07:04 EST Thứ bảy, 11/01/2025
CHỦ ĐỀ HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HCM CỦA VP ĐIỂU PHỐI NTM HÀ TĨNH "GƯƠNG MẪU, CHỦ ĐỘNG, TÂM HUYẾT, KHOA HỌC, HIỆU QUẢ"

Menu Hệ thống

Tư vấn chính sách
Văn bản Pháp luật
Văn bản Pháp luật
Điều hành tác nghiệp Hà Tĩnh
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn
Cổng Thông tin Điện tử Hà Tĩnh
Công báo Hà Tĩnh
Báo Nông nghiệp Việt nam
Khuyến nônng Việt Nam
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Tĩnh

TRANG CHỦ » Tin Tức » Thông tin khác


Đối tác chiến lược ngành in bạt quảng cáo

in bạt hiflex - in decal pp - in decal ngoài trời - in băng rôn

Những điển hình nông thôn mới - Bài 1: Đột phá cho nông nghiệp

Thứ năm - 13/11/2014 01:47
Khai thác triệt để tiềm năng, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng và tranh thủ sự hỗ trợ từ nhiều phía để tiếp sức cho nông dân phát triển sản xuất nông nghiệp nhằm nâng cao giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích là hướng đi chủ lực của nhiều xã điểm NTM trong những năm qua…

Sản xuất hàng hóa tập trung

Những ngày này, trên các bãi bồi ven sông thuộc xã Đại Hiệp (Đại Lộc) đâu cũng thấy màu xanh tít tắp của cây chuối lùn. Chỉ tay về phía những buồng chuối sắp thu hoạch, ông Đỗ Đức Hai ở thôn Phú Trung (Đại Hiệp) nói: “Cách đây 4 năm, tôi trồng thử nghiệm 2 sào chuối lùn. Thấy hiệu quả đem lại cao hơn trồng lúa gấp 3 lần nên tôi tiếp tục khai hoang đất rồi trồng thêm 8 sào nữa. Bình quân mỗi năm tôi thu về 70 triệu đồng từ 10 sào chuối lùn này. Nhờ vậy, bây giờ đã có của ăn của để”. Thời gian qua, hàng trăm hộ dân khác trên địa bàn xã Đại Hiệp cũng đổi đời từ loại cây ăn quả này. Bà Nguyễn Thị Hồng - Chủ tịch UBND xã Đại Hiệp cho biết, xác định nông nghiệp hàng hóa là lối đi tất yếu trong tiến trình phát triển tam nông nên vài năm trở lại đây địa phương chọn mô hình trồng chuối lùn chuyên canh làm hướng chủ lực trong phát triển kinh tế hộ. Theo đó, Đại Hiệp quy hoạch một vùng trồng chuối theo phương thức tập trung với tổng diện tích 120ha đất, trải dài ở các thôn Phú Mỹ, Phú Trung, Phú Hải. Thực tế cho thấy, bình quân 1ha người dân thu được 150 - 200 triệu đồng/năm.

Nhờ được hỗ trợ một phần kinh phí, người dân mạnh dạn đầu tư cơ giới hóa các khâu sản xuất. Ảnh: N.S
Nhờ được hỗ trợ một phần kinh phí, người dân mạnh dạn đầu tư cơ giới hóa các khâu sản xuất. Ảnh: N.S

Do năng suất đạt không cao nên cách đây gần 3 năm, bà Nguyễn Thị Phẩm (thôn An Thiện, xã Tam An, huyện Phú Ninh) chuyển 2 sào đất lúa sang trồng rau diếp cá theo hướng chuyên canh. Bà Phẩm cho biết, nhờ được chính quyền địa phương cùng các ngành liên quan hỗ trợ một khoản kinh phí để làm giàn lưới che mưa nắng và hướng dẫn cặn kẽ kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh nên thời gian qua ruộng rau diếp cá của bà sinh trưởng rất tốt. “Diếp cá là loại rau có đầu ra tương đối ổn định, giá bán cũng khá cao nên đầu năm 2012 đến nay bình quân mỗi tháng tôi thu về 4 triệu đồng từ 2 sào đất này. Nhờ vậy, cuộc sống không còn vất vả” – bà Phẩm phấn khởi. Ông Võ Thi Mô – Phó Chủ tịch UBND xã Tam An cho hay, hiện địa phương có 120ha đất màu. Những năm qua, nhờ sự tiếp sức từ nhiều phía, nông dân trên địa bàn xã đã hình thành được 3 vùng chuyên canh rau theo phương thức sản xuất hàng hóa với diện tích khoảng 11ha, tập trung chủ yếu tại các thôn An Thiện, An Mỹ 1, An Hòa. Theo ông Mô, mỗi năm 1ha đất chuyên canh rau thương phẩm mang lại cho người dân 120 - 150 triệu đồng. Trừ số diện tích trồng rau sạch vừa nêu, 109ha đất màu còn lại nông dân Tam An tiến hành xây dựng nhiều mô hình canh tác bắp lai, đậu phụng, bắp nếp… cũng cho giá trị kinh tế cao, khoảng 65 - 90 triệu đồng/ha/năm.

Lên vùng Gò Nổi của huyện Điện Bàn, chúng tôi cũng bắt gặp hình ảnh người nông dân đang tất bật trên nhiều cánh đồng luân canh và xen canh những loại cây trồng cạn chủ lực. Ông Hà Văn Minh - Phó Chủ tịch UBND xã Điện Quang cho biết, ngoài 166ha đất lúa canh tác mỗi vụ thì hiện nay Điện Quang có 547ha đất màu chuyên sản xuất ớt, đậu phụng, đậu cô ve, thuốc lá, bắp nếp, dưa hấu… theo phương thức hàng hóa, cho thu nhập bình quân 110 triệu đồng/ha/năm, cá biệt có một số đồng đất mang lại 150 - 170 triệu đồng/ha/năm. Cũng với cách làm ấy, hiện 480ha đất màu của xã Điện Phong đều cho giá trị kinh tế khá cao, khoảng 120 - 150 triệu đồng/ha/năm…

Tiếp sức cho nhà nông

Nhằm giúp người dân chủ động nguồn nước tưới trong các vụ sản xuất đến, xã Điện Trung (Điện Bàn) vừa kéo 250m đường dây điện ra cánh đồng thôn Hòa Giang để thủy lợi hóa 140 sào đất màu chuyên canh, luân canh các loại cây trồng cạn với số tiền 121 triệu đồng. Ông Phạm Trường Sơn – Phó Chủ tịch UBND xã cho biết, từ trước đến nay bằng nhiều nguồn vốn huy động Điện Trung đã chi ít nhất 4 tỷ đồng cho khâu thủy lợi hóa đất màu, trong đó Nhà nước hỗ trợ 2 tỷ đồng, còn lại nhân dân đóng góp. Nhờ vậy, bây giờ toàn bộ 170ha đất màu của xã đã đảm bảo nước tưới, nông dân hình thành được hàng trăm mô hình canh tác theo hướng sản xuất hàng hóa, mỗi năm 1ha cho thu nhập 100 - 170 triệu đồng.

Mỗi vụ nông dân xã Điện Phong gieo sạ 163ha lúa. Trước đây, muốn thu hoạch hết số diện tích ấy thì phải mất hơn 3 tuần, vì phần lớn người dân gặt bằng thủ công. Thấy nhu cầu lớn của nhân dân địa phương trong khâu thu hoạch nên cách đây 2 năm ông Đặng Ngọc Châu ở thôn Cẩm Phú đầu tư 540 triệu đồng mua một chiếc máy gặt đập liên hợp về phục vụ. Cũng như nhiều hộ dân khác, ông Châu được các đơn vị liên quan xét hỗ trợ 40 triệu đồng theo cơ chế 33 của tỉnh. Không chỉ ông Châu, được sự tiếp sức từ phía Nhà nước, gần đây nông dân Điện Phong mạnh dạn đầu tư cơ giới hóa các khâu trong sản xuất nông nghiệp. Tính đến thời điểm này, toàn xã đã có 10 máy gặt đập liên hợp, 19 máy cày loại lớn, nhờ vậy thời gian làm đất và thu hoạch đã được rút ngắn đáng kể. Ngoài việc tập trung đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng, UBND xã Điện Phong cũng trích nguồn kinh phí từ sự nghiệp phát triển nông nghiệp mua 27 công cụ sạ hàng (2 triệu đồng/cái) cấp phát về cho 7/8 thôn. Ông Nguyễn Năm – Phó Chủ tịch UBND xã Điện Phong nói: “Từ năm 2010 đến nay nhờ được ngành nông nghiệp huyện thường xuyên tập huấn kỹ thuật, nông dân trên địa bàn xã triển khai đồng bộ mô hình sản xuất lúa theo chương trình ICM kết hợp với sử dụng công cụ sạ hàng. Áp dụng mô hình này, lượng giống gieo sạ giảm 50%, mật độ vừa phải đã tạo điều kiện cho cây lúa quang hợp tốt, phát triển mạnh nên năng suất tăng 270 - 330kg khô/sào”.

Theo ông Phạm Đức Toàn - Phó Chủ tịch UBND xã Tam Phước (Phú Ninh), mỗi vụ nông dân địa phương gieo sạ hơn 400ha lúa. Năm 2014, năng suất lúa bình quân đạt 60 tạ/ha, tăng 5 - 6 tạ/ha so với thời điểm 2011 trở về trước. Đặc biệt, nhờ đẩy mạnh liên doanh liên kết nên hằng năm nông dân tổ chức sản xuất khoảng 250ha giống lúa thuần và lúa lai hàng hóa. Sản phẩm giống lúa người dân tạo ra được các công ty giống cây trồng trong và ngoài tỉnh thu mua theo phương thức bao tiêu toàn bộ. Bình quân mỗi vụ 1ha đất sản xuất giống lúa cho mức thu nhập 50 - 70 triệu đồng, tăng 30 - 35% so với làm lúa thương phẩm. Ông Toàn cho biết thêm, hiện Tam Phước có 130 chiếc máy cày và 16 máy gặt đập liên hợp nên 100% diện tích đất sản xuất nông nghiệp đã được cơ giới hóa. “Cuối năm 2009 đến nay, từ nguồn vốn do tỉnh phân bổ và ngân sách địa phương, xã Tam Phước đã chi hơn 1,4 tỷ đồng hỗ trợ một phần kinh phí cho nông dân mua các loại máy móc phục vụ sản xuất. Sắp tới, chúng tôi sẽ tiếp tục giải ngân 600 triệu đồng tiền hỗ trợ cho người dân” - ông Toàn nói.

Những năm qua, bên cạnh việc tích cực khai hoang, mở rộng diện tích đất sản xuất lúa nước thì chính quyền xã miền núi A Nông (Tây Giang) cũng thường xuyên phối hợp với ngành nông nghiệp huyện tổ chức tập huấn, chuyển giao tiến bộ của khoa học kỹ thuật cho nông dân, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng thời lựa chọn những giống lúa mới có chất lượng cao đưa vào gieo sạ đại trà. Ông Alăng Bao – Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã nói: “A Nông hiện có 40ha đất trồng lúa nước. Năm 2014 năng suất bình quân đạt 37,5 tạ/ha, tăng 7,5 tạ so với cách đây 5 năm. Đây là nỗ lực rất lớn của chính quyền và người dân, góp phần đảm bảo an ninh lương thực. Hiện nay, thu nhập bình quân đầu người của xã là 15,6 triệu đồng/người/năm, tăng hơn 3 triệu đồng so với năm 2012, tỷ lệ hộ nghèo dự kiến đến cuối năm nay còn 5%, giảm 18,4% so với năm ngoái”. Theo: baoquangnam.com.vn

NGUYỄN SỰ
Bài 2: Chuyển dịch cơ cấu lao động

Theo: baoquangnam.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Thư viện Hình ảnh



Thăm dò ý kiến

Đánh giá kết quả thực hiện Chương trình NTM nên theo chỉ tiêu nào?

Số xã về đích (đạt 19/19 tiêu chí)?

Tổng số tiêu chí đạt chuẩn?

Tổng mức độ tiến bộ của tất cả các tiêu chí (theo phương pháp chấm điểm)?

Phương án khác?

Thời tiết - Tỷ giá

Thống kê

Đang truy cậpĐang truy cập : 235


Hôm nayHôm nay : 51642

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 424469

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 73471440