Ông Lâm… “khùng”
Kể về nguyên nhân vì sao cò lại về trú ngụ tại khu đất nhà mình nhiều đến thế, ông Lâm cho biết: “Năm 2006, gia đình tôi đấu thầu khu đất là thùng đào, thùng đấu cạnh đê Gia Lạc với diện tích 100.000m2. Về sau, Nhà nước thu hồi khoảng gần 40.000m2 để múc sông. Hiện gia đình còn khoảng 60.000m2 sử dụng”.
Nhiều con cò được ông Hà Văn Lâm cứu sống. Ảnh: Vũ Thượng
"Diện tích vợ chồng ông Lâm trồng cây cho cò về làm tổ là đang thầu của xã, theo quan sát, mỗi ngày cò về một nhiều, bay trắng xóa cả một bầu trời. Để bảo vệ, chúng tôi đã có biện pháp cử anh em công an thường xuyên kiểm tra, nếu có đối tượng nào vào săn, bắt thì sẽ xử lý nghiêm". Ông Vũ Đình Thi - Chủ tịch UBND xã Gia Lạc |
Khu vực đấu thầu khi đó chỉ là vùng đất trũng, chủ yếu là cây lau, sậy rất khó canh tác. Với quyết tâm cải tạo khu đất thầu mang lại giá trị cao, gia đình đã quy hoạch thành 3 vùng sản xuất: 1 vùng cấy lúa, 1 vùng khai thác thủy sản và dành riêng 2ha đất để trồng cây ăn quả, cây lấy gỗ.
Khoảng cuối năm 2012, khi cây cối trong vườn tốt lên đã có một số loài cò không biết từ đâu tới trú ngụ tại đây. Khi cò về sinh sống, gia đình ông đã trồng thêm cây cho cò trú ngụ. Đến năm 2015 cò bắt đầu về nhiều, với số lượng lên đến hàng nghìn con. Sau khi cò về nhiều, gia đình anh đã dành cả phần đất 2ha để cho cò trú ngụ và không khai thác kinh tế ở phần diện tích này.
“Gia đình tôi coi chúng như những người bạn từ thiên nhiên, rất vất vả gia đình tôi mới có thể bảo vệ được đàn cò đến ngày hôm nay. Ngoài việc trồng thêm cây cối để làm nơi trú ngụ cho đàn cò, gia đình tôi còn phải canh gác để không cho kẻ xấu săn, bắt. Đặc biệt, những ngày mưa bão, cây bị đổ, cò con rơi xuống đất, vợ chồng tôi phải đội mưa để nhặt cò con cho lên tổ. Vào mùa cò sinh sản, vợ chồng tôi phải mua thuốc về phun để khử trùng khu vực vườn cây, đảm bảo cho cò sinh sản tốt và ngăn không bị dịch bệnh, nhờ vậy, đàn cò ngày một đông thêm” - ông Lâm chia sẻ.
Coi cò như bạn
Mỗi ngày đàn cò về càng nhiều, với số lượng lên đến hàng nghìn con. Ông Lâm tiếp tục tự bỏ tiền túi thuê người vực đất tạo vùng trũng cho cá, tôm, ốc sinh sống để làm thức ăn cho chim cò. Đồng thời, ông còn trồng thêm cây tre, cây lau, sậy... để cò bám đậu và làm tổ sinh nở.
Ông Lâm kể: "Việc bỏ tiền túi để dụ cò về làm tổ khiến nhiều người trong xã nói tôi khùng, điên mới làm như thế. Nhưng tôi đều bỏ ngoài tai và động viên vợ, con cố gắng trồng thêm nhiều cây xanh, chăm sóc tốt thì tin rằng con cò sẽ kéo về sinh sống".
Có hôm lợi dụng đêm tối, nhiều kẻ lạ mặt đã mang súng vào săn bắt, tiếng cò kêu vang như báo hiệu vị trí để ông Lâm chạy đến ngăn cản. Vào những ngày mưa bão, ông Lâm cùng vợ đội mưa đi từng gốc cây kiểm tra và đưa những con cò con rơi xuống đất quay về tổ.
"Việc chăm sóc và bảo về đàn cò đối với vợ chồng tôi như một nhiệm vụ, chúng tôi coi con cò như người bạn không bao giờ bắt. Có lần, một nhóm người ở nơi khác về tận nhà đặt vấn đề bắt cò bán cho họ lấy tiền nhưng tôi cương quyết từ chối. Mặc dù, cò về sinh sống không tạo nên kinh tế, nhưng chỉ cần ngắm đàn cò hàng nghìn con là động lực và niềm vui để tôi tiếp tục công việc" - ông Hà Văn Lâm tâm sự thêm.
Ông Vũ Đình Thi - Chủ tịch UBND xã Gia Lạc cho biết: "Diện tích vợ chồng ông Lâm trồng cây cho cò về làm tổ là đang thầu của xã, theo quan sát, mỗi ngày cò về một nhiều, bay trắng xóa cả một bầu trời. Để bảo vệ, chúng tôi đã có biện pháp cử anh em công an thường xuyên kiểm tra, nếu có đối tượng nào vào săn, bắt sẽ xử lý nghiêm".
Hiện nay, số lượng cò trắng, vạc, diệc bay về làm tổ, sinh nở trong khu vườn nhà ông Lâm quản lý ngày càng gia tăng, vợ chồng ông đang có ý tưởng mở rộng thêm diện tích, phủ kín thêm cây xanh cho chim, cò đậu. Bên cạnh đó, mong muốn đảo cò của gia đình sẽ trở thành một điểm du lịch sinh thái cho cộng đồng đến tham quan.
Theo Vũ Thượng/ Dân Việt
Xem bài viết gốc tại đây
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn