Bưởi Diễn Hiệp Hoà “xuôi” về Hà Nội
Hơn 30 năm trước, ông Nguyễn Trường Thinh ở xã Đoan Bái, nay là Trưởng nhóm Câu lạc bộ CCM Hiệp Hoà, đã đưa cây bưởi Diễn (Hà Nội), về trồng tại quê nhà, và cũng là người đầu tiên đưa cây bưởi Diễn về Bắc Giang. Hiện, ông Thinh có 0,5ha bưởi Diễn, trên 600 gốc, trong đó có 300 cây 30 tuổi; 300 cây 14 tuổi. Đây là những cây bưởi có xuất xứ từ vùng Diễn gốc (nay thuộc quận Bắc Từ Liêm – Hà Nội), đến nay, cây vẫn phát triển tốt, bình quân cho thu hoạch 200 trái/cây.
Ông Thinh là 1/30 hộ được quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Bưởi Hiệp Hoà – Bắc Giang” từ năm 2017; và là 1/12 hộ được công nhận “Vườn bưởi xuất sắc” của huyện năm 2019. Toàn bộ diện tích bưởi của ông được trồng trên đất thịt, không khác gì ở đất Diễn, nên chất lượng khá cao. Đặc biệt, quả trên cây 30 năm tuổi, vị ngọt thơm đậm đà, vỏ mỏng; năm 2018, giá bán tại vườn là 40.000 đồng/quả; cây 14 năm tuổi: 30.000 – 35.000 đồng/quả. Giá bưởi Diễn “xịn” ở Hà Nội, dịp Tết Nguyên Đán 60.000 - 70.000 đồng/quả, có năm lên đến 80.000 đồng/quả. Hơn 20 năm qua, ông không phải lo đầu ra, đến mùa thu hoạch, khách lên lấy tại vườn, đem về tiêu thụ ở Hà Nội, chuyển ra nước ngoài làm quà biếu.
Đặc biệt, cách đây 4 năm, ông Thinh đã áp dụng chăm sóc bưởi theo hướng hữu cơ. Ông cho biết, điều này, cũng không khó lắm, chỉ cần lưu tâm và đầu tư đúng mức, sẽ có kết quả như mong muốn. Sau khi thu hoạch xong, tỉa cành, tạo tán, bón phân chuồng ủ hoai mục, dùng các chế phẩm sinh học để bảo vệ cây. Ở vườn đất thịt, chăm sóc vất vả hơn, do độ thoát nước kém, hay bị bệnh thối rễ, gỉ sắt, rệp sáp, thán thư (lá bị đốm sẹo), khiến cây phát triển chậm. Do vậy, phải thông thoát rãnh xung quanh vườn, dùng các chế phẩm sinh học để phòng trị bệnh cho cây...
Bình quân mỗi năm 600 gốc bưởi tiêu tốn trên 100 tấn phân chuồng, tương đương 50 tấn phân hữu cơ thành phẩm. Ngoài ra, còn dùng thêm phân vô cơ NPK của Công ty Việt Nhật, khoảng 0,7kg/cây, bón ngay sau khi thu hoạch, giúp cây nhanh hồi sức, ra hoa sớm. Tuy nhiên, nếu canh tác hữu cơ 100% thì tuyệt đối không được dùng phân vô cơ. Dự kiến năm 2020, ông Thinh sẽ chuyển sang canh tác hữu cơ hoàn toàn, lúc đó sẽ bổ sung phân hữu cơ sinh học của Nhật Bản, mới giới thiệu vào Việt Nam năm 2019.
Nhờ chế độ chăm sóc tốt, năm 2018, vườn bưởi của ông Thinh cho thu hoạch khá cao: vườn 30 tuổi đạt khoảng 17.000 quả; vườn 14 tuổi khoảng 1 vạn quả, doanh thu 600 – 700 triệu đồng. Dự kiến, thu nhập năm nay tương đương năm 2018, do không có biến động về giá cả, thị trường, vì đã có bạn hàng ổn định hơn 20 năm nay.
Cùng Hội CCM với ông Thinh, ông Mẫn Xuân Khải ở thôn Đại Đồng (xã Danh Thắng) cho biết, ông trồng bưởi Diễn 15 năm nay, trên diện tích 4 sào (1 sào Bắc Bộ = 360m2); chuyển sang trồng theo hướng hữu cơ 4 năm nay.
Bật bí về cách chăm sóc bưởi cho năng suất và chất lượng cao, ông Khải cho hay, sau khi thu hoạch xong, xới gốc, phơi đất 2 ngày, sau đó, rắc vôi bột xung quanh. Sau 20 ngày, bắt đầu bón phân chuồng ủ hoai mục, khoảng 30 - 40kg/cây; bón lót xong, phun thuốc kích hoa. Thời gian ra hoa, đậu quả của bưởi tròn 1 năm. Khoảng tháng 4 năm sau, bón NPK Việt Nhật; tháng 6 bón kali, chia làm 3 đợt, mỗi đợt cách nhau 1 tháng, tổng cộng 3kg/3 đợt.
Năm 2019, bưởi được mùa, dự kiến vườn bưởi của ông Khải đạt khoảng 7.000 quả. Đáng ghi nhận là, sau nhiều năm canh tác an toàn, năm 2017, vườn bưởi của ông đã được cấp chứng nhận VietGAP, và là 1/12 hộ được chứng nhận “Vườn bưởi xuất sắc”. Đây cũng là khoảng thời gian ông ký được hợp đồng bao tiêu sản phẩm với Công ty Rau quả Hà Nội, cùng 5 hộ khác. “Với mức giá tại vườn 25.000 đồng/quả, được thu mua ổn định từ bấy đến nay, gia đình chỉ lo canh tác, không phải lo đầu ra”, ông Khải nói.
Liên kết để phát triển bền vững
Đó là khẳng định của ông Nguyễn Trường Thinh, Trưởng nhóm CLB CCM huyện Hiệp Hoà. Được biết, nhóm được thành lập từ năm 2015, từ đó đến nay, hội viên luôn say mê phát triển kinh tế hộ, học hỏi lẫn nhau, và chuyên tâm vào cây bưởi. Mặt khác, CLB cũng thường xuyên mời các chuyên gia đầu ngành tập huấn cho hội viên. Liên kết với các công ty phân bón, thuốc BVTV để giúp bà con chăm sóc cây trồng tốt hơn. Đồng thời, chú trọng hội thảo đầu bờ, để qua đó, hội viên so sánh vườn đạt chuẩn và chưa đạt, để nỗ lực hơn nữa.
Đặc biệt, Ban chủ nhiệm CLB luôn có định hướng khích lệ hội viên trồng bưởi theo quy hoạch; so sánh với các cây trồng hiện nay, quả bưởi có thu nhập khá cao, ổn định, để hội viên yên tâm canh tác. Nếu thất bại, không nên nản, cần nhanh chóng khắc phục, để thắng lợi ở vụ sau. CLB cũng động viên, tư vấn kỹ lưỡng, phát triển theo hướng chuyên bưởi.
“Có hội viên đã “lọt” được vào chuỗi liên kết, được doanh nghiệp thu mua ổn định, với giá khá cao, 25.000 đồng/quả; nhưng năm sau, do chất lượng không đạt, doanh nghiệp phải chở bưởi trả lại cho chủ vườn. Đây là điều đáng tiếc, cần phải rút kinh nghiệm sâu sắc, giữ chữ “Tín” trong liên kết, để phát triển bền vững, 2 bên cùng có lợi. Thất bại trên cũng là bài học sâu sắc cho toàn thể hội viên CLB CCM Hiệp Hoà: “Thương trường là chiến trường”, nếu muốn kinh doanh bền vững, phải luôn khắc ghi điều này”, ông Thinh nhấn mạnh.
Theo ông Thinh, hiện, “vườn bưởi trẻ nhất” ở Hiệp Hoà mới 1- 2 năm tuổi, vườn lâu nhất 30 năm tuổi. Phần lớn hội viên trong CLB, đến mùa thu hoạch không phải đi chợ bán, thương lái đến lấy tại vườn, với giá bình quân 20.000 – 40.000 đồng/quả. Những vườn bưởi chỉ đạt 12.000 – 15.000 đồng/quả (bà con quen gọi là hàng chợ), bán trôi nổi dọc đường, đa phần rơi vào các hộ canh tác tự do, thiếu chăm sóc bài bản. Hoặc, bưởi ở Phú Thọ, Tuyên Quang “tràn xuống” Bắc Giang.
“Đặc biệt, những hội viên CCM thấy mình đã đủ điều kiện được chứng nhận vườn bưởi xuất sắc, vườn bưởi được dán nhãn, sẽ đăng ký và mời các cơ quan chuyên môn của huyện Hiệp Hoà về kiểm nghiệm, theo dõi, nếu đạt tiêu chuẩn, sẽ được công nhận. Nếu đạt được chất lượng, sẽ giúp nâng thương hiệu vườn bưởi của mình hơn, từ đó sản phẩm sẽ có uy tín và chỗ đứng trên thị trường”, ông Thinh nhấn mạnh.