Theo thống kê, toàn tỉnh Ninh Bình hiện có trên 400.000 con lợn; đàn trâu, bò trên 58.000 con; đàn gia cầm trên 5,5 triệu con. Để triển khai có hiệu quả Đề án, trong những năm qua, tỉnh Ninh Bình đã làm tốt công tác thông tin tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đơn vị chủ trì Sở Nông nghiệp và PTNT đã chủ động tham mưu cho UBND tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện Đề án từng năm, phối hợp với các sở, ngành ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện đề án; thành lập Tổ kiểm tra, rà soát hiện trạng các khu quy hoạch phát triển chăn nuôi trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, hội thảo đầu bờ, triển khai các mô hình, dự án... tuyên truyền, vận động bà con ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi để nâng cao hiệu quả kinh tế. Từ năm 2014 đến nay, bình quân hàng năm, các cơ quan, đơn vị đã phối hợp tổ chức đào tạo tập huấn cho hơn 1.000 lượt nông dân và kỹ thuật viên, khuyến nông viên cơ sở trên toàn tỉnh về kỹ thuật chăn nuôi; quy trình phòng, điều trị bệnh; kỹ thuật chăm sóc các loại vật nuôi; quy trình xử lý chất thải và phòng chống nắng nóng cho vật nuôi; kỹ thuật thụ tinh nhân tạo cho đàn trâu, bò, lợn...
Đặc biệt, nhiều giống vật nuôi có năng suất, chất lượng sản phẩm tốt đã được đưa vào nuôi trên diện rộng, điển hình như các giống lợn: Duroc, Pietran, PiDu…; các giống bò: Redsind, Bradman, tinh bò 3B… Đây là những giống cao sản của thế giới, qua thực tế đã tỏ ra phù hợp với điều kiện chăn nuôi tại các trang trại trong tỉnh. Cán bộ khuyến nông các cấp cũng chủ động hướng dẫn người dân ứng dụng nhiều công nghệ chuồng trại tiên tiến như chuồng kín, chủ động kiểm soát được nhiệt độ trong chuồng nuôi; đệm lót sinh học; công nghệ xử lý chất thải bằng men vi sinh, máy vắt phân, bể biogas phủ bạt HDPE, đã góp phần giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường. Anh Nguyễn Văn Phương, chủ một trang trại chăn nuôi lợn sinh sản ở huyện Kim Sơn cho biết: “Với sự hướng dẫn của ngành nông nghiệp, tôi đã chủ động thực hiện công tác vệ sinh phòng dịch. Nhờ vậy, đàn lợn trong trang trại luôn có sức đề kháng tốt, rất ít bị nhiễm bệnh; chất lượng lợn thịt, lợn giống luôn được thương lái và người dân đánh giá cao”.
Thực tế triển khai Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp” gắn với phát triển lĩnh vực chăn nuôi ở tỉnh Ninh Bình những năm qua đã cho thấy, việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào phát triển chăn nuôi luôn là khâu then chốt, vừa giúp mang lại lợi ích kinh tế cao hơn cho người chăn nuôi, vừa từng bước thay đổi nhận thức, tư duy, cách làm mới cho người dân. Sau gần 5 năm thực hiện Đề án, phương thức chăn nuôi của người dân trên địa bàn toàn tỉnh đang có sự dịch chuyển từ chăn nuôi hộ gia đình truyền thống sang chăn nuôi trang trại tập trung, công nghiệp, sản xuất hàng hoá lớn.
Từ khi Đề án được ban hành cuối năm 2014 đến nay, lĩnh vực chăn nuôi của tỉnh Ninh Bình đã duy trì tốc độ tăng trưởng khá; các chỉ tiêu sản xuất chăn nuôi đều đạt và vượt so với mục tiêu đề ra trong Đề án. Năm 2018, giá trị sản xuất chăn nuôi (theo giá so sánh 2010) đạt trên 2.150 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng trung bình khoảng trên 2%/năm, (mục tiêu Đề án là 1%/năm), cơ cấu GDP chăn nuôi trong nông nghiệp chiếm khoảng gần 30%. Tuy nhiên, theo ông Vũ Nam Tiến, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Ninh Bình, quá trình triển khai thực hiện Đề án còn gặp một số khó khăn như: quy mô hoạt động chăn nuôi còn nhỏ lẻ, phân tán; chăn nuôi quy mô nông hộ còn phổ biến với công nghệ kỹ thuật lạc hậu, thủ công khiến năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh còn thấp, hiệu quả kinh tế chưa cao. Quỹ đất nông nghiệp phù hợp quy hoạch phát triển các loại vật nuôi không nhiều; việc phát triển chăn nuôi trâu, bò gặp nhiều khó khăn do không có đồng cỏ tự nhiên; hiệu quả liên kết trong phát triển chăn nuôi chưa cao…
Nhằm khắc phục với những khó khăn này, thời gian tới, tỉnh Ninh Bình sẽ tiếp tục triển khai những giải pháp để tập trung chỉ đạo các địa phương như vận động, khuyến khích, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho nông dân mở rộng đàn vật nuôi các loại. Tăng cường công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức để người dân hiểu, nắm bắt được các cơ chế chính sách của tỉnh nhằm thay đổi nhận thức của người nông dân và nâng cao hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi. Phấn đấu duy trì số lượng đàn trâu khoảng 15 nghìn con, đàn bò khoảng 41 nghìn con, đàn dê trên 24 nghìn con, đàn lợn khoảng 410 nghìn con, đàn gia cầm đạt 5 triệu con, tổng sản lượng thịt hơi đạt trên 58 nghìn tấn. Phát triển chăn nuôi đạt tốc độ tăng trưởng bình quân trên 2,5%/năm, đảm bảo đóng góp tỷ trọng GDP trong ngành nông nghiệp đến năm 2020 từ 30% trở lên.
Bên cạnh đó, Ninh Bình cũng cố gắng giải quyết tốt những khó khăn về xử lý chất thải, xây dựng cơ sở hạ tầng của các khu chăn nuôi tập trung; khuyến khích hình thành các mô hình liên kết nhóm hộ, chuỗi sản xuất chế biến tại chỗ nhằm mục đích nâng cao giá trị của các sản phẩm từ ngành chăn nuôi, bảo đảm thị trường tiêu thụ ổn định, bền vững và nâng cao hiệu quả thu nhập cho người chăn nuôi.
Có thể thấy, với những giải pháp đồng bộ, thiết thực, ngành chăn nuôi của tỉnh Ninh Bình đã có sự phát triển theo hướng đa dạng các loại vật nuôi trên cơ sở tăng cường ứng dụng tiến bộ kỹ thuật. Theo đó, đã dần hình thành những sản phẩm chủ lực có lợi thế, cạnh tranh cao trên thị trường, gia tăng hiệu quả kinh tế cho người nông dân, hướng tới phát triển nông nghiệp bền vững và thúc đẩy quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp nói chung./.
Theo Quang Đạo/ khuyennongvn.gov.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn