Có thể nói, hiện nay, nông dân sản xuất nông nghiệp còn gặp nhiều rủi ro do sâu bệnh, thiên tai…; sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất còn nhiều, gây lãng phí; hệ thống kho bảo quản, chế biến lương thực còn nhiều bất cập; tổn thất khâu thu hoạch và sau thu hoạch khá cao; giá trị xuất khẩu nông sản còn hạn chế…
Bên cạnh đó, lực lượng lao động trong lĩnh vực nông nghiệp đang giảm đi và bị già hóa vì lao động cao tuổi đang chiếm đa số. Còn lao động trẻ với mơ ước được “đổi đời” thường có chuyển từ vùng nông thôn lên các thành thị để tham gia vào các ngành nghề khác bởi diện tích đất nông nghiệp đang có xu hướng giảm, từ đó dẫn đến tình trạng mức độ phân mảnh đất đai cao nhất so với khu vực và thế giới.
Do vậy, câu chuyện khởi nghiệp chưa bao giờ là dễ dàng với bất kỳ ai hay trong bất kỳ lĩnh vực nào. Tuy nhiên, với sức ảnh hưởng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, thì sự mạo hiểm khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ vẫn dễ thành công hơn nếu tạo ra được sự sáng tạo vì công nghệ là “bùng nổ” và “đột phá”.
Dám nghĩ, dám làm, đổi mới tư duy trong sản xuất với những ý tưởng sáng tạo và mạnh dạn ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp đang là chủ đề được nhiều nhà khoa học và nhà nông đặc biệt quan tâm. Hội nông dân Việt Nam cũng đã tổ chức nhiều Hội thảo để bàn về giải pháp khởi nghiệp nông nghiệp nhằm mục đích tìm ra các giải pháp cũng như nhân rộng những điển hình tiên tiến.
Về vấn đề này, theo Chủ tịch Hội nông dân Việt Nam Lại Xuân Môn, khởi nghiệp đã khó nhưng khởi nghiệp trong nông nghiệp còn khó hơn vì đây là lĩnh vực đầy rủi ro cần đầu tư lâu dài. Nông dân muốn khởi nghiệp phải được hỗ trợ đầy đủ 5 yếu tố về đất đai, vốn, nguồn nhân lực, ứng dụng khoa học công nghệ cao, cơ sở hạ tầng đi kèm. Để đạt được điều này, cần sự đồng hành của Đảng, Nhà nước, các bộ ngành và cả hệ thống chính trị vào cuộc.
Đồng quan điểm này, các chuyên gia nông nghiệp cũng cho rằng, bản thân nông dân không thể khởi nghiệp một mình mà cần sự đồng hành của Đảng, Nhà nước và các Bộ, ngành liên quan với các cơ chế chính sách tháo gỡ vướng mắc về quỹ đất, nguồn vốn, nguồn nhân lực, ứng dụng khoa học công nghệ cao và cơ sở hạ tầng vật chất đi kèm...
Mặt khác, người nông dân cần phải thay đổi tư duy về sản xuất, cách tiếp cận mới đối với những sản phẩm có lợi thế, cũng như thông tin thị trường, có ý tưởng sản xuất kinh doanh mới cũng như nâng cao nhận thức về pháp luật để hiểu biết áp dụng vào quá trình sản xuất.
Song, có thể nói, nhờ dám nghĩ, dám làm và sự hỗ trợ từ nhiều phía mà nhiều nông dân đã khởi nghiệp thành công và trở thành nông dân tiêu biểu như anh Ngô Quang Hùng (Bắc Ninh).
Vốn là kỹ sư điện tử, nhưng anh Hùng lại có quyết định rẽ ngang với đàn chim câu Pháp. Trước khi có thành công này, anh từng thất bại với nghề chăn nuôi lợn, gà. Năm 2012, qua phương tiện thông tin đại chúng, anh Hùng đã biết đến mô hình nuôi chim bồ câu Pháp cho hiệu quả kinh tế cao. Thế là anh Hùng quyết định học hỏi kỹ thuật, đầu tư nuôi chim, đến nay, anh đã làm chủ của hàng ngàn cặp chim câu bố mẹ với tổng thu nhập khoảng 70 triệu đồng/tháng.
Hay anh Ngô Đức Thắng ở Kim Động (Hưng Yên) nhờ nuôi vịt và nhạy bén với thời cuộc, anh đã có cơ ngơi tiền tỷ khiến bao người mơ ước. Sau khi rời ghế nhà trường, năm 1995, anh Thắng xây dựng gia đình. Ngày đó, hai vợ chồng anh xoay đủ thứ nghề từ mấy sào ruộng, chăn thêm đàn lợn, đàn gà… nhưng vẫn cứ nghèo. Năm 2002, anh Thắng đánh liều thuê toàn bộ diện tích khu cánh đồng lúa trũng nhất thôn Cốc Khê làm trang trại nuôi vịt đẻ, đào ao thả cá và trồng cây ăn quả.
5 năm sau, vợ chồng anh Thắng tìm tòi, học hỏi và mạnh dạn đầu tư thêm từ những khoản lãi nhỏ. Đến nay, tổng diện tích chuyển đổi của gia đình anh là 7,4ha, với 7.000 con vịt đẻ, ao thả cá rộng 5 mẫu và 12 mẫu đất trồng cây ăn quả như: bưởi Diễn, cam Vinh, na, mít…
Các anh Ngô Quang Hùng (Bắc Ninh), Ngô Đức Thắng (Hưng Yên) chỉ là hai trong số rất nhiều nông dân trẻ khởi nghiệp thành công từ nông nghiệp. Ngoài việc tạo thu nhập ổn định cho gia đình, các nông dân còn tạo công ăn việc làm cho hàng chục lao động địa phương có việc làm ổn định.
Điều đó có nghĩa, để khởi nghiệp thành công và hiệu quả, nông dân Việt Nam, nhất là các nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cần thay đổi, nâng cao về nhận thức, trình độ sản xuất; chuyển mạnh từ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún sang sản xuất quy mô lớn; từ hộ gia đình sang liên kết hợp tác theo chuỗi; từ sản xuất theo kinh nghiệm truyền thống sang công nghệ cao; từ coi trọng sản lượng sang chất lượng sản phẩm và giá trị gia tăng.
Lê Nguyên/ Thanh Tra
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn