Người trồng kiệu ở Bình Định cầm chắc được ăn cái Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 đủ đầy.
Năm nay nhờ thời tiết thuận lợi nên năng suất cây kiệu ở Bình Định cho cao. |
Theo ông Nguyễn Tấn Phát, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Định, từ tháng 10/2019 đến nay, trên địa bàn Bình Định vắng mưa, các ruộng kiệu không bị úng nước nên không phát sinh bệnh, cây kiệu phát triển rất tốt. Nhờ đó, năm nay cây kiệu cho năng suất cao. Thêm vào đó, năm nay giá kiệu tăng đến 40.000 - 50.000đ/kg kiệu củ, đây là mức giá cao nhất trong những năm gần đây.
Ông Nguyễn Văn Tâm ở thôn Hội Phú, xã Mỹ Hòa (huyện Phù Mỹ), người vừa chuyển 4 sào ruộng (500m2/sào) trước đây trồng lúa kém hiệu quả sang trồng kiệu đã thấy ngay hiệu quả từ việc chuyển đổi, ông cho biết: “Ngay trong vụ đầu tiên, gia đình tôi đã nhận được niềm vui vì cây kiệu cho hiệu quả kinh tế cao hơn gấp mấy lần trồng lúa. Tôi vừa thu hoạch 2 sào, năng suất kiệu đạt 2,5 tạ/sào.
Vào thời điểm tôi thu hoạch giá kiệu củ bán được 37.000đ/kg, thu vào được hơn 18,5 triệu đồng, vợ con tôi mừng rỡ vô cùng. Trước đây làm lúa trên diện tích này có nằm mơ cũng dám nghĩ tới khoản thu nhập này”.
Theo nông dân Ngô Văn Lộc ở thôn Hội Phú (xã Mỹ Hòa), năm ngoái do thời tiết bất thuận nên cây kiệu cho năng suất thất bát. Vào thời điểm cây kiệu phát triển mạnh thì trời nắng nóng kéo dài, cây kiệu đứng đơ không phát triển nổi. Đến gần cuối vụ thì trời đổ mưa lớn dầm dề, kéo dài cả tháng, nên các ruộng kiệu bị úng nước, củ lớn không nổi.
“Năm ngoái người trồng kiệu chi phí đầu tư cao, chăm sóc rất vất vả nhưng năng suất kiệu cho không cao. Đã vậy, kiệu còn rớt giá rất thấp. Năm nay cây kiệu vừa được mùa còn bán được giá cao, thị trường thu mua mạnh nên niềm vui của người trồng kiệu được nhân đôi”, anh cho biết.
“Năm nay, toàn huyện đưa vào trồng 899ha kiệu, tăng 9ha so cùng kỳ năm trước. Kiệu không chỉ cho nông dân và thương lái thu nhập cao, mà các dịch vụ “ăn theo” kiệu cũng làm ăn khấm khá”, ông Hồ Ngọc Chánh, Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ. |
Huyện Phù Mỹ được mệnh danh là “thủ phủ kiệu” của tỉnh với gần 1.000ha. Nguồn thu từ cây kiệu vào dịp cuối năm vừa để nông dân sắm sanh đồ đạc cho gia đình ăn tết, vừa tích lũy để cho con cái ăn học, nên nông dân ở đây luôn đặt hy vọng vào những ruộng kiệu.
Bà Nguyễn Thị Bốn ở thôn Trà Lương, xã Mỹ Trinh (huyện Phù Mỹ), tâm sự: “Cây kiệu là nguồn thu chính của gia đình nên năm nào chúng tôi cũng cầu mong kiệu được mùa được giá để cuộc sống đỡ vất vả.
Năm nay, kiệu được mùa, được cả giá, tiêu thụ lại thuận lợi, nên ai nấy đều phấn khởi. Với 6 sào kiệu, sau khi trừ cho phí, gia đình tôi còn lãi ròng khoảng 30 triệu đồng, cao hơn nhiều so với năm ngoái”.
Kiệu được mùa được giá nông dân phấn khởi đã đành, thị trường tiêu thụ kiệu cũng hanh thông nên thương lái mua bán kiệu cũng vui lây.
Ông Võ Văn Bình, 1 trong những thương lái thu mua kiệu nhiều nhất xã Mỹ Trinh, cho biết: Năm nay kiệu đắt giá và được thị trường ăn mạnh là nhờ sức tiêu thụ của người tiêu dùng ở miền Nam tăng cao. Không như mọi năm, mỗi khi kiệu được mùa thì bị mất giá. Năm nay kiệu vừa được mùa vừa được giá nên nông dân có niềm vui trọn vẹn.
Năm nay, kiệu vừa được mùa vừa được giá |
“Tôi đi mua gom khắp nơi, mỗi ngày xuất bán từ 7 - 10 tấn kiệu cho vựa kiệu là chủ nậu cho thương lái ở các tỉnh phía Nam. Kiệu hút hàng đến mức mình chậm giao hàng 1 ngày là bạn hàng gọi điện đến điếc tai. Năm nay năng suất kiệu ở Mỹ Trinh cao, giá cả rất tốt, đầu ra thuận lợi, nên cả nông dân và những người kinh doanh kiệu như chúng tôi đều có thu nhập khá”, ông Bình chia sẻ.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn