Vài tháng qua, giá hồ tiêu rớt thê thảm, có thời điểm chạm đáy trong vòng 7 năm khiến người trồng tiêu gặp nhiều khó khăn.
Nông dân huyện Chư Pưh thu hoạch hồ tiêu
Hồ tiêu là một trong những loại cây trồng chủ lực của vùng Tây Nguyên với hơn 55.000ha (chiếm khoảng 56,7% diện tích hồ tiêu của cả nước).
“Găm hàng” chờ giá
Tháng 4 năm nay, vườn tiêu 1,5ha (2.000 trụ) của gia đình bà Võ Thị Nga (thị trấn Chư Sê, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) cho thu hoạch 3 tấn hạt tiêu khô. Do thiếu tiền trả nợ phân bón và thuốc bảo vệ thực vật nên gia đình bán bớt 1 tấn với giá 103.000 đồng/kg, riêng 2 tấn còn lại thì cất trong kho chờ giá cao lên sẽ bán. Nào ngờ, giá tiêu không tăng mà rớt chưa từng có khiến vợ chồng bà mất ăn mất ngủ.
“Cứ nghĩ chờ tiêu lên giá sẽ bán nốt 2 tấn tiêu còn lại để lấy tiền đầu tư việc khác, ai dè giờ giá rớt xuống còn80.000 đồng/kg. Với mức giá này cũng có lãi một ít trong điều kiện tiêu không bị dịch bệnh, vòng đời cao. Nhưng hiện tiêu mắc bệnh tràn lan”, bà Nga nói.
Còn tại nhà anh Huỳnh Văn Sỹ (thôn Phú Mỹ, xã Ia Băng, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) đang tồn kho 3 tạ tiêu. Đây là số tiêu gia đình thu hoạch vào tháng 3 vừa qua. Anh Sỹ cho biết: “Thu hoạch xong thì giá thu mua100.000 đồng/kg nhưng tôi chê thấp, không bán, để chờ giá cao bán lấy tiền trả nợ. Bây giờ tiêu xuống thấp không bán được, đành ôm khư khư trong nhà”.
Trong khi nông dân “găm hàng” thì các đại lý thu mua tiêu đang “đói hàng”. Ghi nhận tại cơ sở thu mua tiêu của Công ty TNHH MTV Kiều Sương (thị trấn Chư Sê, huyện Chư Sê), thời điểm này nhà kho vắng hoe không có người đến mua bán.
Bà Nguyễn Thị Kiều Sương, chủ cơ sở cho biết, năm ngoái người ra vào mua bán tiêu đông nghịt nhưng năm nay lèo tèo vài người. Những người đến bán tiêu đều là những người khó khăn, đang kẹt tiền. 4 ngày qua, cơ sở chỉ mua được 1 tạ tiêu. Việc kinh doanh vì thế cũng đình trệ. Số tiêu mua vào giờ rớt giá, lỗ đến 300 triệu đồng.
Cũng theo bà Sương, thời điểm hiện tại, các cơ sở chỉ thu mua được 30% hàng, còn khoảng 70% vẫn đang ở trong dân.
Nên dừng trồng mới hồ tiêu
Theo Tiến sĩ Trần Hồng, Quyền Viện trưởng Viện Khoa học nông lâm nghiệp Tây Nguyên, giá hồ tiêu khoảng 80.000 đồng/kg như thời gian qua là trở về đúng giá. Với giá này, sản xuất hồ tiêu vẫn có lãi. Đồng quan điểm, ông Hồ Phước Bính, Phó Chủ tịch Hiệp hội hồ tiêu Chư Sê (tỉnh Gia Lai), cho rằng với giá khoảng 80.000 đồng/kg thì vẫn có lãi nhưng không phải mức giá dân “mong muốn”. Nếu so với các cây khác như cà phê, bơ thì trồng các cây trên có lợi nhuận hơn vì những cây đó rủi ro ít hơn.
Bà Nguyễn Mai Oanh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, cho biết việc giá tiêu giảm là điều tất yếu do diện tích trồng và sản lượng tiêu của Việt Nam tăng, trong khi nhu cầu thế giới có mức độ nhất định.
Trong khi đó, theo Tiến sĩ Trần Hồng, giá tiêu giảm sâu ngoài việc sản lượng hồ tiêu của Việt Nam tăng còn do các nhà đầu cơ thấy sản lượng cao nên chưa chịu thu mua. Ngoài ra, chất lượng hồ tiêu nhiều nơi có vấn đề liên quan đến an toàn thực phẩm, ảnh hưởng đến việc tiêu thụ trên thị trường thế giới, đặc biệt là các thị trường khó tính.
Trước thực trạng này, các chuyên gia khuyến cáo nông dân không nên mở rộng diện tích hồ tiêu, đặc biệt ở những vùng không thuận lợi.
Bà Nguyễn Mai Oanh cho rằng, nông dân hết sức cân nhắc đầu tư vào cây hồ tiêu vì loại cây này phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên, đặc biệt 2 vùng sản xuất lớn là Tây Nguyên và Đông Nam bộ, vùng trong dự báo có ảnh hưởng của khô hạn và mưa dữ dội.
Còn theo ông Hoàng Phước Bính, cần tạm ngưng trồng mới hồ tiêu để tập trung chăm sóc diện tích hồ tiêu hiện có theo hướng sinh học và hữu cơ. Cụ thể là tăng cường phân hữu cơ để hạt tiêu sạch, không bị dư lượng, đạt uy tín. Tổ chức lại sản xuất theo hướng liên kết và quản lý chặt chẽ vật tư đầu vào (phân, thuốc), không để sử dụng tràn lan.
Theo Hữu Phúc (Báo SGGP)