Những vườn chè xóa đói giảm nghèo ở xã Hạnh Lâm. Ảnh: Phương Thúy |
Vượt lên khó khăn
Áp Tết chúng tôi về với Hạnh Lâm - xã đang nỗ lực để năm 2017 về đích nông thôn mới. Những rừng keo xanh mát chuẩn bị cho thu hoạch bên cạnh những vườn keo non hai bên đường Hồ Chí Minh được che phủ ni lông chống rét nhằm chuẩn bị giống cho trồng rừng vụ xuân.
Chủ tịch UBND xã Hạnh Lâm - ông Trần Đình Sơn cho hay: Năm 2016, tổng giá trị sản xuất của xã đạt 157,85 tỷ đồng, tăng 26,8% so với cùng kỳ. Trong đó, nông, lâm, ngư nghiệp đạt 82,082 tỷ đồng. Sở dĩ lâm nghiệp đạt giá trị cao là bởi trong năm qua kinh tế vườn rừng phát triển rất mạnh, kinh tế trồng rừng từ cây nguyên liệu giấy xóa đói, giảm nghèo, nhiều hộ trở thành hộ giàu.
Bà con chỉ cần bán 5 - 7 ha keo là thu về 500 triệu đồng, trong khi đó nhiều hộ có tới 10 ha, 20 ha. Kinh tế rừng và trang trại phát triển mạnh, nên năm 2016 xã đã trồng thêm được 100 ha rừng. Xã cũng trồng được 132 ha sắn, 18 ha mía và hơn 20 ha chè mới.
Trao đổi về thành tích xây dựng nông thôn mới, Chủ tịch UBND xã Trần Đình Sơn cho biết thêm: Với sự nỗ lực cao của Đảng bộ và nhân dân xã, hiện xã Hạnh Lâm đã có 14/19 tiêu chí đạt chuẩn, đó là các tiêu chí đạt khá cao như trường học, thu nhập, nhà ở dân cư, an ninh trật tự. Còn một số tiêu chí chưa đạt như giao thông, môi trường, cơ sở văn hóa. Trong đó tổng số km đường cần thực hiện đạt chuẩn (đường thôn, ngõ xóm...) còn lại là 14,78 km và tổng lượng xi măng cần có là 2.200 tấn. Bởi vậy, chúng tôi mong sớm nhận được xi măng để bê tông hóa các đoạn đường chưa đạt chuẩn.
Trong khi đó, phong trào xây dựng nông thôn mới ở xã Thanh Tiên đang đi vào chiều sâu. Là một trong những xã đầu tiên về đích NTM, Thanh Tiên tự hào đến hôm nay cơ sở hạ tầng của xã khang trang, đàng hoàng, hệ thống giao thông, trường học được kiên cố hóa. Trên địa bàn xã, Nhà máy may Venture đang tạo việc làm cho hàng trăm lao động.
Các phong trào về xây dựng nông thôn mới tiếp tục được các ngành, các cấp tập trung triển khai thực hiện, hiệu quả đạt được ngày càng cao và tạo được sự lan tỏa sâu rộng trong nhân dân. Qua phong trào đã xuất hiện nhiều tấm gương điển hình hiến đất, hiến tài sản, ủng hộ tiền, công trình xây dựng nông thôn mới. Tổng kinh phí đầu tư xây dựng NTM đã thực hiện là 106.55 tỷ đồng. Trong đó ngân sách tỉnh là 42,83 tỷ đồng, chiếm 40.20%, doanh nghiệp hỗ trợ 28 tỷ đồng, chiếm 26,28%, huy động từ nhân dân 24 tỷ đồng, chiếm 22,52%.
Những người con xa quê ở Thanh Tiên đã đóng góp nguồn lực xây dựng xã nhà giàu mạnh như đầu tư sân vận động, kêu gọi các nhà máy về, góp tiền là đường, làm nhà văn hóa... Đến nay thu nhập bình quân đã đạt 26,5 triệu đồng/người/năm.
Sản xuất mạ khay ở xã Thanh Liên (Thanh Chương). Ảnh: Đình Hà |
Đảm bảo bền vững các tiêu chí
Phát huy những thành quả đã đạt được trong phong trào xây dựng nông thôn mới, Thanh Chương đang phấn đấu đưa các xã về đích nông thôn mới của năm 2017 và những năm tiếp theo hướng bền vững, không chạy theo thành tích. Ngay từ đầu năm, Ban chỉ đạo huyện đã chỉ đạo quyết liệt các xã đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nội dung, tiêu chí chưa đạt chuẩn, đồng thời chỉ đạo các phòng ban liên quan, các thành viên ban chỉ đạo huyện thường xuyên bám sát cơ sở để hướng dẫn, chỉ đạo, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Năm 2017, huyện Thanh Chương xây dựng các xã Hạnh Lâm, Thanh Yên, Thanh Hòa, Thanh Khai, Thanh Tường... về đích NTM, đồng thời rút kinh nghiệm và tháo gỡ khó khăn về nợ đọng nông thôn mới ở một số xã.
Là huyện thuần nông, nên việc phấn đấu đạt chuẩn NTM bền vững ở Thanh Chương khá khó khăn vì hoa màu, nông sản phụ thuộc vào thời tiết. Bên cạnh đó, hệ thống giao thông còn nhiều bất cập khi đường đất, đường xuống cấp còn nhiều, người dân qua sông nhiều xã còn phụ thuộc vào đò ngang, ý thức về vệ sinh môi trường còn hạn chế.
Bởi vậy, đối với các xã đã về đích NTM, cần phát động phong trào thi đua nâng cao chất lượng các tiêu chí, nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần của người dân, đảm bảo đạt bền vững các tiêu chí, nhất là đời sống, thu nhập, văn hóa, vệ sinh môi trường nông thôn.
Đối với các xã trong lộ trình xây dựng NTM, tiếp tục huy động, lồng ghép các nguồn lực, sự đóng góp từ các tổ chức, cá nhân, nhân dân, con em quê hương đi làm ăn xa, kết hợp với nguồn ngân sách địa phương và sự hỗ trợ của ngân sách nhà nước cấp trên để thực hiện chương trình. Phát triển sản xuất, xóa đói, giảm nghèo, tham gia học nghề, đào tạo nghề; xây dựng đời sống, nếp sống văn hóa cộng đồng tại cụm dân cư.
Những vườn hoa cúc kịp thu hoạch để bán dịp tết ở xã Thanh Lĩnh (Ảnh: Phương Thúy). |
Ông Trần Phi Hùng - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Thanh Chương cho biết: Phòng sẽ hướng dẫn, chỉ đạo, đôn đốc các xã điểm tiến hành tự đánh giá kết quả thực hiện của địa phương, hoàn thiện báo cáo, hồ sơ và niêm yết công khai đảm bảo đúng quy định tại Thông tư 40/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Tham gia cùng cơ sở tháo gỡ khó khăn, xây dựng các mô hình phát triển sản xuất, bổ cứu sản xuất và định hướng ngành nghề, hình thức tổ chức sản xuất phù hợp trong nông nghiệp nông thôn, góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM trên địa bàn.
Tác giả bài viết: Châu Lan
Nguồn tin: baonghean.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn