CMCN 4.0 sẽ thay đổi toàn diện nền nông nghiệp
Là một trong những trụ cột quan trọng của nền kinh tế, đóng góp quan trọng vào tiến trình phát triển đất nước nhưng nông nghiệp Việt Nam vẫn phát triển thiếu bền vững, năng suất lao động thấp và hiện đang đối mặt với nhiều vấn đề nan giải (giá trị gia tăng thấp, an toàn thực phẩm không đảm bảo…). Phương thức sản xuất nông nghiệp vẫn chủ yếu dựa trên quy mô sản xuất hộ gia đình nhỏ lẻ, manh mún, DN, hợp tác xã chậm phát triển; sản xuất kinh doanh nông nghiệp thiếu liên kết…
Quy mô, sạch và cạnh tranh là những yêu cầu tất yếu để nền nông nghiệp vượt lên |
Đáng chú ý, TS. Đặng Kim Sơn, thành viên Hội đồng Lý luận Trung ương, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã chỉ ra hai thách thức lớn khác hiện nay của nông nghiệp Việt, đó là nguy cơ chuyển sang trạng thái “nông nghiệp gia công” và thách thức từ CMCN 4.0.
Nền nông nghiệp đang có nhiều biểu hiện chuyển sang dạng gia công như đã xảy ra trong công nghiệp. Hệ thống đại lý và thương lái đang hoạt động ngày càng mạnh và không chỉ buôn bán vật tư và khâu đầu ra đơn thuần nữa mà còn làm cả tín dụng và nhiều vấn đề khác. Đáng lưu ý hơn là đang xuất hiện hiện tượng một số công ty xuyên quốc gia kết nối và trả lương thẳng với hệ thống đại lý này.
Bên cạnh đó, trong luật của chúng ta cấm nông dân nước ngoài không được lấy đất của Việt Nam để làm trang trại nhưng thực tế như ở Lâm Đồng đã có một loạt trang trại xuất hiện người Nhật, người Hàn Quốc vào đầu tư trực tiếp. Những diễn biến như vậy cho thấy một nguy cơ nền nông nghiệp của chúng ta chuyển sang thành nền nông nghiệp gia công là không thể loại trừ.
Trong khi đó, dù CMCN 4.0 được nhận định mang lại rất nhiều cơ hội nhưng thách thức cũng rất lớn. Theo đó những việc xưa nay phàm không phải là người nông dân thực thụ hiểu được quy trình sinh học của cây - con thì không ai khác có thể làm được, nhưng hiện nay - với tiến bộ của khoa học công nghệ - thì đều có thể làm được.
Với CMCN 4.0, lần đầu tiên trong lịch sử loài người, mức độ quản lý vượt ra khỏi quy mô của nông hộ. Nói cách khác là các DN hoàn toàn có thể nhảy vào làm nông nghiệp thay cho nông dân. Điều này làm thay đổi quan điểm bấy lâu nay cho rằng những công việc “thuần nông” thì chỉ có nông dân mới làm được.
Bởi chỉ cần sở hữu các công nghệ mới với hệ thống cảm biến, hệ thống Internet vạn vật (IoT), hệ thống trí tuệ nhân tạo và các thiết bị đi kèm thì khả năng quản lý là vô cùng. Từ khâu chăm sóc bón phân, tưới nước, xử lý sâu bệnh… đều có thể quản lý, giám sát đến từng vùng, từng vị trí.
“Những phát triển và ứng dụng của CMCN 4.0 vào nông nghiệp đang và sẽ làm thay đổi toàn bộ cách quản lý, giám sát nông nghiệp” – TS. Đặng Kim Sơn nhận định và cho biết trong tương lai gần, một nông hộ có khả năng áp dụng công nghệ tương đối tốt thì việc quản lý vài trăm tới vài nghìn hecta là hoàn toàn trong tầm tay, kể cả trong lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt hay thủy sản. Lúc đó thì DN hoàn toàn có thể thuê người lao động và người lao động ấy không phải nhất thiết “sống chết” để tăng được năng suất như cách nghĩ trước đây mà họ chỉ cần đảm bảo làm đúng các công việc và kỹ thuật được giao.
Cần chuỗi liên kết và nông dân lớn
Trong bối cảnh mà CMCN 4.0 có thể mang đến những thay đổi chưa từng có trong lịch sử nông nghiệp như vậy, các chuyên gia cho rằng đây là lúc mà chúng ta phải hành động để đưa nông nghiệp phát triển vượt lên và bền vững. Trong đó, theo PGS.TS. Vũ Trọng Khải, thành viên Liên minh Nông nghiệp, muốn nâng cao vị thế của nền nông nghiệp Việt Nam phải đi theo hướng phát triển chuỗi liên kết nông nghiệp.
Trong chuỗi đó, hai đối tượng quan trọng nhất là nhà DN và nhà nông. DN cần giải quyết được các vấn đề trọng yếu nhất mà nhà nông dân không giải quyết được gồm: Thị trường, thương hiệu, công nghệ và vốn.
“Đấy là những đầu công việc mà chỉ có DN mới làm được cho nên DN phải là người đứng ra tổ chức các chuỗi đó. Muốn vậy về mặt chính sách, Nhà nước cần miễn, giảm thuế thu nhập 2-3 năm cho tất cả những DN nào có thể đứng ra lãnh đạo các chuỗi liên kết trong một quy mô hay lĩnh vực nào đó và đưa vào các phương thức công nghệ cao”, PGS.TS. Vũ Trọng Khải đề xuất.
Theo PGS.TS. Khải việc xảy ra tình trạng người nông dân “bẻ kèo” trong các hợp đồng ký kết với DN là vì diện tích đất nông nghiệp của họ quá nhỏ. Người nông dân chỉ có 5 - 7 công đất trồng lúa thì họ sẽ sẵn sàng bẻ kèo nếu được thương lái trả giá cao hơn dù chỉ 50 đồng/kg lúa so với giá ký kết với DN. Nhưng nếu nông dân có 10 đến 15 hecta lúa thì lúc đó chắc chắn họ không dám bẻ kèo.
Ở Đồng bằng sông Cửu Long, 1 hecta mỗi năm người nông dân thu hoạch ít nhất 10 tấn lúa. Vậy nếu người ta có 10 hecta là 100 tấn lúa và nếu bẻ kèo thì họ sẽ đổ lúa đi đâu? Nên vấn đề ở đây là phải có nông dân lớn. Mà muốn có nông dân lớn thì phải có tích tụ ruộng đất.
Hiến pháp 2013 có quy định quyền sở hữu đất đai được sử dụng như quyền tài sản (như tại Điều 54 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Người sử dụng đất được chuyển quyền sử dụng đất, thực hiện các quyền và nghĩa vụ theo quy định của luật. Quyền sử dụng đất được pháp luật bảo hộ”.
Như vậy, quyền sử dụng đất trở thành đối tượng của giao dịch - là một loại tài sản). Các chuyên gia cho rằng, nếu thực hiện được triệt để quy định này, cho phép đất đai được mua bán với nhau như tài sản và Nhà nước không quyết định về giá mà để thị trường tự quyết định thì câu chuyện tích tụ đất đai trong nông nghiệp sẽ được giải quyết. Tuy nhiên để thực hiện được điều này, các chuyên gia cho rằng cần phải có những sửa đổi trong Luật Đất đai 2013. Cụ thể như PGS.TS Vũ Trọng Khải đề xuất, cần xem xét loại bỏ Điều 62 trong luật này.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý việc tổ chức hội nghị bàn về giải pháp thúc đẩy tập trung đất đai phục vụ sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp. Thủ tướng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Ban Kinh tế trung ương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan liên quan chuẩn bị nội dung hội nghị. Trong đó tập trung đánh giá thực trạng, nhu cầu thực tiễn, kinh nghiệm và sự cần thiết phải tích tụ, tập trung đất đai phục vụ sản xuất nông nghiệp và phát triển kinh tế-xã hội; xác định rõ các khó khăn, vướng mắc, các bất cập chủ yếu trong quá trình thực hiện tích tụ, tập trung đất đai. Đồng thời, đề xuất các giải pháp tháo gỡ về cơ chế, chính sách, cách thức tổ chức thực hiện...; xác định các nhiệm vụ cần phải tiến hành, cơ quan, tổ chức chủ trì thực hiện, thẩm quyền và lộ trình thực hiện. |
Đỗ Lê/thoibaonganhang.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn