Từ biến vỏ trấu thành củi
Nhìn thấy vỏ trấu - loại chất đốt truyền thống của người nông dân quê mình bị đổ bỏ bừa bãi sau khi nhà nhà chuyển sang sử dụng bếp gas, vừa lãng phí, vừa gây ô nhiễm môi trường, Trần Đình Lai ở huyện Quảng Điền, Thừa Thiên - Huế nảy ra ý nghĩ ép vỏ trấu thành củi cung cấp cho các cơ sở sản xuất công nghiệp.
Anh Trần Đình Lai bên chiếc máy ép củi trấu do anh sáng chế |
“Ban đầu tui nản lắm, ép mấy củi trấu cũng bị vỡ ra, không kết dính lại được. Thế là lên mạng tìm hiểu và gửi sản phẩm vào TP. Hồ Chí Minh nhờ kiểm tra mới biết là do độ ẩm trong trấu. Hiểu ra nguyên nhân thất bại rồi thì tự điều chỉnh, khắc phục, vậy là thành công. Máy hoạt động dựa trên nguyên lý nén bằng trục vít, có van nhiệt. Trấu cho vào máy ép, bộ phận sấy tự động làm giảm độ ẩm, sau đó ép thành củi dạng ống, dài 70cm, năng suất có thể đạt từ 150 đến 200kg/giờ, chỉ cần 1,5kg trấu sẽ cho “ra lò” 1kg củi”, anh Lai tâm sự.
Một thời gian ngắn sau, những chiếc máy ép củi từ trấu của anh Lai sản xuất ra đến đâu, có khách hàng đặt mua đến đó. Anh quyết định thành lập doanh nghiệp tư nhân Bạch Lai và hiện máy ép củi trấu của anh đã có mặt trên 50 tỉnh, thành của cả nước. Nhiều khách hàng từ Lào và Campuchia cũng tìm đến mua máy ép củi trấu của anh. Không dừng lại, anh tiếp tục nghiên cứu và cho ra hàng loạt các máy sấy mùn cưa, máy cắt nước đá liên hoàn, máyép viên thức ăn chăn nuôi, máy sấy lúa đa năng...
"Bà con mình cần cái chi thì tới gặp tôi, họ nói ra rồi tôi suy nghĩ, tìm tòi để làm ra một cái máy đáp ứng nhu cầu của bà con”, anh Lai trải lòng. Cũng chính từ những “đơn đặt hàng” như vậy, những máy móc do anh Lai sáng chế ra thực sự hữu ích, giúp nông dân giảm bớt sức lao động và đạt hiệu quả cao.
Vườn rau sạch trồng theo phương pháp thủy canh công nghệ cao của chị Lê Thị Tám |
Đến rau sạch ăn ngay tại vườn
Rau sạch được trồng trong những đường ống dẫn nước. Đến kỳ thu hoạch chỉ cần nhẹ nhàng kéo thân cây rau ra khỏi ống, cắt bỏ rễ và chuyển đến điểm bán. Toàn bộ cây rau, ngoại trừ bộ rễ, đều có thể ăn ngay tại vườn. Câu chuyện thú vị này đang diễn ra tại nông trại Thảo Vy ở huyện Phú Vang, Thừa Thiên - Huế. Để tạo ra một phân khúc mới trong thị trường nông sản sạch, sau khi đi các nơi học hỏi kinh nghiệm vợ chồng chị Lê Thị Tám, chủ nông trại này quyết định chọn mô hình canh tác rau thủy canh, bởi tính hiệu quả và trên hết là phương pháp này cho cây rau rất sạch, đảm bảo sức khỏe người dùng.
Cuối năm 2017, chị Tám cùng chồng bắt tay làm khu nhà lưới rộng 2.000m2, trang bị các hệ thống máy móc hiện đại để trồng các loại rau, quả như: cà chua, cải thìa, xà lách tím, xà lách bó xôi, rau thơm… Chị Tám không ngần ngại chia sẻ bí quyết:
“Hạt giống và cách điều chỉnh chế độ dinh dưỡng trong nước là hai yếu tố quan trọng nhất đối với trồng rau thủy canh. Trong đó, hạt giống nhập từ Hà Lan giá cao gấp hàng chục lần hạt giống trong nước, nhưng bù lại, khả năng cho thu hoạch gần như đạt 100% do giống đã được xử lý mọi mầm bệnh. Bên ngoài hạt giống còn được phủ một lớp dinh dưỡng, người trồng chỉ việc thả vào giá rồi đặt lên ống thủy canh. Rau phát triển nhanh, từ lúc trồng tới lúc thu hoạch chỉ khoảng 25 ngày nên có thể trồng gối đầu các loại rau, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của thị trường”, chị Tám nói.
Mô hình trồng rau sạch theo phương pháp thủy canh góp phần giúp người nông dân hướng đến sản xuất rau an toàn, không dùng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, bảo vệ môi trường. Hiện nguồn rau quả của nông trại Thảo Vy được bán cho các trường học phục vụ bữa ăn bán trú, nội trú cho học sinh. Nguồn rau sạch này còn cung cấp cho một số khách sạn, nhà hàng uy tín trên địa bàn TP. Huế. Chị Tám - chủ nông trại cũng đã khai trương siêu thị mini Oganic Thảo Vy để giới thiệu và bán lẻ rau an toàn, được người tiêu dùng tin cậy.
Bài và ảnh Hoàng Anh/ Thời báo ngân hàng
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn