp tập huấn về sản xuất nông nghiệp hữu cơ do Hiệp hội Nông nghiệp Hữu cơ Việt Nam tổ chức tại huyện. Sau lớp tập huấn ông bắt tay vào hiện thực hóa các ý tưởng sản xuất nông nghiệp sạch với mong muốn sẽ kéo được nhiều nông dân cùng mình áp dụng. Ông quyết định chuyển đổi toàn bộ diện tích 1 ha trồng chè của gia đình sang sản xuất theo hướng hữu cơ. Khi mới chuyển đổi, năng suất chè sụt giảm đến 90%, cả vườn chè cháy đen do bị bọ xít muỗi, bọ cánh tơ phá hoại. Trước đây, mỗi năm nhà ông thu từ 3 đến 4 tấn chè búp tươi, sau chuyển đổi, thu về chưa đầy 50 kg. Ông kể, nhìn vườn chè mà lòng mình xót, công sức cả đời chăm chút, con cái được nuôi ăn học nên người cũng nhờ cả vào chè. Bà con trong làng, người ác ý thì bảo ông gàn dở, tự tay mình phá kế sinh nhai; người thông cảm thì khuyên hai vợ chồng nên quay lại cách thức sản xuất cũ.
Không nản chí, ông Bảy quyết tâm theo đuổi ý tưởng của mình. Ông dồn sức cải tạo vườn chè; sâu bệnh gây hại nhiều thì ông mua tỏi, ớt, gừng, thuốc lào, rượu… về ủ thành thuốc trừ; ông thu mua phân chuồng, học cách phối trộn, ủ thành phân vi sinh chăm chút cho từng gốc chè. Không phụ công người, cuối năm 2018, vườn chè của ông Trần Khắc Bảy hồi sinh, những thiên địch có lợi bắt đầu phát triển như bọ cánh cứng, kiến, bọ ngựa... Ông khoe, năm 2019 năng suất chè của gia đình ông đạt hơn 2 tấn chè búp tươi/ha, tương đương với 4 tạ chè khô. Đặc biệt, giá bán mỗi cân chè thành phẩm của gia đình ông được khách đặt mua với giá hơn 600.000 đồng, cao gấp 6 lần chè thường.
Ông Bảy khẳng định: “Chỉ có sản xuất hữu cơ, tạo ra những sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn cho sức khỏe của người tiêu dùng gắn với bảo vệ môi trường mới đem lại sự phát triển bền vững cho nền nông nghiệp hiện đại”. Do đó, không chỉ nỗ lực thay đổi nhận thức, cách làm của các thành viên trong gia đình, ông còn tăng cường vận động các hộ dân trong thôn cùng nhau thay đổi phương thức canh tác để hướng đến sản xuất bền vững.
Theo Trưởng thôn Đồng Đài, thôn có 59 hộ dân thì có hơn 40 hộ gia đình trồng chè với hơn 20 ha. Cây chè được coi là kế sinh nhai, là cây trồng chủ lực của những người dân nơi này. Trước đó, thôn Đồng Đài đã có 5 ha chè được chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP. Khi mô hình trồng chè theo hướng hữu cơ của ông Trần Khắc Bảy thành công, huyện đã có chính sách hướng dẫn, hỗ trợ người dân chuyển đổi từ sản xuất theo cách truyền thống sang sản xuất theo hướng hữu cơ và nhiều người trồng chè ở Đồng Đài đã đăng ký làm theo. Đến thời điểm này, đã có ít nhất 4 hộ dân với 5 ha chè 7 – 8 năm tuổi và 3 ha chè trồng mới của người dân chuyển đổi theo hướng sản xuất này. Phòng Nông nghiệp huyện đã tổ chức cho các hộ dân được tập huấn kỹ thuật sản xuất nông nghiệp hữu cơ, hỗ trợ phân vi sinh, chế phẩm sinh học, cấp cây giống để trồng mới 3 ha.
Bà Trần Thị Hòa là một trong những hộ trồng chè trong thôn tự tin nói, giai đoạn khó nhất là giai đoạn thử nghiệm, nền tảng mà ông Bảy đã làm được thì những người trồng chè lâu năm như bà sẵn sàng chấp nhận rủi ro, bỏ không vườn 1 năm để sản xuất theo cách mới.
Năm 2018, Làng nghề chè Đồng Đài chính thức được UBND tỉnh công nhận với trách nhiệm đưa hương chè Đồng Đài bay xa hơn, đến với người tiêu dùng nhiều hơn, từ đó Hợp tác xã dịch vụ sản xuất – chế biến chè Sơn Trà Đồng Đài được thành lập.
Ông Lê Trấn Uy - Giám đốc Hợp tác xã cho biết, Hợp tác xã có 8 thành viên thì hầu hết các thành viên đã sản xuất chè theo hướng hữu cơ. Để giải bài toán về lao động, hợp tác xã tập hợp những hộ trồng chè thành từng nhóm. Đến mùa thu hoạch, từng nhóm hộ đổi công cho nhau để sản xuất, thu hoạch kịp thời đảm bảo lứa hái và chất lượng. Phòng Nông nghiệp huyện Sơn Dương cũng đã đầu tư hệ thống tưới tự động cho 5 ha chè, hỗ trợ hợp tác xã máy hút chân không, xây dựng nhãn hiệu sản phẩm, nhãn mác và tem truy xuất nguồn gốc, hiện đại hóa những công đoạn cần thiết để nâng tầm sản phẩm chè Đồng Đài.
Hương chè Đồng Đài, cùng với những vị chè Vĩnh Tân, Thôn Cảy, Liên Phương, Yên Thượng, Đồng Hoan… đang làm nên sắc hương riêng cho nghề chè ở Sơn Dương. Đặc biệt hơn, khi diện tích chè sản xuất theo hướng hữu cơ không ngừng được mở rộng, những người tiên phong như ông Trần Khắc Bảy có quyền tự hào vì sản phẩm sạch trăm phần trăm “Made in Đồng Đài” của mình đã vươn đến những thị trường rộng lớn và cao cấp hơn./.
Trần Thị Thường - Trung tâm Khuyến nông Tuyên Quang
Nguồn tin: khuyennongvn.gov.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn