Vụ hè thu trúng mùa, được giá
Ông Lê Thanh Tùng – Phó Trưởng phòng Cây lương thực thực phẩm (Cục Trồng trọt – Bộ NNPTNT) thông tin: Vụ lúa hè thu ở toàn vùng Nam Bộ cho năng suất và sản lượng cao hơn so với năm 2016. Theo đó, toàn vùng Nam Bộ gieo sạ khoảng 1,7 triệu ha, năng suất ước đạt 5,6 tấn/ha (tăng 2,98 tạ/ha) và sản lượng trên 9,7 triệu tấn (tăng 325.400 tấn) so với vụ hè thu 2016. Riêng vùng ĐBSCL gieo sạ được 1,6 triệu ha, năng suất ước đạt 5,69 tấn/ha, tăng 3,07 tạ/ha; sản lượng đạt trên 9,3 triệu tấn (tăng 336.000 tấn so với năm 2016).
Nhiều vùng sản xuất lúa hè thu ở TP.Cần Thơ đạt năng suất khoảng 7 tấn/ha. ảnh: HUỲNH XÂY
Ông Huỳnh Thế Năng - Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết thêm, hiện nay giá lúa hè thu đang ở mức khá cao (lúa tươi bán tại ruộng có giá từ 5.250 – 5.300 đồng/kg - PV) và có khả năng tăng tiếp tục tăng trong vài tháng tới. “Cả tuần qua, ngày nào giá lúa gạo cũng tăng. Nguyên nhân là do từ tháng 5.2017 trở lại đây, nhiều hợp đồng tiêu thụ lúa gạo mới được ký kết (tổng sản lượng được ký khoảng 880.000 tấn) và do số lượng gạo phẩm cấp thấp (IR 50404) còn ít” – ông Năng nói.
Thứ trưởng Bộ NNPTNT Lê Quốc Doanh cũng phấn khởi: “Vụ hè thu năm nay không có địa phương nào bị ảnh hưởng bởi hạn, mặn. Mặc dù có nhiều khó khăn về thời tiết nhưng các địa phương đã chủ động có giải pháp ứng phó, nhiều cánh đồng sử dụng các giống lúa chống chịu được sâu bệnh tốt. Theo báo cáo các địa phương, hiện nay, người dân các địa phương đã thu hoạch được khoảng 30% diện tích. Những diện tích này cho năng suất tốt, như TP.Cần Thơ có nơi đạt khoảng 7 tấn/ha, giá bán cũng cao do thị trường có nhiều tín hiệu khả quan”.
“Nóng” chuyện sản xuất lúa mùa nước lũ
Theo VFA, dự kiến xuất khẩu gạo của nước ta trong tháng 6 đạt khoảng 450.000 tấn, nếu tính thêm lượng gạo đã xuất khẩu 5 tháng đầu năm thì tổng lượng gạo xuất khẩu trong 6 tháng qua đạt trên 2,73 triệu tấn. VFA dự kiến, 6 tháng cuối năm sẽ xuất khẩu thêm khoảng 2,97 triệu tấn. |
Về kế hoạch sản xuất vụ thu đông tới, Cục Trồng trọt đề xuất gieo sạ theo lịch thời vụ từ tháng 6 đến cuối tháng 8 với tổng diện tích dự kiến 832.000ha (tăng 7.071ha so với cùng kỳ năm 2016). Riêng vụ mùa là trên 331.100ha, tương đương năm 2016.
Tuy nhiên, do dự báo mực nước có thể sẽ tăng nhiều hơn cùng kỳ các năm trước nên Cục Trồng trọt cũng đề nghị các địa phương lập kế hoạch sản xuất chu đáo, trong đó có tính đến phương án khắc phục ảnh hưởng tiêu cực của lũ bất thường.
Ông Nguyễn Hồng Khanh - Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý công trình thủy lợi (Tổng cục Thủy lợi) cho biết: “Theo dự báo của các cơ quan khí tượng thủy văn cũng như các cơ quan khoa học thuộc Bộ, năm nay có thể lũ sẽ về sớm và cao hơn so với năm 2015 và 2016, khả năng ở mức báo động 2, báo động 3. Trước dự báo trên, Tổng cục Thủy lợi đã có văn bản yêu cầu các địa phương trong vùng ngập lũ xây dựng kế hoạch tu bổ hệ thống đê bao, đảm bảo vụ sản xuất thu đông hiệu quả”.
Ông Trần Anh Thư - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh An Giang cho rằng: “Ngành chuyên môn cần có những thông tin chính xác về dự báo mực nước lũ trong thời gian tới để giúp địa phương có sự chủ động kịp thời, tránh tình trạng lúc dự báo thế này, lúc dự báo thế khác. Về cơ cấu giống lúa, riêng tỉnh An Giang sẽ giảm gieo sạ lúa có phẩm cấp thấp (IR 50404), tăng giống lúa Jasmine, các giống có chất lượng cao khác nhằm phục vụ cho xuất khẩu”.
“Đài Khí tượng thủy văn Trung ương mới đây thông báo có lũ sớm nên chúng tôi đã họp gấp, chỉ cho sản xuất giới hạn diện tích. Tuy nhiên, hiện nay lại phải tính lại do có thông tin khác, không giống với thông báo trước đó” - ông Đỗ Minh Nhật – Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Kiên Giang nói.
Theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Lê Quốc Doanh, có thể lũ năm nay sẽ cao hơn vài năm trước đây, đỉnh lũ sẽ rơi vào tháng 10. Vì vậy, để có sự chủ động phòng ngừa những thiệt hại có thể xảy ra trong thời gian tới, Thứ trưởng chỉ đạo các đơn vị có liên quan thành lập đoàn công tác đến từng địa phương rà soát tình hình thực tế rồi báo cáo lại cho lãnh đạo Bộ trong thời gian sớm nhất có thể.
“Các địa phương vùng Đông Nam Bộ và ĐBSCL cần tăng cường giám sát thời vụ, đảm bảo cho bà con yên tâm sản xuất. Lãnh đạo các sở, ngành nông nghiệp không nên có quan điểm phải chờ… nghiên cứu, chờ số liệu mà phải hành động trước khi thiệt hại xảy ra đối với bà con. Thà trị trước, không để trở thành ổ bệnh rồi mới trị thì sẽ không hiệu quả” - Thứ trưởng Lê Quốc Doanh chỉ đạo. /.
Theo Huỳnh Xây/ Dân Việt
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn