Anh Nguyễn Văn Hiển - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thương mại và Đầu tư Chanh Việt (bìa phải), giới thiệu các sản phẩm chế biến từ chanh không hạt của công ty
Kỹ sư xây dựng trở thành ông chủ vườn chanh
Anh Nguyễn Văn Hiển - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thương mại và Đầu tư Chanh Việt, cho biết, nghề chính của anh là xây dựng. Trong một lần cùng những người bạn đến Bến Lức, thấy vùng đất dọc Quốc lộ N2 còn hoang hóa, anh quyết định gom góp tiền, mua gần 30ha. “Ban đầu, chúng tôi chỉ có ý định làm trang trại nhỏ cùng bạn bè vui thú điền viên, tránh xa ồn ào đô thị trong những ngày nghỉ cuối tuần” - anh tâm sự.
Nhưng tiếc đất bỏ hoang, anh quyết định đầu tư, phát triển nông nghiệp trên vùng đất này. Loay hoay tìm hiểu mãi mà anh vẫn không tìm được cây trồng phù hợp. Nhiều lần ngược xuôi đến Viện Cây ăn quả miền Nam, Đại học Nông Lâm xin ý kiến các chuyên gia nông nghiệp, đồng thời hỏi thăm kinh nghiệm của nông dân quanh vùng..., cuối cùng, anh quyết định khởi đầu với cây chanh không hạt.
Anh quyết định trồng chanh theo phương pháp hữu cơ, gắn với thị trường xuất khẩu để tăng giá trị. “Đây là hướng đi bền vững lại không cạnh tranh với những nông dân quanh năm chân lấm, tay bùn nơi đây” - anh tâm sự.
Năm 2012, anh và các cộng sự xây dựng mô hình trồng chanh không hạt theo kỹ thuật mới tại xã Thạnh Lợi, huyện Bến Lức. Hàng loạt phương tiện, máy móc hiện đại và nhân công được điều động đến để cày xới, khai mương, đắp đường, lên luống,... Điện 3 pha, đường bêtông cũng được anh thực hiện vừa để thuận lợi trong sản xuất, vừa làm một việc thiết thực cho người dân địa phương,... Cứ thế, đến nay, diện tích trồng chanh của Cty lên đến 150ha. Thương hiệu CHAVI của công ty với các sản phẩm có giá trị dần vươn tầm, chinh phục thị trường thế giới.
Nâng giá trị cây chanh
Người mang chanh đi xuất ngoại đầu tiên có lẽ không phải anh, nhưng hiện tại, người nâng cao giá trị cho cây chanh Long An thì chắc chắn, anh là người đầu tiên.
Theo anh Hiển, ban đầu, khi đầu tư vào cây chanh, anh và các cộng sự trồng chanh tuân thủ các tiêu chuẩn kỹ thuật của châu Âu. Tuy nhiên, trồng theo phương pháp này, số lượng trái đạt tiêu chuẩn xuất khẩu chỉ chiếm 30-40% sản lượng. Phần còn lại, nếu bán ra thị trường thì giá trị sẽ rất thấp lại cạnh tranh trực tiếp với nông dân. Điều này thôi thúc anh suy nghĩ, phải có thêm các sản phẩm khác ngoài xuất khẩu chanh thô mới có thể nâng hiệu quả cây chanh.
Một lần nữa, anh tìm đến các nhà khoa học để hợp tác, nghiên cứu các sản phẩm từ chanh. Nước cốt chanh là sản phẩm đầu tiên công ty thực hiện. Qua các bài kiểm tra khắt khe từ đối tác Nhật Bản, cuối cùng, sản phẩm của công ty cũng được chấp nhận. Chưa dừng lại ở đó, đến nay, công ty còn cho ra đời các sản phẩm: Nước giải khát, bột chanh gia vị, bột chanh hòa tan, muối chanh,... được phân phối rộng khắp thị trường trong nước và xuất khẩu sang các quốc gia và vùng lãnh thổ: Châu Âu, Trung Quốc, Đài Loan, Trung Đông, các nước Đông Nam Á,... Công ty tiến hành ký kết nghĩa, nghiên cứu với Chapman University của Mỹ và Universiti Putra của Malaysia trong việc phát triển các sản phẩm từ cây chanh.
Theo anh Hiển, để phát triển nông nghiệp hiệu quả, nhất thiết phải có chiến lược xây dựng chuỗi sản phẩm từ chính cây trồng theo hướng canh tác bền vững, nông dân hay doanh nghiệp phải biết liên kết nhà khoa học, cùng nâng cao chuỗi giá trị cho sản phẩm nông nghiệp. Có như vậy, doanh nghiệp khi đầu tư vào nông nghiệp và nông dân mới có thể làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Và anh cho biết, con đường phía trước còn rất dài, thành công hôm nay chỉ là bước đệm cho tương lai./.
Kiên Định/ Báo Long An
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn