Mặc dù năng suất chanh nghịch vụ chỉ bằng 70% so với vụ thuận nhưng giá bán hiện cao hơn gấp nhiều lần nên nông dân H.Giồng Trôm (Bến Tre) trúng đậm.
Anh Bùi Văn Tài (ngụ xã Bình Hòa, H.Giồng Trôm) cho biết từ những ngày giáp tết, vườn chanh rộng hơn 1 ha của gia đình đã bắt đầu thu hoạch. Cứ mỗi tuần anh hái bán 2 lần, mỗi lần khoảng 500 kg. Thương lái đến tận vườn thu mua 28.000 đồng/kg, với giá này thì nhà vườn như anh “thắng lớn”.
Theo anh Tài, để xử lý cho chanh thu hoạch tập trung trong vụ nghịch (các tháng nắng), từ hơn 6 tháng trước, anh vừa xiết nước gốc, vừa liên tục hái bỏ chanh non, trữ nước trong các mương vườn để dùng trong mùa khô và tốn nhiều chi phí phân, thuốc, nhân công... Tuy làm tốt tất cả các khâu chăm sóc nhưng vườn chanh vẫn chỉ đạt năng suất bằng khoảng 70% năng suất so với mùa thuận. Bù lại, giá chanh mùa nghịch thường cao gấp 7 - 8 lần so với vụ thuận nên nhà vườn vẫn có lãi cao.
“Đặc thù của cây chanh là cho trái quanh năm, nhưng nếu xử lý cho trái vào các tháng nắng thì lợi nhuận mới đạt được ở mức 250 triệu đồng/ha/năm”, anh Tài nói.
Theo Phòng NN-PTNT H.Giồng Trôm, trên địa bàn huyện có hơn 3.000 ha đất nông nghiệp được bà con trồng chanh, hiện trên 50% diện tích canh tác đang cho trái, tập trung tại các xã: Lương Quới, Bình Hòa, Châu Hòa... Chủng loại chanh được bà con trồng phổ biến là chanh giấy. Tuy trồng chuyên canh chanh đạt năng suất cao hơn nhưng bà con chủ yếu chọn mô hình trồng xen trong vườn dừa, vườn bưởi da xanh hoặc cam để tránh rủi ro về thị trường tiêu thụ, xâm nhập mặn...
Chị Bùi Thị Bé Bảy, một thương lái từ tỉnh Tiền Giang, cho biết hiện chỉ có nhà vườn tại Bến Tre, chủ yếu là H.Giồng Trôm, còn trồng loại chanh giấy truyền thống, các địa phương khác trồng chủ yếu chanh không hạt, chanh bông tím nên nhà vườn tại đây không có “đối thủ” cạnh tranh trong vụ nghịch. Đặc biệt, giá chanh giấy luôn cao gấp đôi so với các loại chanh khác.
Theo Thanh Niên