Trồng rong nho, lãi 300 triệu đồng
Nguyễn Văn Dỗng-nông dân khu phố Cà Đú, thị trấn Khánh Hải, huyện Ninh Hải (Ninh Thuận) trở thành triệu phú từ nghề trồng rong nho-1 đặc sản vùng biển duyên hải Nam Trung Bộ.
Anh Dỗng phấn khởi với lứa thu hoạch rong nho đạt chất lượng cao. Ảnh: Công Tâm
Anh Dỗng cho biết, đã có thời gian anh trăn trở nuôi gì làm giàu, trồng cây gì để làm giàu. Rồi anh quyết định chuyển từ nuôi tôm sang trồng rong nho từ năm 2012. “Ban đầu trồng tôi lo lắm, bởi không biết bán cho ai. Nhưng qua sự giới thiệu của các bạn nuôi tôm ở miền Tây, tôi đã kiếm được mối bán hàng. Giờ thì chỉ lo không có rong nho bán cho khách…”, anh Dỗng cho hay.
Cây rong nho từ khi thả giống cho đến khi thu hoạch là hơn 20 ngày. Bình quân mỗi ngày anh Dỗng xuất 50-100kg rong nho với giá bán từ 60.000 đồng/kg trở lên. Có thời điểm, mỗi ngày anh thu hoạch và xuất bán tới 200kg rong nho. “Cái khó của rong nho là phải làm bằng tay.
Trao đổi với Nhà nông/Danviet, anh Dỗng cho biết, rong nho là nguyên liệu chế biến thực phẩm giàu dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe. Ảnh: Công Tâm.
Người làm phải ngắt từng cọng. Khâu làm khô đóng gói rong nho thì đã có máy…” – trao đổi với Nhà nông/Danviet, anh Dỗng tiết lộ. Với nghề trồng rong nho, mỗi năm gia đình anh Dỗng lãi ròng 300 triệu đồng.
Tỷ phú nuôi tôm sinh học
Ông Tu Thanh Hường là 1 trong số ít nông dân Ninh Thuận nuôi tôm áp dụng công nghệ sinh học quy mô lớn. Ông Hường ở thôn Sơn Hải 1, xã Phước Dinh, huyện Ninh Phước.
Tỷ phú Tu Văn Hường (phải) rất nhiệt tình chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm nuôi tôm an toàn sinh học theo hướng nông nghiệp công nghệ cao với nhiều đoàn nông dân các tỉnh, thành phố. Ảnh: Đoàn Thanh.
Cách đây hơn 20 năm, ông Hường nuôi hàng trăm con dê. Bán dê, ông chuyển sang nuôi tôm sú. Sau vài vụ thắng lợi thì trang trại tôm sú của gia đình ông Hường nhiễm dịch bệnh. Ông bèn chuyển qua nuôi tôm thẻ chân trắng và áp dụng theo mô hình chăn nuôi an toàn sinh học.
Hiện nay, ông đã có 7ha nuôi tôm thẻ chân trắng với 25 ao nuôi, trung bình xuất bán ra thị trường 100 – 150 tấn/năm, giá bán 100.000 – 120.000 đồng/kg, đem lại doanh thu từ 10 – 12 tỷ đồng/năm, trừ chi phí lãi từ 5 - 8 tỷ đồng/năm. Nuôi tôm thẻ chân trắng an toàn sinh học theo hướng nông nghiệp công nghệ cao là 1 trong những mô hình nuôi con tiền tỷ hiện nay.
Đoàn cán bộ, hội viên, nông dân Thành phố Hồ Chí Minh thăm quan, học tập tại 1 hồ nuôi tôm sinh học của gia đình ông Tu Thanh Hường. Ảnh: Đoàn Thanh.
Trao đổi với Nhà nông/Danviet, ông Đoàn Văn Thanh-Phó Chủ tịch Hội ND TP. Hồ Chí Minh cho biết: “Tôi vừa dẫn đoàn cán bộ, nông dân của thành phố ra thăm mô hình nuôi tôm sinh học của ông Thu Thanh Hường. Mô hình rất hiện đại, đầu tư bài bản, nông dân Cần Giờ của TP.HCM có thể tham khảo, học hỏi được…Đây là mô hình làm giàu từ nông nghiệp…”.
Trồng cây tiền tỷ
Vùng đất Ninh Thuận vốn rất phù hợp trồng cây tiền tỷ-măng tây xanh. Với giá bán mầm măng tây xanh tươi từ 50-70.000 đồng/kg, nông dân trồng măng tây xanh Ninh Thuận có lãi tới 60 triệu đồng/sào/năm. Đây là cách làm giàu ở nông thôn.
Anh Hùng Ky cho Nhà nông/Danviet biết, cây măng tây xanh không chỉ giúp nông dân Ninh Thuận thoát nghèo mà còn làm giàu. Ảnh: Công Tâm.
Hai năm nay, trang trại trồng măng tây xanh của ông Hùng Ky (dân tộc Chăm), thôn Tuấn Tú, xã An Hải, huyện Ninh Phước luôn là địa chỉ thăm quan, học tập của nhiều đoàn cán bộ, hội viên, nông dân các tỉnh, thành phố. Tháng 9.2016, trong chuyến công tác, làm việc tại Ninh Thuận, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tới thăm mô hình trồng măng tây xanh của gia đình ông Ky.
Theo Phương Đông/ Dân Việt
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn