Cần nhận thức đúng về tài nguyên nước
Do tác động của BĐKH, Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng suy giảm cả nguồn nước mặt và nguồn nước ngầm. Trong khi đó, mực nước biển có xu hướng dâng cao, triều cường và xâm nhập mặn ngày càng gia tăng. Cùng với quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa, sự gia tăng dân số, nhu cầu về nước cho sản xuất, đời sống tiếp tục tăng nhanh đã và đang đe dọa đến ANNN ở Việt Nam.
Mô hình trồng rau hữu cơ với phương pháp tưới hiện đại, tiết kiệm nước của Công ty TNHH Đầu tư sản xuất phát triển nông nghiệp VinEco (VinEco) ở Vĩnh Phúc. Ảnh: Hải Đăng
"Chúng ta cần phải thay đổi nhận thức và hành động ở mỗi địa phương, mỗi ngành, đoàn thể, cá nhân trong bảo đảm ANNN... Các nhà quản lý, nhà khoa học phải đưa ra nhiều thông tin, giải pháp hữu ích liên quan đến việc bảo đảm an ninh nguồn nước trong bối cảnh BĐKH rõ rệt như hiện nay...". GS-TS Trần Đình Hòa |
GS-TS Trần Đình Hòa - Phó Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam cho biết: Việt Nam có hơn 2.360 con sông, 108 lưu vực sông, trong đó có 16 lưu vực sông, với diện tích lưu vực lớn hơn 2.500km2. Tổng lượng nước mặt trung bình vào khoảng 830 tỷ m3/năm (nguồn nước dưới đất khoảng 63 tỷ m3/năm) và tập trung chủ yếu trên một số lưu vực sông lớn.
Đáng chú ý, theo chỉ tiêu đánh giá của Hội Tài nguyên nước quốc tế, quốc gia được coi là thiếu nước nếu không đạt 4.000m3/người/năm. Với dân số Việt Nam như hiện nay, bình quân đầu người Việt Nam chỉ nhận được khoảng 3.370m3/năm từ nguồn nước nội sinh.
"Trong khi đó, phần lớn người dân Việt Nam vẫn suy nghĩ nguồn nước là vô tận, chưa hiểu đúng về vai trò của nước và mối nguy hại khi thiếu nước. Ngay như Đồng bằng sông Cửu Long, cơ cấu sử dụng nước cho nông nghiệp chiếm khoảng 75%, cho nên nếu ý thức về sử dụng tiết kiệm và hiệu quả nguồn nước không được đầy đủ sẽ ảnh hưởng rất lớn đến ANNN. Vì vậy, nguy cơ thiếu nước đối với Việt Nam không chỉ còn là dự báo, mà đã hiện hữu ở rất nhiều vùng, miền khắp cả nước..." - GS-TS Trần Đình Hòa khẳng định.
Hướng tới mục tiêu nước toàn cầu
Trong bối cảnh đó, đề tài “Nghiên cứu đánh giá ANNN phục vụ xây dựng quy hoạch tài nguyên nước - áp dụng thử nghiệm trên lưu vực sông Đồng Nai” do TS Nguyễn Trúc Lê, Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội đã phần nào đáp ứng được yêu cầu đó.
Theo đó, đề tài của TS Nguyễn Trúc Lê đã đưa nhiều giải pháp thiết thực. Đề tài được triển khai từ năm 2016 và dự kiến hoàn thành năm 2019. Sau khoảng thời gian thực hiện đề tài đã xây dựng được cơ sở khoa học đánh giá ANNN các lưu vực sông chính ở Việt Nam và bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả kinh tế sử dụng nước ở Việt nam.
Đến nay, đề tài đã hoàn thành một số công việc như đánh giá tổng quan về ANNN các lưu vực sông chính ở Việt Nam. Qua đó, đề xuất các giải pháp đảm bảo ANNN, quản lý, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả trong điều kiện BĐKH và nước biển dâng.
Theo Dân Việt
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn