Thường Xuân là một trong bảy huyện nghèo của tỉnh, điều kiện cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đời sống dân sinh còn nhiều khó khăn. Song, không vì thế mà ở vùng đất “Quế ngọc Châu Thường” thiếu đi những lão nông sản xuất, kinh doanh (SXKD) giỏi. Hàng chục năm về trước, ông Trịnh Minh Từ, thôn Quyết Tiến, xã Ngọc Phụng đã nhận khoán gần 60 ha rừng để bảo vệ, trồng và chăm sóc để phát triển kinh tế.
Nhận thấy tiềm năng từ đất đồi trong phát triển kinh tế, ông Từ đã quy hoạch số diện tích đất thành 3 khu chính gồm: 30 ha rừng tự nhiên, rừng tái sinh và rừng luồng, 10 ha trồng keo, gần 2 ha trồng quế bản địa... Mỗi năm, sau khi trừ các chi phí gia đình ông Từ có thu nhập từ 200 đến 300 triệu đồng. Mới đây, được Nhà nước hỗ trợ về vốn, ông đã mạnh dạn mua hơn 1,5 vạn cây dược liệu về trồng xen với 1,5 ha keo. Ông Từ khẳng định, đây sẽ là hướng đi mới trong việc phát triển kinh tế rừng của gia đình. Không chỉ ông Từ, nhiều hộ gia đình ở Thường Xuân đã tận dụng tài nguyên đất, các cơ chế, chính sách hỗ trợ về vốn, cây, con giống của huyện để phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo bền vững.
Tại thôn Lương Thành, xã Cẩm Tú (Cẩm Thủy) có mô hình kinh tế vườn đồi của lão nông Lê Tiến Dũng. Nhìn vườn cam, ổi đang vào độ trĩu quả, chúng tôi không thể mường tượng những khó khăn mà ông Dũng đã trải qua. Như lời ông Dũng kể, vào những năm 80 của thế kỷ trước, vùng quê Cẩm Tú còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, tỷ lệ hộ nghèo trong xã cao. Trăn trở, suy nghĩ tìm hướng phát triển kinh tế gia đình ông đã nhận thầu diện tích 5 ha đất đồi của xã. Sau mấy năm khai sơn, trồng mía, trồng dứa, nuôi bò không hiệu quả, ông lặn lội vào tỉnh Nghệ An tìm hiểu về cây cam đường, loại cây ăn quả đang mang lại nguồn thu lớn cho người nông dân.
Sau khi đã nắm vững kỹ thuật, ông mạnh dạn đầu tư mua hơn 600 cây cam giống về trồng, kết hợp với trồng ổi Đài Loan và ngô lấy hạt. Đất không phụ công người, vườn cam, ổi của lão nông Lê Tiến Dũng đã cho quả ngọt. Bình quân mỗi năm vợ chồng ông Dũng có khoản thu nhập 500 triệu đồng từ trang trại vườn đồi. Đồng thời, ông Dũng còn giải quyết việc làm thường xuyên cho hơn 5 lao động và trên 20 lao động thời vụ tại địa phương.
Hội Nông dân huyện Cẩm Thủy xác định “Phong trào nông dân thi đua SXKD giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói, giảm nghèo” là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được triển khai thường xuyên đến các cấp hội cơ sở và hội viên. Thông qua phong trào đã xuất hiện nhiều lão nông với tư duy mới trong sản xuất, mạnh dạn đầu tư vốn, chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nhằm đưa ra thị trường nhiều loại sản phẩm có giá trị kinh tế cao, đảm bảo an toàn thực phẩm. Trong năm 2017, toàn huyện có 10.800 hộ nông dân đăng ký SXKD giỏi, trong đó 6.520 hộ được công nhận danh hiệu “Nông dân SXKD giỏi”.
Để có được những lão nông như ông Từ, ông Dũng, phải nói đến vai trò của các cấp hội nông dân ở 11 huyện miền núi trong việc triển khai hiệu quả 3 phong trào lớn mà Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phát động, gồm: “Phong trào nông dân thi đua SXKD giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói, giảm nghèo bền vững”; “Phong trào nông dân thi đua xây dựng nông thôn mới”, “Phong trào nông dân tham gia đảm bảo quốc phòng - an ninh”. Đồng thời, các cấp hội đã chủ động đứng ra tín chấp với các ngân hàng để tạo điều kiện cho hội viên vay vốn phát triển SXKD và đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ, chuyển giao khoa học – kỹ thuật, cung ứng giống mới đến người nông dân.
.Bài và ảnh: Hòa Bình/ Báo Thanh Hóa