Giá thịt lợn tăng cao, nguồn cung thiếu hụt khiến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11/2019 tăng tới 0,96% so với tháng trước. Dự báo, Việt Nam thiếu hụt khoảng 340.000 thịt lợn, trong khi đó, tình hình buôn lậu lợn vẫn diễn biến phức tạp.
Thiếu 340.000 tấn thịt lợn
Theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã chủ trì cuộc họp với lãnh đạo một số bộ, ngành về tình hình liên quan đến giá thịt lợn và bình ổn thị trường những tháng còn lại của năm 2019. Theo đó, Bộ NNPTNT, các địa phương đã tổ chức triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh để giảm thiệt hại. Ban Bí thư và Chính phủ cũng đã có những chỉ đạo sát sao để giảm thiểu thiệt hại của dịch tả lợn châu Phi ở mức thấp nhất có thể.
Người tiêu dùng chọn mua thịt lợn tại siêu thị ở TP.HCM. Ảnh: N.Đ.T
Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, cùng với Bộ NNPTNT, Bộ Công Thương sẽ phối hợp các doanh nghiệp đầu mối để đảm bảo nhập khẩu lượng lợn cần thiết từ các nước, trong đó ưu tiên nhập khẩu từ các nước đã ký Hiệp định thương mại tự do (FTA) với Việt Nam. |
Điều đáng mừng là dịch bệnh đã giảm mạnh từ tháng 6/2019. Ước tính đến tháng 11/2019, số lợn buộc phải tiêu hủy là 152.000 con, giảm tới 88% so với tháng 5/2019. Đã có hơn 60% số xã có dịch đã qua 30 ngày.
“Chúng tôi đã có 6 hội nghị để chỉ đạo, phổ biến, hướng dẫn tái đàn lợn, nhân rộng các mô hình gia trại, trang trại, doanh nghiệp áp dụng các biện pháp an toàn sinh học, sử dụng chế phẩm tăng cường sức đề kháng, do đó hạn chế được bệnh dịch tả lợn châu Phi. Nhiều địa phương cũng đã chỉ đạo tái đàn có kết quả để cung cấp lợn thịt cho thị trường” - Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nói.
Cũng theo ông Tiến, để bình ổn thị trường thịt lợn, một trong những giải pháp được tính đến là nhập khẩu thịt. Theo đó, Bộ NNPTNT đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ để có ý kiến giao Bộ Công Thương chỉ đạo ngành công thương và các địa phương cần tập trung nguồn lực nhiều hơn cho công tác bình ổn mặt hàng thịt lợn trong dịp Tết Canh Tý, có kế hoạch cho nhập khẩu thịt lợn để cân đối việc thiếu hụt thịt lợn trong nước.
Tính toán cung cầu để bù đắp thiếu hụt
Trong khi đó, Bộ Công Thương cũng đang nỗ lực triển khai các giải pháp để bình ổn thị trường thịt lợn những tháng cuối năm 2019, đầu năm 2020. Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải: Bộ Công Thương luôn coi thịt lợn là một trong những mặt hàng thiết yếu cần phải đảm bảo nguồn cung cho thị trường và bình ổn giá cả, nhất là trong dịp cuối năm và dịp Tết cổ truyền.
“Vì vậy, chúng tôi luôn theo dõi sát thị trường, việc cung -cầu mặt hàng thịt lợn nói riêng và thực phẩm nói chung nhằm có những đề xuất, tham mưu phù hợp để ổn định thị trường, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng” - ông Hải nói.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho rằng, do dịch tả lợn châu Phi nên nguồn cung trong nước bị giảm, giá thịt lợn trong nước tăng cao và có diễn biến phức tạp. Kể cả đến thời điểm này, nếu chúng ta chủ quan, không thường xuyên quan tâm đúng mức, tới dịp Tết cổ truyền và cả thời gian sau tết thì có thể giá thịt lợn vẫn là vấn đề lớn, không chỉ ảnh hưởng tới đời sống người dân mà đến cả chỉ số CPI, sự phát triển ổn định của nền kinh tế.
“Bài học đối với thị trường Trung Quốc vẫn còn, giá thịt lợn vào tháng 9, tháng 10 tăng đến 100% so với cùng kỳ năm 2018, ảnh hưởng nhiều đến mức tăng trên 1% CPI của nước này” - ông Hải ví dụ.
Cũng theo ông Hải, trong cuộc họp với sự tham gia của nhiều bộ, ngành, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng đã chỉ đạo Bộ NNPTNT tính toán cân đối cung cầu, bù đắp thiếu hụt, nhất là nhu cầu tăng cao trong những ngày lễ, tết để phối hợp với Bộ Công Thương tính toán, đề xuất cụ thể số lượng cần nhập khẩu từ các đối tác thương mại có quan hệ hai chiều với Việt Nam; chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về đảm bảo nguồn cung, không để thiếu hụt thịt lợn, nhất là dịp lễ, tết, bình ổn giá thịt lợn, bảo đảm lợi ích hài hòa của người chăn nuôi, doanh nghiệp, khâu lưu thông phân phối, người tiêu dùng…
Ông Hải cho biết, để đảm bảo cung - cầu thịt lợn, Bộ Công Thương đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, nhất là Bộ NNPTNT, với các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, những nơi chăn nuôi có nguồn cung thịt lợn lớn như Đồng Nai, Hà Nam và một số tỉnh khác, các doanh nghiệp đầu mối… để nắm được tình hình và đề xuất, tham mưu các biện pháp xử lý phù hợp, kịp thời.
Ông Hải cũng cho biết, thời gian tới sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội, kể cả các doanh nghiệp để nắm bắt được tình hình cung cầu trong nước để tham mưu đề xuất ban hành các biện pháp phù hợp nhằm đảm bảo nguồn cung trong nước, bình ổn giá thịt lợn, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.
Khánh Nguyên/http://danviet.vn/
Xem bài viết gốc tại đây!
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn