Thời gian gần đây, không ít nông dân ở huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp đã phát triển nghề nuôi dê mang lại nguồn lợi kinh tế khá, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi… Toàn huyện hiện có tổng đàn dê nuôi khoảng 700 con các loại, tập trung tại các xã An Long, Phú Ninh, Phú Cường, Phú Hiệp, Tân Công Sính và thị trấn Tràm Chim.
Ông Non có thu nhập cao từ nuôi dê. Ảnh: T.T
Điển hình nhất là ông Lê Văn Non (khóm 5, thị trấn Tràm Chim) đã thành công với mô hình nuôi dê giống bách thảo sinh sản và nuôi dê thịt. Giữa năm 2015, ông Non đầu tư hơn 20 triệu đồng cất chuồng sàn gỗ, mái lợp tôn trên diện tích 10m2 và thả nuôi 1 con dê đực giống và 6 con dê cái. Sau hơn 1 năm cần mẫn chăm sóc, ông Non đã có tổng đàn dê gần 20 con và cất thêm 2 cái chuồng. Ông Non bán 6 con dê thịt với giá từ 90.000 - 100.000 đồng/kg, thu nhập được 17 triệu đồng! Ông Non vui vẻ chia sẻ: “Nuôi dê dễ, ít bị bệnh và sức đề kháng tốt, mau lớn. Sau 9 tháng nuôi, con dê có thể đạt trọng lượng từ 40 - 50kg. Dê mang thai trong khoảng 140 - 157 ngày thì sinh. Mỗi năm sinh 2 lứa, mỗi lứa từ 1 - 2 con, có khi lên đến 3 con. Sau 3 tháng có thể tách bầy dê con và bán. Sau thời gian chăm sóc, đàn dê đã tăng trưởng nhanh”.
Thức ăn chủ yếu của đàn dê được ông Non tận dụng từ nguồn có sẵn tự nhiên ở địa phương như lá cây, cỏ, so đũa, rau muống, rau lang… Trung bình, một con dê trưởng thành có thể ăn hết từ 15 - 30kg cỏ/ngày. Bên cạnh đó, ông Non còn mua thêm bã đậu nành làm thức ăn bổ sung cho đàn dê. Ông thường xuyên quét dọn, làm vệ sinh chuồng, giăng mùng tránh muỗi cho dê.
Hiện tại, đàn dê của ông Non đã lên tới 24 con các loại. Ông Non bày tỏ: “Chuồng phải cất sàn cao. Muốn nuôi dê thành công là phải chọn con dê cái giống tốt, khỏe mạnh! Bên cạnh việc cho dê ăn cỏ, bã đậu và các loại cây hoang dại khác, tôi còn bổ sung cho dê uống nước pha muối... Hơn 2 năm nay, tôi chỉ đầu tư mua dê giống có một lần. Sau đó, dê cái đẻ ra bầy dê con và tôi để lại nuôi tiếp…”.
Nguồn tin: enternews.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn